Thứ sáu, ngày 23/05/2025 05:11:09 GMT+7 | lượt xem: 20 Thư viện với công tác tuyên truyền báo chí Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thư viện công cộng của tỉnh không chỉ giữ vai trò trung tâm trong công tác lưu trữ và cung cấp thông tin, mà còn là thiết chế văn hoá, đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền báo chí, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương.

Ảnh: Một số loại báo - tạp chí đang lưu trữ, phục vụ tại thư viện
Trong cuốn Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trí Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2011 có viết: “Báo chí cách mạng Việt Nam là bộ phận của công tác tư tưởng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Báo chí đã và đang trở thành phương tiện thông tin tuyên truyền đắc lực đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy công cuộc đổi mới đang diễn ra trên đất nước ta hiện nay… C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định và đòi hỏi các cơ quan báo chí cách mạng phải là một pháo đài tư tưởng, những người làm báo phải là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng, chính trị, phải là chiến sĩ chiến đấu quên mình vì lý tưởng cách mạng, vì giai cấp vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Các ông đòi hỏi báo chí cách mạng phải có tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính chân thật và tính khoa học, tính nhân dân, tính đa dạng. Nghệ thuật thể hiện trên báo chí phải giản dị, thiết thực nhưng phải hết sức phong phú, sinh động”.
Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng viết:
“Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”
Triết lý ấy của cụ Đồ Chiểu với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa là yêu cầu bắt buộc mà báo chí phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
Gần 50 năm qua, kể từ khi được thành lập, Thư viện Lâm Đồng đã không ngừng tăng cường các hoạt động phục vụ bạn đọc. Từ vốn ban đầu thư viện mới chỉ có hơn 20.000 tài liệu, đến nay, tổng số vốn tài liệu của thư viện đã lên đến hơn 394.884 tài liệu, trong đó có 299.702 bản sách và 95.182 tài liệu số. Từ việc chỉ phục vụ một số loại ấn phẩm là sách, báo giấy, nhưng những năm gần đây Thư viện Lâm Đồng đã bổ sung các loại sách, báo điện tử để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của bạn đọc, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cập được với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin thời sự, khoa học và đời sống xã hội… nhằm góp phần đưa báo chí cách mạng Việt Nam đến gần hơn với người dân, củng cố niềm tin xã hội, lan toả những giá trị tích cực và phục vụ đắc lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục trong thời kỳ đổi mới. Thư viện Lâm Đồng đã trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc và đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong ký ức của nhiều thế hệ người Lâm Đồng.

Ảnh: Thư viện Lâm Đồng, số 14 Trần Phú, Phường 3, Tp. Đà Lạt
Với tinh thần đó, được sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sáng ngày 23/5/2025, tại Khách sạn MerPerle Dalat, Thư viện Lâm Đồng đã đưa đến phục vụ Hội thảo “Xây dựng nền Báo chí Lâm Đồng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” 165 loại ấn phẩm báo chí trung ương và địa phương, trong đó có số Báo Lâm Đồng đầu tiên, số 1, ra ngày 19-8-1977. Ngoài ra, còn có hơn 130 đầu sách hay của các nhà lãnh đạo, nhà báo, nhà chuyên môn… viết về báo chí, và nhiều ấn phẩm khác do các nhà báo viết về địa phương Lâm Đồng.



Ảnh: Đại biểu tham qua khu vực trưng bày tài liệu
Đặc biệt, để chào mừng Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Thư viện Lâm Đồng đã xếp 01 mô hình sách với chủ đề “Ngọn lửa báo chí”

Ảnh mô hình sách: “Ngọn lửa báo chí”
Mô hình được tạo bởi 100 cuốn sách bìa cứng, thuộc các lĩnh vực khác nhau nhằm tôn vinh chặng đường 100 năm hình thành và phát triển của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025). Tác phẩm là sự kết tinh của lịch sử, văn hoá và tinh thần thời đại. Nó không chỉ nhắc nhở chúng ta về truyền thống hào hùng của nền báo chí cách mạng Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng về một tương lai, nơi báo chí tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong sự nghiệp tuyên truyền cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mô hình “Ngọn lửa báo chí” mà Thư viện Lâm Đồng trưng bày hôm nay không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi tới các thế hệ nhà báo đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, độc lập dân tộc và sự phát triển của đất nước.
Vũ Hạnh
Tin khác
|
|