Thứ hai, ngày 06/05/2024 03:52:27 GMT+7 | lượt xem: 649 "Búp sen xanh " - Những nét phác hoạ chân thực nhất về Bác Hồ Có một lời bài hát đã viết: “Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Lời hát trong trẻo thiết tha ấy như được cất lên từ tận sâu trái tim mỗi con người Việt Nam khi nhắc về Bác - Vị cha già kính yêu của dân tộc. Người dành trọn cuộc đời để lo cho dân, cho nước, hy sinh thầm lặng quên mình vì nước, vì dân. Nhắc tới Bác là nhắc tới một cuộc đời rất đỗi thanh cao và giản dị. Nay, Bác đã đi xa nhưng những gì mà Người để lại cho dân tộc vẫn luôn là vô giá, luôn trường tồn mãi với thời gian.
Nhân kỷ niệm 134 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chúng ta cùng nhớ về Người qua cuốn sách “Búp sen xanh" của tác giả Sơn Tùng là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên viết một cách trọn vẹn về thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng tất cả lòng kính yêu, ngưỡng mộ đối với Người, tác giả đã dành trọn cả cuộc đời mình để nghiên cứu sưu tầm và viết về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ông đã viết nên những tác phẩm, trang văn giàu xúc cảm, lay động nhất về Bác Hồ.
Tháng 5 lại đến, khi nắng bắt đầu vàng hơn, bầu trời cao và trong xanh hơn thì mỗi người con đất Việt trong lòng ai cũng vô cùng bồi hồi và xao xuyến nhớ đến ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Hòa trong không khí đó, Thư viện Lâm Đồng xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, đã tái hiện trọn vẹn thời niên thiếu và quá trình hình thành nhân cách cao đẹp của Bác. Cuốn sách “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2003 với số lượng 2000 bản. Sách dày 363 trang, khổ 13 x 19 cm. Cầm cuốn sách trên tay bạn đọc sẽ ấn tượng với trang bìa sách được tô điểm với gam màu xanh đậm nổi bật với biểu tượng bông sen cách điệu tượng trưng cho sự gần gũi, tinh túy thanh cao gầm bùn mà chẳng hôi tay mùi bùn. “Búp sen xanh” là sự kết tinh lòng yêu kính vô bờ với vị lãnh tụ của dân tộc, tác giả đã miệt mài trong suốt 30 năm để nghiên cứu tìm tòi tư liệu không mệt mỏi từ năm 1948 - 1980 và xuất bản lần đầu năm 1981.
Nội dung tác phẩm được chia làm ba chương:
Chương I: Thời thơ ấu;
Chương II: Thời niên thiếu;
Chương III: Tuổi hai mươi.
Đọc những trang đầu tác giả đã đưa chúng ta về với làng quê Xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ XX, nơi ấy là làng Sen quê cha, làng chùa quê mẹ cùng với những câu dân ca, bài vè, điệu hò ví dặm, với tên suối, tên sông đậm chất Nghệ nghĩa tình. Vào ngày 19/5/1890 tại Làng Chùa nhòe khói sương lam, cậu bé Nguyễn Sinh Côn đã cất tiếng khóc chào đời. Khi ấy chưa ai biết rằng thời khắc đáng nhớ đó đã trở thành một mốc son lịch sử không chỉ trong gia đình thầy Nguyễn Sinh Sắc mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Đó chính là ngày sinh của vị lãnh tụ kính yêu mà chúng ta vẫn gọi thân thương với hai tiếng Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Sinh Côn) lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng dành độc lập tự do cho dân, cho nước.
Sách đang trưng bày tại sảnh Thư viện
Càng đọc và nghiền ngẫm, đắm chìm vào những trang sách người đọc sẽ không cầm nổi nước mắt trước cuộc đời éo le của bà Hà Thị Hy - Bà nội của Bác Hồ, hay những bất hạnh từ sự đói nghèo, cũng như nghị lực vượt lên số phận bằng con đường học hành của thân phụ Bác Hồ là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nhưng xúc động nhất là hình ảnh cậu bé Côn mới 11 tuổi đã phải chứng kiến cảnh mẹ là bà Hoàng Thị Loan mất ở kinh thành Huế trong những ngày giáp Tết.
“Côn mím chặt môi, không cho bật ra tiếng khóc, càng chạy nhanh càng dồn nén nỗi đau tắc nghẹn, nước mắt trào giàn giụa, Côn lại òa lên khóc khi thấy mẹ đã thòng một cánh tay xuống bên thành giường, một tay vẫn ôm qua cổ bé Xin… Côn phủ phục xuống bên mẹ gọi mẹ … mẹ ơi … Mẹ bỏ chúng con sao mẹ ơi … cha chưa kịp về mẹ ơi!"
Thế là cậu bé Côn phải một mình bế đứa em nhỏ côi cút, bệnh tật, yếu ớt mới được vài tháng tuổi đi xin từng giọt sữa để duy trì sự sống cho em, nhưng rồi chỉ một vài ngày sau đó đứa em bé nhỏ kia cũng rời bỏ Côn mà đi. Đôi mắt thơ ngây của đứa em nhỏ như hai chấm đen ánh lên lần cuối cùng rồi chìm vào vĩnh viễn.
Với lời văn giản dị, ngôn từ đặc sắc nhằm khắc họa rõ nét hình ảnh và tính cách cậu bé Côn. Côn là một cậu bé thông minh và hiếu học nhưng vẫn có một số nét tinh nghịch và cá tính như bao đứa trẻ khác. Chuyện cậu bé Côn thường rủ bạn đi trêu chó làm chúng sủa om sòm đến tai quan phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thế là cậu đã bị phạt "Từ ngày mai mỗi bữa con chỉ được ăn một bát cơm, quẩy sọt đi nhặt phân bò, chiều về phải viết hai chữ Nhân Nghĩa lên 50 trang giấy khổ rộng”. Chính vì thế chúng ta có thể thấy được tính cách cao đẹp bậc vĩ nhân chính là được vun vén bằng sự nghiêm khắc và kỹ lưỡng của gia đình. Cha đặt niềm tin vào Côn rất lớn ông mong Côn sẽ thực hiện thay ông điều mà ông và lớp người như ông chưa thực hiện được.
Khắc họa chân dung của Bác qua nhận thức sâu sắc ngay từ nhỏ về hai chữ “Độc lập - Tự do” đó là những năm tháng theo cha vào kinh đô Huế, là cậu học trò thông minh, hiếu học, sáng dạ nơi mái trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, trường Quốc Học, trên bước đường hành phương Nam, là người thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh - Phan Thiết, trên cuộc hành trình đó người thanh niên Nguyễn Tất Thành chứng kiến bao cảnh cơ hàn của người dân vô tội trong hoàn cảnh đất nước lầm than, từ đó nuôi ý chí ra đi tìm đường cứu nước.
Và hình ảnh đặc biệt để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc là cuộc chia tay trên Bến Nhà Rồng vào ngày 5/6/1911 lịch sử giữa cô Út Huệ và anh Ba. Cả hai đã kịp nén những tâm sự sâu xa thầm kín, một người gửi tâm sự vào những dòng nước mắt, còn anh Ba nhìn thấy gương mặt người con gái Sài Gòn trước mắt như một búp sen chứa đựng hình bóng quê hương và cả khuôn mặt Việt Nam choàng lấy trái tim anh - Một trái tim chân thật, trách nhiệm, cảm động đầy tình người nhưng cao hơn hết vẫn là tình yêu quê hương đất nước quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân bằng hai bàn tay trắng, trí tuệ và nghị lực phi thường của bản thân.
Bằng vốn tư liệu phong phú và chân thật cuốn tiểu thuyết như thước phim ghi lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là tình nghĩa thầy trò, tình bạn bè, tình làng nghĩa xóm, hay những nét văn hóa như hát dân ca, phường vải. Không những thế tác phẩm còn đề cập đến một số vị anh hùng như Phan Bội Châu,Vương Thúc Quý tạo nên một bức tranh lớp người yêu nước cuối thế kỷ XIX.
Với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, tác giả đã dựng lại quãng đời niên thiếu của Bác từ khi cất tiếng khóc chào đời tại làng Chùa quê ngoại cho đến khi rời Bến Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi hai mươi đầy khát vọng. Trải qua bao năm tháng “Búp sen xanh" vẫn được xem là một tác phẩm hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cho thiếu nhi mà còn được cả người lớn đón nhận như một món quà thiêng liêng.“Búp sen xanh” là một tiểu thuyết lịch sử trong tủ sách văn học Việt Nam. Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã được nhiều thế hệ học sinh và cả người lớn tìm đọc và mến mộ bởi tác phẩm quá thành công về nội dung và giá trị nghệ thuật. Cuốn sách còn được xuất bản nhiều lần, dịch song ngữ bằng tiếng Anh. Búp sen xanh đã đánh thức nếp sống của con người, đó là ý thức, trách nhiệm cổ động con người phát huy truyền thống hiếu học và lòng trung thành yêu nước.
Thông điệp của cuốn sách chính là lời nhắn nhủ đầy yêu thương đến mỗi chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Cuốn sách là tài liệu quý, giúp bạn đọc có thêm những hiểu biết về Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và hành trình tìm đường cứu nước, dành lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".
Cả cuộc đời 79 mùa Xuân, cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại.
Gấp lại trang cuối cuốn sách, chúng ta tưởng như hiện lên trước mắt hình tượng Hồ Chí Minh, một cây non bắt rễ sâu vào lòng đất giàu truyền thống đấu tranh của dân tộc, trải qua gió táp mưa sa vẫn nhanh chóng đâm chồi nảy lộc, tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới, phát triển cành lá sum suê trở thành đại thụ, cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho dân tộc và nhân loại.
Ngày sinh nhật Bác Hồ năm nay sẽ là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ - Vị cha già kính yêu của dân tộc. Hãy cùng cố gắng tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn.
Bạn đọc là thế hệ trẻ khi đến với cuốn sách “Búp sen xanh” sẽ hiểu và biết hơn về lịch sử cuộc đời, nhân cách của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, từ đó ra sức học tập noi theo tấm gương đạo đức phong cách của Người với mong muốn phát huy sức trẻ đưa dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển trong xu thế hội nhập hiện nay. Với những ý nghĩa sâu sắc đó, Thư viện Lâm Đồng kính mời quý độc giả tìm đọc tác phẩm “Búp sen xanh” để hiểu thêm về cuộc đời của vị cha già vĩ đại và thêm kính yêu, biết ơn Người. Sách hiện đang được trưng bày và phục vụ tại Thư viện Lâm Đồng.
Xin trân trọng kính mời độc giả cùng mượn và đón đọc!
Nguyễn Thị Hoa
Tin khác
|
|