›› SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Thứ năm, ngày 27/08/2020 03:22:20 GMT+7 | lượt xem: 252

Sự ra đời của bản tuyên ngôn độc lập

Tác giả: S.t., b.s.: Nguyễn Văn Dương, Vũ Thị Kim Yến

Nhà xuất bản: Văn hóa Thông tin, 2015

Số trang: 196tr.

Nội dung:

Hẳn trong mỗi chúng ta, những người con đất Việt không ai là không thuộc lòng những câu thơ trong bài thơ  “Mồng 2 tháng 9” của nhà thơ Tố Hữu, một bài thơ tràn đầy cảm xúc tự hào về một trong những ngày tháng lịch sử của dân tộc, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần hòa bình và quyết tâm độc lập của nhân dân ta. Nó chứa đựng những lý luận chặt chẽ nhưng gần gũi, sắc bén nhưng vô cùng dễ hiểu và có sức thuyết phục cao. Nhưng, có ai biết được để có được một bài diễn văn hay và ý nghĩa như thế, Bác đã phải trăn trở như thế nào? mất bao lâu thời gian? viết trong hoàn cảnh như thế nào? Để hiểu rõ hơn xin mời quý độc giả hãy đến với quyển sách: Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập của tác giả Vũ Kim Yến sưu tầm và biên soạn. Cuốn sách gồm 196 trang, khổ 13 x 20.5cm do Nhà xuất bản Văn hóa, Thông tin phát hành năm 2015.

Đọc quyển sách: Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên và khâm phục khi biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản thảo Tuyên ngôn độc lập “trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thâm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy” như lời Bác nói sau này thì đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người. Để có được một ngày 2/9 không thể nào quên đó là cả một quá trình dài chuẩn bị với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn và cả những nguy hiểm luôn rình rập. Nhưng vượt qua tất cả, bằng ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn, Bác Hồ của chúng ta đã dẫn dắt toàn dân từng bước tới thắng lợi. Vinh quang thay và tự hào thay người Cha già vĩ đại của dân tộc.

Cuốn sách Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập còn cung cấp những bài viết, bài nghiên cứu có giá trị về ý nghĩa và sức sống trường tồn của bản Tuyên ngôn độc lập.  Nó là sự kết tinh giá trị văn hóa và khát vọng giải phóng con người, thể hiện ý thức dân tộc và tầm nhìn bao quát thời đại. Tuyên ngôn độc lập 1945 mang những giá trị truyền thống và đương đại, không chỉ đặt nền tảng pháp lý và chính trị của nước Việt Nam mới mà còn có những đóng góp cho công pháp quốc tế hiện tại. Bản tuyên ngôn đó không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc nhỏ yếu. Nó vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế, vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa thời đại. Tính thời đại thể hiện rất rõ ở chỗ “không có gì quý hơn độc lập tự do”, còn ý nghĩa lịch sử thể hiện ở chỗ “chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, mở ra chế độ cộng hoà”.

Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp để mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ đến thời khắc thiêng liêng của dân tộc, thời khắc mà không khí đất trời và lòng người như hòa quyện vào nhau để hướng về một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập công bố toàn thế giới biết về một đất nước nhỏ bé đã đánh thắng đế quốc thực dân để giành độc lập cho dân tộc. Từ đó, chúng ta – mỗi người dân Việt Nam càng thêm yêu quê hương đất nước và ý thức trách nhiệm của mình trước hòa bình Tổ quốc.

Chỉ số phân loại: 959.704\ S550R

Số ĐKCB Kho Đọc: VN.033572

Số ĐKCB Kho Mượn: MV.042804

Sách hiện đang được phục vụ tại Thư Viện Lâm Đồng, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 7394393 - Online: 265