›› SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Thứ sáu, ngày 16/08/2024 02:47:36 GMT+7 | lượt xem: 381

Ngược dòng thời gian trở về cùng tác phẩm “2/9/1945 Qua những trang hồi ức”

Bảy mươi chín năm đã qua, nhưng cứ mỗi lần mùa thu về, trong ta lại ngập tràn nhiều cảm xúc. Ta sống lại những ngày mùa thu lịch sử năm xưa, nhớ lại cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhớ về công ơn của Đảng và của Bác Hồ kính yêu, về sự hy sinh của những anh hùng liệt sỹ cho Việt Nam được tự do độc lập, cho cuộc sống thanh bình như hôm nay và ta càng thêm tự hào về lịch sử dân tộc, về ngày tết Độc lập thiêng liêng của dân tộc ta. Nhớ về ngày Quốc khánh đầu tiên, ta lại nhớ về Bác Hồ, nhớ đến công ơn trời bể của Người đối với dân tộc Việt Nam.

     Trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, bao giọt mồ hôi lẫn nước mắt, bao mất mát, hy sinh Nhân dân ta mới giành được độc lập, tự do. Để khẳng định quyền độc lập, tự do ấy ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đây chấm dứt vĩnh viễn ách đô hộ, gần một thế kỷ của chế độ thực dân Pháp, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bảy mươi chín năm qua, kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời, đất nước Việt Nam đã có nhiều đổi thay từ chính trị, kinh tế, ngoại giao… nhưng lời thề lịch sử “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi miền Tổ quốc.
     Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9 (2/9/1945-2/9/2024), Thư viện Lâm Đồng xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách  “2/9/1945 qua những trang hồi ức” được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân- tuyển chọn và phát hành năm 2005, với độ dày 294 trang, khổ 13x19cm, với những diễn biến, hoàn cảnh đất nước giai đoạn trước, trong và sau ngày 2/9/1945. Cuốn sách là tập hợp 13 câu chuyện. Đây là công trình nghiên cứu của nhiều tác giả, đặc biệt các tác giả là những cán bộ lão thành cách mạng, trong đó nhiều người đã trực tiếp tham gia tổng khởi nghĩa, nhiều tác giả còn là nhà văn, nhà thơ được chứng kiến hoặc được nghe kể lại về sự kiện trên bằng những trang viết chân thực và sinh động sẽ đưa bạn đọc đến cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, tất cả sẽ vẽ lên bức tranh về sự kiện lịch sử Việt Nam thời bấy giờ. Cuốn sách là những trang hồi ức, tưởng nhớ lại những ngày đầu tháng tám đến cuộc tổng khởi nghĩa, và cuối cùng là ở tại quảng trường Ba Đình lịch sử, khi Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
     Đọc tác phẩm “2/9/1945 qua những trang hồi ức” bạn đọc sẽ cảm nhận được tình cảm của Bác đối với Nhân dân cũng như lòng kính yêu của Nhân dân đối với Bác qua bài viết “Bác về Phú Gia” của tác giả Ngọc Châu. Ngoài ra, nội dung cuốn sách còn nêu bật hình ảnh rất giản dị, rất đời thường, một thái độ làm việc hết sức nghiêm túc và đầy chuẩn mực mà muôn đời sau con cháu phải học tập noi theo được thể hiện qua bài viết “Bác về” của nhà văn Sơn Tùng; Và còn rất nhiều bài viết miêu tả không khí náo nức của những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như “Hà Nội trong rạng đông kỷ nguyên Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Quang Huy, “Cách mạng Tháng Tám đến với tuổi thơ tôi” của tác giả Ngô Văn Phú, bài viết của tác giả Đặng Văn Việt “Tiến lên kỳ đài, hạ cờ vàng quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng” và hàng loạt những chi tiết hết sức cảm động được kể lại trong bài viết “Quê tôi buổi ban đầu lập nước” của tác giả Nguyễn Đức Dong….


Sách đang trưng bày tại sảnh Thư việnTác phẩm

     “2/9/1945 qua những trang hồi ức” ra đời, một lần nữa khẳng định tinh thần và ý chí của Nhân dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hôm nay những người tham gia tổng khởi nghĩa tháng 8 và chứng kiến giây phút liêng liêng được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập cũng có kẻ còn, người mất, nhưng dư âm về những ngày tháng Tám lịch sử và giờ phút long trọng của đất nước như vẫn còn vang mãi trong tâm trí của người Việt Nam.
     Bảy mươi chín năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần đọc lại, chúng ta vẫn thấy rõ sức sống và vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?”, dù không nằm trong nội dung bản Tuyên ngôn, nhưng câu hỏi rất đỗi mộc mạc, giản dị ấy vừa thể hiện sự gần gũi của vị Chủ tịch Nước đối với Nhân dân, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả của một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhân cách lớn của lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân. Và cho mãi hôm nay, giọng nói ấm áp của Bác Hồ vẫn vang vọng đâu đây “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
     Với những trang viết chân thực, sinh động, cuốn sách sẽ cho ta có được cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử này. Chúng ta hãy đọc tác phẩm “2/9/1945 qua những trang hồi ức” để cùng ôn lại thời khắc thiêng liêng của dân tộc, để tự hào về quá khứ hào hùng, để sống và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
     Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện Lâm Đồng. Để biết thêm chi tiết xin mời các bạn có thể tra cứu sách qua Mục lục trực tuyến (OPAC) của Thư viện Lâm Đồng theo đường link: http://www.thuvienlamdong.org.vn:7720/pages/opac/wpid-search-stype-form-quick.html.
     Xin trân trọng kính mời quý độc giả cùng quan tâm đón đọc!

Nguyễn Thị Hoa

 

 

 

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 7633959 - Online: 404