›› SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Thứ năm, ngày 27/08/2020 03:25:17 GMT+7 | lượt xem: 390

Ngôi nhà Bác viết tuyên ngôn độc lập

Tác giả: Tạ Hữu Yên

Nhà xuất bản: Thanh niên, 2010

Số trang: 183tr.

Nội dung:

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945 thực sự là một áng văn bất hủ trong di sản văn hóa và tư tưởng Việt Nam để khẳng định quyền tự chủ của dân tộc.

Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội, lẫn trong phố phường buôn bán thuộc vào loại sầm uất nhất của Hà Nội xưa và nay, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1945 nơi đây là cửa hàng Phúc Lợi, chuyên bán vải vóc tơ lụa, đồng thời là một cơ sở cách mạng đáng tin cậy. Đây chính là chứng tích lịch sử, liên quan đến việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào, tại Quảng trường Ba Đình sáng ngày 2.9.1945…

Nhân kỷ niệm lễ Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9 . Thư viện xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tập sách " Ngôi nhà Bác viết Tuyên ngôn độc lập" Tác giả Tạ Hữu Yên, nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Nội dung sách gồm những mẫu chuyện về Bác khi Bác đến Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang viết bản Tuyên tuyên ngôn độc lập.

Ngày 19.8.1945, tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Hà Nội. Chiều tối 26.8.1945, đồng chí Trường Chinh đón Bác Hồ về ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang. Trong bối cảnh cách mạng vừa mới thành công, tình hình an ninh chưa ổn định thì việc bố trí nơi ở và làm việc cho Bác Hồ, cho các đồng chí Thường vụ Trung ương là rất quan trọng. Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Phòng lớn tầng 2 phía đường Hàng Cân là nơi ở làm việc và họp bàn của các đồng chí Thường vụ. Phía trong phòng đặt máy chữ do Bác Hồ đưa từ chiến khu về. Phòng lớn tầng 2 phía đường Hàng Ngang có 2 phòng. Phòng ngoài là nơi ở và làm việc của đội bảo vệ. Phòng trong rộng chừng 20m2, là nơi ở và làm việc của Bác Hồ. 

Gia chủ của ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội cũng không ngờ ngôi nhà của mình sau này lại trở thành một di tích lịch sử, nơi ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Chủ cửa hàng tơ lụa Phúc Lợi giàu có nổi tiếng Hà Nội bấy giờ chính là ông Trịnh Văn Bô- một nhà tư sản yêu nước. Bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông) là người trực tiếp chăm sóc Bác những ngày đầu Bác về Hà Nội .

Tại chiếc bàn nhỏ, xinh xắn nơi góc phòng tầng 2 (ảnh) của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, từ ngày 28-31.8.1945, Bác Hồ đã hoàn thành bản Tuyên ngôn Độc lập, với tất cả trí tuệ và tâm huyết  của người  lãnh tụ hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước,  tạo nên tuyệt tác có giá trị lịch sử, văn học muôn đời. Sau khi thông qua Thường vụ Trung ương, bản Tuyên ngôn được đánh máy ở đầu phòng họp Thường vụ Trung ương và được chuyển đến cơ sở bí mật trong nội thành Hà Nội. Sau này, hồi tưởng về những ngày viết Tuyên ngôn Độc lập, Bác nói: "Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình". Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, cụ Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập trong vài ba ngày nhưng đã chuẩn bị từ 20 năm trước. Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc đã dịch và cho đăng Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ trên Báo Thanh Niên!

Cũng tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Bác Hồ đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với các tổ chức quốc tế. Thiếu tá Archimedes L.A Patti- chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội khi Cách mạng Tháng Tám thành công là một trong những phái bộ đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại 48 Hàng Ngang. Ông cũng chính là người nước ngoài đầu tiên được đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khi chưa được công bố. Trong thiên hồi ký Why Việt Nam? (Tại sao Việt Nam?) xuất bản 35 năm sau, Patti kể lại: Trước ngày Lễ Độc lập, Patti được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xem và trao đổi ý kiến về nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo. Ngày 2.9.1945, cùng với nhóm công tác của mình, Patti đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình và đã miêu tả một cách chi tiết, sinh động và hấp dẫn sự kiện lịch sử này.

Chỉ số phân loại: 959.704092\ NG452N

Số ĐKCB Kho Đọc: VN.024955

Số ĐKCB Kho Mượn: MV.040880

Sách hiện đang được phục vụ tại Thư Viện Lâm Đồng, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5690460 - Online: 45