Thứ hai, ngày 09/12/2024 01:46:39 GMT+7 | lượt xem: 462 Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay là một trong những nhiệm vụ cấp thiết và mang tính chiến lược đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong thời đại số hóa và hội nhập, các giá trị truyền thống, ý thức hệ và đạo đức đang đứng trước thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới trong cách thức và nội dung giáo dục.
Với bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ hiện nay đặt ra những yêu cầu mới về cả lý luận và thực tiễn.
Trước hết, lý tưởng cách mạng, vốn là ngọn cờ dẫn đường cho các thế hệ đi trước, cần được làm mới để phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Thế hệ trẻ ngày nay lớn lên trong một môi trường xã hội đa dạng, với sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa. Vì vậy, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cần gắn liền với những giá trị cốt lõi của dân tộc, nhưng đồng thời phải có sự cập nhật, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Thứ hai, đạo đức truyền thống luôn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, trong thời đại số, với sự bùng nổ của thông tin và mạng xã hội, đạo đức của giới trẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các giá trị đạo đức truyền thống dễ bị pha loãng, thậm chí bị thay thế bởi những chuẩn mực sống ảo, phù phiếm. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ cần được chú trọng hơn nữa, nhằm giúp họ hình thành những chuẩn mực đạo đức vững vàng, có khả năng tự điều chỉnh hành vi trong môi trường xã hội phức tạp.
Cuối cùng, lối sống của thế hệ trẻ cũng đang có những biến đổi sâu sắc dưới tác động của công nghệ. Việc sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử, mạng xã hội có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực như giảm khả năng giao tiếp trực tiếp, thụ động trong tư duy, thậm chí gây nghiện. Để hình thành một lối sống lành mạnh, tích cực, thế hệ trẻ cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, đồng thời cân bằng giữa cuộc sống trực tuyến và đời sống thực tế.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, thế hệ trẻ hiện nay đang đối mặt với những thách thức chưa từng có đối với việc hình thành và phát triển lý tưởng sống. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã tạo ra một môi trường sống ảo đầy hấp dẫn, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thứ nhất, sự tràn lan của thông tin trên mạng xã hội đã làm giảm khả năng tiếp cận với những nguồn thông tin chính thống, dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin và khó khăn trong việc phân biệt đúng sai. Nhiều bạn trẻ dễ bị cuốn vào những luồng thông tin tiêu cực, sai lệch, ảnh hưởng đến nhận thức và tư duy. Thứ hai, sự cá nhân hóa và hưởng thụ cá nhân ngày càng tăng cao đã làm giảm đi ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm xã hội ở một bộ phận thanh niên. Việc quá chú trọng vào việc theo đuổi những thú vui cá nhân, những mục tiêu vật chất ngắn hạn đã khiến nhiều bạn trẻ đánh mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp. Thứ ba, áp lực học tập, công việc ngày càng lớn cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trong xã hội đã khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn làm giảm đi khả năng tiếp thu kiến thức và phát triển toàn diện. Thứ tư, sự tác động của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là văn hóa đại chúng phương Tây, đã làm thay đổi đáng kể lối sống và quan niệm của giới trẻ. Một số bạn trẻ bị cuốn theo những trào lưu, phong cách sống không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, dẫn đến những hành vi lệch lạc. Cuối cùng, công tác giáo dục lý tưởng ở một số tổ chức đôi lúc đôi nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự đi vào lòng người. Các chương trình giáo dục lý tưởng chưa được đổi mới, chưa đáp ứng được nhu cầu và tâm lý của thế hệ trẻ.
Với những thách thức trên, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện, như tạo lập các kênh truyền thông chuyên biệt - xây dựng các fanpage, group trên các nền tảng như: Facebook, Instagram, TikTok để chia sẻ thông tin, bài viết, video về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; sử dụng các hình thức truyền thông đa dạng - kết hợp hình ảnh, video, infographic, bài viết ngắn gọn, súc tích để thu hút sự chú ý của giới trẻ; tiếp tục tổ chức các cuộc thi, sự kiện trực tuyến tạo ra sự tương tác, khuyến khích giới trẻ tham gia; hợp tác với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) để truyền tải thông điệp một cách hiệu quả hơn đồng thời các sở ban ngành, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các tổ chức và nền tảng truyền thông để tạo ra một môi trường mạng lành mạnh, kiểm duyệt thông tin xấu, độc nhằm bảo vệ thanh niên khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
Tóm lại, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ trong thời đại số là một nhiệm vụ đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội lớn. Chuyển đổi số đem đến phương thức giáo dục linh hoạt, đa dạng, nhưng cũng đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành để tạo nên một thế hệ trẻ có lý tưởng, đạo đức và lối sống lành mạnh.
Thế hệ trẻ thư viện nói riêng và thế hệ trẻ ngành văn hóa nói chung đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng, biến đổi thư viện từ không gian truyền thống thành trung tâm thông tin tri thức. Với kiến thức chuyên môn và sự sáng tạo, các bạn trẻ có thể đưa ra những ý tưởng mới mẻ cùng với số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các dịch vụ trực tuyến và tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc, bằng cách tận dụng công nghệ thông tin và kết nối với cộng đồng, thế hệ trẻ chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những không gian thư viện thân thiện, nơi mọi người có thể tìm kiếm thông tin tri thức, học tập và thư giãn. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức và kỹ năng, nâng cao tinh thần phục vụ cộng đồng, góp sức thúc đẩy văn hóa đọc để biến văn hóa đọc thành sức mạnh nội sinh, góp phần chấn hưng văn hóa.
Nguyễn Thị Huỳnh Duyên
Tin khác
|
|