Thứ ba, ngày 17/11/2020 02:28:12 GMT+7 | lượt xem: 381 Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia, 2005
Số trang: 775tr.
Nội dung:
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ do Xứ ủy phát động và lãnh đạo là sự kiện chói lọi bùng lên ngay khi phong trào cách mạng của nước ta bước vào thời kỳ mới: thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai đã bùng nổ do bọn đế quốc gây ra và thời kỳ Đảng ta có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, do Hội nghị Trung ương tháng 11 năm 1939 ở Bà Điểm (Gia Định) đề ra và được các Hội nghị Trung ương tiếp theo (tháng 11/1940 và tháng 5/1941) bổ sung, nâng cao và hoàn chỉnh.
Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng đã có 3 cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra: Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940); Khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940); Khởi nghĩa Đô Lương (13/1/1941). Những cuộc khởi nghĩa này đã bóc trần mâu thuẫn vô cùng sâu sắc giữa toàn dân tộc ta với bọn đế quốc cướp nước, đã vạch rõ bộ mặt tàn ác của bọn đế quốc cầm quyền và lũ tay sai phản động.
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ (kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23/11 đến ngày 31/12/1940), mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Nhân dân Nam kỳ đã nhất tề nổi dậy đánh vào hệ thống cai trị của đế quốc Pháp và bọn tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của địch và nắm chính quyền ở một số vùng nông thôn Nam kỳ. Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ là cuộc nổi dậy kế tục và phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của Tổ tiên ta, chiến dấu dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chính trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới tung bay, biểu tượng của tinh thần yêu nước, tinh thần yêu quý độc lập tự do. Và ngọn cờ đỏ sao vàng đó, chính là lá quốc kỳ của nước Việt Nam ngày nay.
Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa. Rất nhiều đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo với bao tổn thất. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của của dân tộc, của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu... đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù. Mặc dù, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra trong tình thế cách mạng đã xuất hiện, nhưng chưa đủ điều kiện chín muồi nên đã thất bại. Cuộc Khởi nghĩa đó đã để lại nhiều bài học vô cùng quý giá, tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và của nhân dân ta. Biểu dương ý chí quật cường của dân tộc, tinh thần chiến đấu anh dũng của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ mãi mãi sống trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta.
Nối tiếp truyền thống Khởi nghĩa Nam kỳ, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám năm 1945 thành công; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước, giành độc lập, tự do cho tổ quốc. Ngày nay trong công cuộc đổi mới xây dựng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục phấn đấu để xây dựng và giữ gìn một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện những lý tưởng và hoài bão của đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội.
Nhân kỷ niệm 80 năm cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940 – 23/11/2020), Thư viện Lâm Đồng trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Khởi nghĩa Nam kỳ”, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản. Đây là công trình khoa học lịch sử cấp nhà nước được biên soạn công phu, tổng hợp được nhiều tư liệu quý, nhiều nhận định và kết luận có giá trị đóng góp quan trọng vào việc tổng kết kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta.
Với tổng cộng 775 trang sách, nội dung tác phẩm “Lịch sử Khởi nghĩa Nam kỳ” bao gồm 7 phần chính:
Phần thứ nhất, giới thiệu hoàn cảnh lịch sử và điều kiện của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ; Phần thứ hai, giới thiệu Chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ và công cuộc chuẩn bị; Phần thứ ba, có nội dung “Toàn Nam kỳ nổi dậy”. Trong phần này, Hội đồng tác giả đã dành riêng 320 trang cho việc mô tả quá trình diễn ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ: Từ lúc Xứ ủy hạ lệnh khởi nghĩa, các công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, 17 cuộc khởi nghĩa diễn ra liên tiếp ở các thành phố lớn và các tỉnh như: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Cần Thơ… đến cuộc khởi nghĩa cuối cùng ở Bà Rịa Vũng Tàu. Cuối cùng là tổng kết sự thiệt hại, tổn thất của địch trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ; Phần thứ tư: Xứ ủy chủ trương tiếp tục chuẩn bị khởi nghĩa – khởi nghĩa lần hai; Phần thứ năm: Trung ương Đảng và các Đảng bộ địa phương cả nước đối với cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ; Phần thứ sáu: Sự tàn bạo của Đế quốc Pháp đối với cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ; Phần thứ bảy: Tính chất, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Khởi nghĩa Nam kỳ. Tác phẩm chưa dừng lại ở đó, cuối phần bảy là 206 trang với 24 phụ lục với những nội dung về Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương, Tài liệu của địch, Truyền đơn, Thông báo… về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. 20 trang Thư mục giới thiệu những Văn kiện, những tài liệu của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Nam kỳ về chủ trương, kế hoạch chuẩn bị cũng như khởi nghĩa trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ hiện đang lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Viện lịch sử Đảng, Cục hồ sơ an ninh…và một số sách trong nước và ngoài nước.
Nhằm góp phần tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo tầng lớp nhân dân về lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc qua cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940), để khơi gợi lòng tự hào, tự tôn dân tộc với truyền thống anh hùng, bất khuất, ý chí quật cường của cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, hun đúc lý tưởng cách mạng cao đẹp trong mỗi con người, thêm yêu hơn, quê hương đất nước, ra sức học tập rèn luyện bản thân, phấn đấu xây dựng quê hương ngày một đẹp hơn đáp ứng lòng mong mỏi của những người đã hy sinh giành lại nền độc lập cho dân tộc. Hy vọng bạn đọc sẽ có nhận định chính xác hơn về lịch sử cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ qua tác phẩm này.
Chỉ số phân loại: 959.7032\ L302S
Số ĐKCB Kho Đọc: VV.002778
Số ĐKCB Kho Mượn: MV.040870
Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện Lâm Đồng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tin khác
|
|