›› SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Thứ sáu, ngày 17/05/2024 03:02:44 GMT+7 | lượt xem: 197

Giới thiệu tác phẩm Chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi "Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên, nhi đồng"

Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại được cả nhân dân Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ và tôn sùng. Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, về tinh thần đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không chỉ thế, từ những ngày còn hoạt động gian khổ, cho đến khi trở thành Chủ tịch nước, Người luôn quan tâm, chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, từ các cụ già, phụ nữ, em nhỏ, đến các chiến sĩ ngoài biên cương, hải đảo…

     “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam… Hồ Chí Minh kính yêu chúng em kính yêu Bác Hồ Chí Minh trọn một đời”, đó là những ca từ gần gũi, thân thương trong bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã đã ăn sâu vào tiềm thức của trẻ em Việt Nam khi nhớ về Bác.
     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm trân quý cho tất cả mọi tầng lớp, giai cấp nhân dân Việt Nam, nhưng hơn hết, Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ, trẻ em bởi theo Người đó là lớp người khổ nhất trong những người khổ cực. Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, tuy rằng Bác đã đi xa nhưng hình ảnh về Người mãi in đậm trong lòng tâm trí trẻ em Việt Nam. Dù bận bịu việc nước nhưng lòng yêu thương sâu sắc, bao la của Người đối với thiếu nhi không gì có thể so sánh nổi. Đó vừa là tình cảm của một vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất vừa là của người Bác kính yêu vô cùng gần gũi, luôn luôn đồng cảm và chan hoà với các cháu.
     Hòa trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Quốc tế thiếu nhi -  Ngày Tết thiếu nhi, ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của đất nước, Thư viện Lâm Đồng xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc tác phẩm có tựa đề  “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên, nhi đồnglà một trong những cuốn sách nằm trong Tủ sách Rèn luyện nhân cách sống, do tác giả Khánh Linh tuyển chọn, với độ dày 254 trang in trên khổ giấy 13 x 20 cm, được Nhà sách Tân Việt phối hợp cùng Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 2017 tại Hà Nội. Cuốn sách là món quà mang nhiều ý nghĩa và cũng là cửa sổ mở ra những chân trời tri thức mới, những bài học giáo dục quý giá cho chúng ta, đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả, ở mọi lứa tuổi. Những tình cảm gần gũi thân thương, nồng ấm và những lời dạy sâu sắc của Bác Hồ dành cho phụ nữ và trẻ em đã được kết tinh trong cuốn sách.
     Nội dung tác phẩm được chia thành 2 phần:
     Phần I: Bác Hồ với Phụ nữ;
     Phần II: Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng.


Sách đang trưng bày tại sảnh Thư viện

     Với lời văn giản dị, ngôn từ đặc sắc được thể hiện rất rõ nét qua 63 câu chuyện kể về tình yêu thương của Bác Hồ dành cho phụ nữ và các em thiếu niên, nhi đồng. Qua đó càng khẳng định tình cảm sắc son của biết bao thế hệ người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Dù Bác đã đi xa, nhưng mãi còn đây hình ảnh một con người vĩ đại mà muôn nhịp đập của trái tim đều dành trọn cho dân, cho nước...
     Ở phần 1 “Bác Hồ với Phụ nữ”, tác giả đã đưa người đọc đắm chìm vào những trang sách với những bài viết, bài nói, thư, điện và những câu chuyện cảm động thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ với phụ nữ như: Bác Hồ đến dự đại hội phụ nữ; Bác dạy:“Phải chăm chỉ học tập”;“Các cô ăn như thế có no không?; Nhớ Bác; Niềm vinh dự lớn; Sống trong muôn vàn tình thương của Bác; Bác dạy:Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật”, Những giờ phút không bao giờ quên; Bác sửa cách nói cho chính xác; Muốn công tác tốt phải học thật tốt; Bác làm văn nghệ và còn một số câu chuyện cũng kể về tình cảm, sự chăm lo của Bác Hồ đối với sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, cũng như tấm lòng biết ơn vô hạn của phụ nữ Việt Nam với vị lãnh tụ kính yêu.
     Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn dành cho chị em phụ nữ những tình cảm thương yêu, quý mến và thân tình nhất như một người cha, người chú, người anh. Người luôn khuyên nhủ chị em phụ nữ cố gắng rèn luyện phẩm chất đạo đức để phát huy hết nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Câu chuyện chỉ đơn giản và ngắn gọn, nhưng in đậm trong trái tim người đọc là hình ảnh một người cha già vĩ đại có phong cách giản dị và những lời căn dặn của Bác thật ấm áp và gần gũi biết bao. Các bạn sẽ còn xúc động hơn nữa với hình ảnh Bác Hồ tự tay mở cặp lồng cơm của người công nhân già Đặng Thị Tý ra xem rồi ân cần hỏi thăm, trong câu chuyện “ Các cô ăn như thế có no không ?” và còn nhiều câu chuyện khác nữa như: câu chuyện “Quê hương năm tấn đón Bác”, “Niềm vinh dự lớn”, “Muốn công tác tốt phải học thật tốt”,....
     Tất cả những câu chuyện trên đều thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tình yêu thương của Bác dành cho chị em phụ nữ. Đáp lại sự tin tưởng và tình cảm trân quý của Người, phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn vất vả, luôn can trường chiến đấu kề vai sát cánh cùng với nam giới trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để đấu tranh dành độc lập, thống nhất đất nước. Không chỉ trên tiền tuyến mà ở cả hậu phương, chị em phụ nữ cũng luôn phấn đấu thi đua tăng gia sản xuất, xứng đáng với  8 chữ vàng mà Bác Hồ khen tặng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
     Phần 2 “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng” là những câu chuyện kể đầy xúc động về sự quan tâm, dạy bảo chu đáo của một vị Chủ tịch nước dành cho thế hệ măng non của nước nhà, cũng như sự ân cần, tấm lòng yêu mến trẻ em của Bác dành cho những thiếu niên nhi đồng quốc tế mà Bác từng gặp. Một số câu chuyện tiêu biểu như: Những vị khách tí hon; Phần kẹo Bác cho; Bác tặng cháu bé một bông hồng; Xuất xứ của năm điều Bác hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; Bác Hồ đến với trẻ em mồ côi; Bác nhớ các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam; “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc?”; Đừng để các cháu chơi ngoài đường; Nhớ mãi lần gặp Bác Hồ ở Nam Ninh - Trung Quốc; Nhớ mãi lần gặp Bác Hồ ở Nam Ninh - Trung Quốc; Quà của Bác Hồ tặng các cháu; Những khách đặc biệt của Bác Hồ,… Trong đó, câu chuyện “Bác Hồ với trung thu độc lập đầu tiên” kể rằng: Sau tết độc lập đầu tiên (02/9/1945) Bác đã rất vui mừng, phấn khởi tổ chức Tết trung thu cho các cháu. Bác đã nói với các cháu nhi đồng rằng: “Trước khi các cháu đi phá cỗ, ta cùng nhau hô khẩu hiệu: “Trẻ em Việt Nam sung sướng!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Tiếng hô hưởng ứng của các em rền vang cả một vùng trời. Trăng rằm vằng vặc tỏa sáng. Niềm vui tràn ngập cả Hà Nội. Bác Hồ sung sướng đứng nhìn các cháu vui chơi. Ai hiểu hết được niềm vui của Bác Hồ lúc này. Bao nhiêu năm xông pha chiến đấu, phải chăng Bác cũng chỉ mong ước có giây phút sung sướng như đêm nay!”. 

     Với thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm và dành sự ưu ái vô cùng. Bởi sinh ra khi đất nước còn chiến tranh, các em nhỏ đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương. Càng yêu, càng thương, càng thôi thúc Bác thực hiện được ước mong giải phóng dân tộc, giành cho được nền độc lập, tự do cho đất nước. Không chỉ thế, Bác còn rất quan tâm giáo dục các em. Bác nói thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm  rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi. Chính vì vậy, nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn ghi nhớ năm điều Bác Hồ dạy:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

     Vậy năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi có xuất xứ  như thế nào? Mời các bạn hãy tìm đọc câu chuyện “Xuất xứ của năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” từ trang 143 đến trang 146 của cuốn sách.
     Lật mở những trang sách tiếp theo, các bạn sẽ càng cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu thương của Bác Hồ không chỉ dành riêng cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam mà còn dành cho trẻ em ở khắp nơi trên thế giới. Tình cảm thiêng liêng ấy được thể hiện trong các câu chuyện như: “Chú sẽ luôn nhớ đến các cháu”; “ Quả táo của Bác Hồ”; “ Cha nuôi Hồ”; “ Bác Hồ bón kem cho cháu bé Nam Tư”,.....
     Thông qua nhiều câu chuyện, hình ảnh Bác Hồ luôn rất mực giản dị nhưng cao quý vô ngần. Tình cảm của Người được thể hiện qua từng lời nói, từng hành động, từng câu chữ trong các bức thư Người gửi đi. Ở Bác có cả một biển tình yêu bao la không bao giờ vơi cạn, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

....Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình, cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa!....

     Từng câu chuyện kể là ân tình cao đẹp chứa đựng tình thương bao la của Bác Hồ dành cho Tổ quốc, cho Nhân dân, trong đó phụ nữ và trẻ em luôn được Bác trân trọng, yêu thương và có những lời căn dặn ân cần, sâu sắc. Người từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, Người căn dặn phụ nữ: “Phải thắt chặt đoàn kết thi đua tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tích cực tham gia chính quyền, giúp đỡ bộ đội, bảo vệ nhi đồng…”. 
     Ngày nay, khi đất nước thanh bình, khắc ghi lời dạy của Người, phụ nữ Việt Nam là lực lượng đã khẳng định năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm lo nuôi dạy trẻ em,... góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
     Với mong muốn phổ biến rộng rãi đến đông đảo bạn đọc về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về con người Bác, chân dung Bác, tác giả mong muốn, khi đọc cuốn sách này, mỗi người trong chúng ta từ học sinh, sinh viên đến người trưởng thành lại càng khẳng định “Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại” để từ đó, ngày càng hoàn thiện mình hơn, tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ - Vị cha già kính yêu của dân tộc. Hãy cùng cố gắng tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn.
     Tuy Bác Hồ đã đi xa nhưng tư tưởng, tình cảm của Người mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên nhi đồng” như một lời tri ân sâu sắc đến vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Sự quan tâm của Bác dành cho phụ nữ và thiếu niên, nhi đồng là động lực để chúng ta tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
     Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên, nhi đồng”. Sách hiện đang được trưng bày và phục vụ tại Thư viện Lâm Đồng.
     Xin trân trọng kính mời độc giả cùng mượn và đón đọc!

Nguyễn Thị Hoa

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 6091390 - Online: 34