›› SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Thứ hai, ngày 05/08/2024 04:35:15 GMT+7 | lượt xem: 384

Giới thiệu tác phẩm "Nỗi đau da cam". Kỷ niệm 63 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8/1961 – 10/8/2024)

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc chưa từng có trong lịch sử loài người. Thảm họa da cam đã cướp mất sự bình yên của hàng triệu gia đình người Việt. Những gia đình có nhiều người con, cháu đều là nạn nhân lại càng thê thảm...

     Họ không có niềm vui, chẳng còn hy vọng, họ quên cả những nụ cười thường nhật, họ mất cả những háo hức khi cánh én báo mùa xuân về… Nhiều người cha phải dùng xích để xích con, đóng cũi để nhốt con, đau lắm, nhưng không có cách nào! Những người cha, người mẹ ấy đau đáu một niềm lo âu khôn tả, là khi họ khuất núi, về với tổ tiên, những đứa con tật nguyền ở với ai? Sống thế nào? Câu hỏi ấy, trăn trở ấy, dành cho ai? Dành cho xã hội, dành cho chúng ta, những người may mắn hơn!
     Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2024), Thư viện Lâm Đồng xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Nỗi đau da cam” của nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật như là những bằng chứng lịch sử sinh động nhằm tái hiện lại tội ác chiến tranh kinh hoàng mà đế quốc Mỹ đã gây ra cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Qua những bài viết ngắn gọn, súc tích, truyền cảm, sâu lắng đã góp phần chia sẻ, xoa dịu những nỗi đau mà nhiều thế hệ nạn nhân chất độc da cam đã phải gánh chịu, đồng thời tài liệu như là một tiếng nói bênh vực, đấu tranh dành lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Nội dung tài liệu gồm 2 phần, tập hợp các bài viết, bài nghiên cứu chọn lọc của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước về những vấn đề liên quan đến thảm họa da cam mà quân đội Mỹ đã phun rải xuống các chiến trường miền Nam Việt Nam.
     Phần I - Cuộc chiến tranh mang tên Da Cam ở Việt Nam: Tập hợp các bài viết phản ánh về âm mưu của đế quốc Mỹ khi sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam; Phản ánh thực tế Mỹ đã rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam như thế nào; Những chất độc, vũ khí, phương tiện sử dụng chất độc, trang bị của các đơn vị và cơ sở nghiên cứu, sản xuất, tàng trữ chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam; Phân tích những đặc điểm liên quan tới việc sử dụng chất độc hóa học của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam; Việc sử dụng chất độc hóa học của Mỹ và những ảnh hưởng của nó đối với chiến trường Khu V, đối với tỉnh Quảng Ngãi, đối với dân tộc Tây Nguyên,… trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1961 - 1971); Và nhiều bài viết đã chia sẽ những tác hại của chất độc da cam/dioxin - Nỗi đau của nhiều cộng đồng, nhiều gia đình và nhiều thế hệ.
     Phần II - Công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam: Giới thiệu các bài viết về cuộc đấu tranh trên trận địa dư luận quốc tế về việc đế quốc Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược Việt Nam những năm 1961 - 1971; Thái độ của chính quyền Mỹ với nỗi đau chất độc da cam Việt Nam; Nước Mỹ với vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam; Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Và nhiều bài viết kêu gọi đồng bào cả nước cảm thông, chung tay, góp sức giúp đỡ những người bị chất độc da cam sớm hòa nhập cùng cộng đồng.


Sách đang trưng bày tại sảnh Thư viện

     Đã 63 năm, sau khi cuộc chiến đầy tội ác mà Hoa Kỳ gây ra ở Việt Nam kết thúc, song 80 triệu lít các chất độc hóa học, trong đó có 366 kg dioxin do quân đội Mỹ trong 3.735 ngày (từ năm 1961 đến năm 1971), rải xuống gần 26.000 thôn, làng Việt Nam đã làm cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc dioxin và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Cùng với đó, nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục xảy ra cho những thế hệ con cháu của những người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Đó chính là tội ác tày trời mà Mỹ gây ra ở Việt Nam, trở thành nỗi đau không thể xoa dịu.
     Âm mưu của Mỹ khi sử dụng chất độc màu da cam/dioxin là biến nhiều vùng núi rậm rạp ở miền Nam Việt Nam thành đồi núi trọc, biến nhiều vùng rừng ngập mặn thành bãi hoang trống; đánh vào tiềm lực chiến tranh của quân và dân miền Nam bằng cách phá hoại hoa màu, giết chết gia súc, triệt hạ nguồn lương thực, thực phẩm của nhân dân, làm cho nhân dân gặp nhiều khó khăn, phải chạy theo và chịu sự kìm kẹp của chúng trong các trại tập trung, phá hoại những hoạt động quân sự và đè bẹp ý chí đấu tranh của quân và dân ta. Đồng thời, chúng thường xuyên sử dụng chất độc hóa học với quy mô lớn nhằm phát hiện và tiêu diệt các căn cứ địa của mặt trận Dân tộc giải phóng; các trục đường giao thông thủy, bộ quan trọng để ngăn chặn các hoạt động vận chuyển, tiếp tế cho các lực lượng vũ trang miền Nam. Đặc biệt hơn nữa là Mỹ đã sử dụng chất độc, hơi độc trực tiếp chi viện trong quá trình tác chiến kết hợp với các hỏa lực khác làm tiêu hao và gây khó khăn, trở ngại cho các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang miền Nam. Và đế quốc Mỹ muốn biến miền Nam Việt Nam trở thành nơi thí nghiệm sử dụng các chất độc, hơi độc, phương tiện, phương pháp sử dụng các chất độc, hơi độc của Mỹ đã có, để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tương lai và đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở các nước khác trên thế giới.
     Ngay từ năm 1970, Tòa án Bertrand Russel cũng như Hội nghị Pari lần đầu tiên nêu trước dư luận thế giới sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ tại Việt Nam, gọi đó là “Cuộc chiến tranh hủy diệt môi trường, hủy diệt hệ sinh thái và con người”. Chất độc da cam được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là “Loại thuốc độc nhất mà con người tìm ra được cho đến lúc này”.
     Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là chất độc hóa học có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo và vô vọng. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
     Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là tâm nguyện của nhân dân Việt Nam sau cuộc chiến. Tuy nhiên, nỗi đau chất độc da cam của người Việt Nam vẫn còn đó. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã làm hết sức mình để khắc phục hậu quả chiến tranh, xoa dịu phần nào nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam. Công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh được thực hiện với những nỗ lực của toàn dân. Tuy nhiên, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết những hậu quả chiến tranh nói chung và nạn nhân chất độc da cam nói riêng. Nhìn từ trách nhiệm đạo đức, pháp lý, việc khắc phục hậu quả chiến tranh đã và đang đòi hỏi lương tri của tất cả những con người bình thường, của những tổ chức quốc tế, các quốc gia, trước hết là các chính phủ của những nước mang quân đội đến Việt Nam, nhất là Chính phủ Hoa Kỳ.
     Hậu quả phía sau cuộc chiến của bom đạn và hóa chất, là “Cuộc chiến” thầm lặng giữa đời thường. Những người cha, người mẹ vốn nửa đời trải qua đau thương, mất mát chiến tranh, giờ đây đang hàng ngày đối mặt với hiện thực cũng tàn khốc không kém là dành giật sự sống cho những đứa con không lành lặn. “Cuộc chiến” ấy có thể kéo dài 20, 30, 40 năm, thậm chí là cả đời người. Nhưng rồi, chính những người mẹ, người cha - Những thân phận người đầy bi kịch ấy - Cũng lại là minh chứng sống động cho một chân lý rằng, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không giống bất kỳ thứ gì khác trên đời. Tình yêu ấy không biết đến luật lệ hay sự thương hại, nó thách thức tất cả cũng như không khoan nhượng bất kỳ trở ngại nào cản đường nó. Vì vậy mà, những đứa con - Dù không lành lặn về thể xác, tâm hồn và bị nỗi đau da cam nhuộm màu u ám lên sự sống - Thì chúng vẫn được bảo bọc và cứu rỗi trong tình yêu thương của đấng sinh thành. Để khi màn đêm tan đi, bình minh ló rạng, hy vọng về một điều thần kỳ - Biết đâu đấy - Vẫn đang âm thầm nảy nở dưới những nếp nhà lặng lẽ.
     Bằng những hành động cụ thể, những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều chính sách đối với người có công với cách mạng, trong đó có nạn nạn nhân chất độc da cam, cả hệ thống chính trị vào cuộc luôn quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc đến những nạn nhân nhiễm chất độc da cam như: Động viên, thăm hỏi, tặng quà đến những gia đình có người nhiễm chất độc da cam; Tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân đồng cảm, chung tay, góp sức giúp đỡ những người nhiễm chất độc da cam; Xây dựng chế độ chính sách được hưởng hàng tháng cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; Biểu dương những gia đình, người nhiễm chất độc da cam vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng;… Đây là một trong những chương trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc vừa tri ân những người có công với đất nước và những người dân không may nhiễm chất độc da cam, vừa chung tay cùng toàn xã hội trong công tác nhân đạo để đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
     Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; Không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa - Xã hội mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “Thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
     Hy vọng rằng qua tác phẩm Nỗi đau da camsẽ giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các bạn trẻ đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc. Vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thì rất cần nhiều hơn nữa những tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ nạn nhân da cam, người khuyết tật vượt qua những nghịch cảnh.
     Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện Lâm Đồng. Trân trọng kính mời độc giả quan tâm, đón đọc!

Nguyễn Thị Hoa

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 7633232 - Online: 452