›› SÁCH HAY NÊN ĐỌC

Thứ hai, ngày 19/10/2020 11:08:57 GMT+7 | lượt xem: 432

Áp lực của trẻ

Tác giả: Eun Young Oh ; Hồ Tiến Huân dịch

Nhà xuất bản: Văn hóa Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2018

Số trang: 239tr.

Nội dung:

Tại sao trẻ không tâm sự với bạn? Ai gây áp lực cho trẻ? Áp lực này đến từ đâu? Làm sao giúp trẻ kiểm soát áp lực để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc?... Cuốn sách “Áp lực của trẻ” sẽ giải đáp chi tiết và cụ thể những vấn đề trên qua từng tình huống thực tế sinh động, giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn toàn diện và đúng đắn về tâm lý trẻ, từ đó hướng dẫn con cách giải tỏa áp lực và phát triển tâm sinh lý lành mạnh.

Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào một sự thật là trẻ em Việt Nam đang phải chịu một áp lực quá lớn trên đôi vai nhỏ. Một trong những môi trường gây ra nhiều áp lực nhất đến với con trẻ hiện nay chính là học đường. Hài hước làm sao khi đó vốn dĩ là nơi để các em học những kiến thức có ích, vui chơi và kết bạn, để vững bước vào đời. Thế nhưng ngày nay, trường học trở thành nơi để con chật vật chạy theo những mong muốn của bậc làm cha làm mẹ, mà thậm chí chính con cũng chưa nhận thức rõ.

Trẻ em phải học ở trường với thời gian ngang bằng như một nhân viên công sở, tức là 8 tiếng một ngày. Thay vì nhìn vào màn hình máy tính với ánh sáng xanh độc hại, con phải căng mắt nhìn từng dòng chữ nhỏ trong sách, tập trung cao độ nghe và ghi chép lời thầy cô giảng bài. Tính trung bình, đôi mắt của mỗi đứa trẻ Việt Nam đã phải làm việc gấp 1.5 lần so với người lớn. Đó là nguyên do vì sao hơn 30% học sinh Việt Nam bị cận thị, ở một số tỉnh thành lớn, con số này còn lên đến hơn 80%.

Ngày nay các bậc cha mẹ kỳ vọng ở con cái quá mức. Bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình trưởng thành một cách tốt nhất. Họ cung cấp nhiều điều kiện vật chất và giáo dục tối đa, cho con không gian để chúng tự do hơn, luôn đáp ứng mọi nhu cầu của con. Thế nhưng cảm nhận của bọn trẻ thì sao?

Cho dù nhiều bậc cha mẹ đã rất cố gắng nhưng cũng không cứu vãn được tình trạng trẻ có những lời nói và hành động nổi loạn. Các bậc cha mẹ đau buồn vì con không hiểu mình, trẻ cũng khổ sở vì không được cha mẹ thấu hiểu.

Cuốn sách” ÁP LỰC CỦA TRẺ” khuyên các bậc cha mẹ nên thay đổi cách suy nghĩ , đừng chỉ lo kiếm tìm những chương trình học tập cho con mà nên xác định những giá trị như: “Tôi muốn con tôi trở thành người như thế nào”, “Để dạy dỗ con trở thành nguời như thế, tôi nên có thái độ và suy nghĩ như thế nào”

Nếu trong quá trình nuôi dạy, cha mẹ luôn ghi nhớ con mới là chủ thể, thì trẻ sẽ không còn bị áp lực.

Trong cuốn sách này tác giả đứng trên lập trường của trẻ để giải quyết vấn đề, nhằm giúp các bậc cha mẹ học cách nhìn từ góc độ của trẻ để giảm bớt áp lực cho con.

Chỉ số phân loại: 155.4\ A109L

Số ĐKCB Kho Đọc: VN.040627

Số ĐKCB Kho Mượn: MV.060508

Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện Lâm Đồng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5865364 - Online: 79