Thứ tư, ngày 21/08/2024 03:21:52 GMT+7 | lượt xem: 135 Xây dựng tủ sách cộng đồng góp phần phát triển Văn hóa đọc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Trong xã hội phát triển ngày nay, con người không thể không trang bị và cập nhật cho mình những tri thức để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như trong cuộc sống, và đọc sách chính là một trong những phương tiện đơn giản và hiệu quả nhất để nâng cao tri thức cho mỗi người. Thông qua sách, con người thỏa mãn nhu cầu được học, được tìm tòi và được nghiên cứu. Sách còn là món ăn tinh thần trong cuộc sống của con người. Sách hướng con người đến sự Chân - Thiện - Mỹ, đọc sách là làm giàu tri thức và hoàn thiện nhân cách. Nhờ đọc sách và học hỏi những điều hay lẽ phải trong sách, chúng ta biết cách đối nhân xử thế, biết làm giàu ngôn từ, biết nắm bắt tâm lý con người, hướng con người sống tích cực hơn.
Nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đưa phong trào đọc sách đến mọi vùng quê, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai dự án hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong các nhiệm vụ của Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai. Đối tượng hưởng lợi đối với việc xây dựng tủ sách là các xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lâm Đồng gồm có 77 xã.

Mục tiêu của Dự án nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả, hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong 3 năm (từ năm 2022 đến năm 2024) triển khai thực hiện Dự án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Thư viện Lâm Đồng là đơn vị đầu mối trực tiếp triển khai thành lập và bàn giao 47 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện sự chỉ đạo theo kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025. Thư viện Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao các huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức bàn giao tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số cụ thể là: Năm 2022 đã xây dựng thí điểm 5 tủ sách tại 5 xã của Đà Lạt và huyện Đơn Dương; năm 2023 xây dựng 27 tủ sách tại 27 xã của các huyện Lạc Dương, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đam Rông; năm 2024 xây dựng 15 tủ sách tại 15 xã của các huyện Di Linh, Lâm Hà và Đức Trọng. Mỗi tủ sách được xây dựng gồm 1 tủ đựng sách và gần 300 bản sách với tổng kinh phí trang bị là 30 triệu đồng/tủ sách. Tủ sách cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với văn hóa đọc xây dựng xã hội học tập, từ đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, Thư viện Lâm Đồng đã lựa chọn các loại sách phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, trang bị, xây dựng các tủ sách thêm phong phú nhiều thể loại, nội dung tủ sách hướng đến thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, hôn nhân, thể thao, gia đình, du lịch, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số; giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng, xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc anh em, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ...; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số; các chủ đề khác có liên quan đến các dân tộc thiểu số phù hợp với đối tượng thụ hưởng. Sách hỗ trợ chủ yếu là chính trị, xã hội, pháp luật, đời sống, khoa học, văn hóa, y tế, thiếu nhi, nông nghiệp, các loại sách hướng dẫn về trồng trọt và chăn nuôi ... phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi bàn giao tủ sách, cán bộ Thư viện Lâm Đồng đã trực tiếp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách cách quản lý, sử dụng tủ sách, giúp bà con nhân dân tiếp cận hiệu quả nguồn tài liệu trực tiếp. Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, tạo môi trường xây dựng văn hóa đọc và học tập suốt đời, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - Xã hội khó khăn. Từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí, góp phần đưa văn hóa đọc trên địa bàn được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đồng thời qua đó nhằm giới thiệu nét đẹp văn hoá đặc sắc về bản, làng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, để tủ sách cộng đồng thêm đa dạng và phong phú về nguồn tài nguyên thông tin, Thư viện Lâm Đồng sẽ thực hiện luân chuyển sách hàng quý làm cho nguồn tài liệu luôn được đổi mới có giá trị cả lý luận và thực tiễn để phù hợp với nhu cầu của người dân. Qua đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng rằng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ vui hơn khi được tiếp cận với món ăn tinh thần này, để từ đó là nguồn động lực thay đổi cách suy nghĩ, cách làm đạt kết quả tốt hơn trong ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025.


Nguyễn Thị Hoa
Tin khác
|
|