›› TIN TỨC

Thứ năm, ngày 21/03/2024 04:27:01 GMT+7 | lượt xem: 342

Văn hóa đọc lan tỏa tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là một vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm đồng thời đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, phát triển văn hóa đọc được xác định là một trong những tiêu chí hàng đầu của nghề Thư viện nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

     Nhằm duy trì thói quen đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc đến với các em nhỏ, Thư viện Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng phục vụ sách tại các thôn, bản,... đưa sách về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống với mục tiêu xóa đói thông tin, xóa mù công nghệ. Những chuyến xe ô - tô thư viện lưu động đa phương tiện đã lan tỏa văn hóa đọc đến những nơi còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với những cuốn sách hay, giá trị và bổ ích. Mỗi chuyến xe thư viện lưu động mang hơn 4.000 bản sách với đầy đủ các thể loại như: sách thiếu nhi, văn học, giáo dục tâm lý, giáo dục nhân cách, lịch sử, địa lý… Các em học sinh được tiếp cận rất nhiều loại sách mà ở thư viện trường học không có.


Phục vụ sách lưu động tại xã Liêng Srônh - Đam Rông

     Ngoài đọc sách các em còn được giao lưu, được hướng dẫn kỹ năng truy cập Internet, xem phim khoa học, giáo dục kỹ năng sống, tham gia trò chơi đố vui có thưởng, vẽ tranh, tô màu… Xe ô - tô thư viện lưu động đa phương tiện giống như một làn gió mới giúp các em nhỏ, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với thông tin và tri thức, mang lại trải nghiệm đọc sách thú vị, góp phần nâng cao dân trí, từng bước xây dựng văn hóa đọc ở cơ sở.


Các em học sinh đang sử dụng máy tính của xe ô - tô thư viện lưu động đa phương tiện


Các em học sinh trường tiểu học Tà Hine đang đọc sách

     Xe ô - tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ cộng đồng thực sự là hoạt động bổ ích rất có ý nghĩa, không chỉ giúp các em giải trí sau những giờ học căng thẳng mà còn hình thành thói quen đọc sách đối với các em đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tuyên truyền, vận động bà con nhân dân và các em học sinh tích cực tham gia đọc sách, từ đó nâng cao tính chủ động, tự học, tự tìm hiểu kiến thức phục vụ cho học tập, nâng cao kiến thức ngoài nhà trường, góp phần thực hiện tốt công tác chăm lo, giáo dục cho các em về tinh thần học tập, biết quý trọng, giữ gìn tài sản quý giá qua những cuốn sách cũng như nâng cao văn hóa đọc. Đồng thời, qua việc phục vụ sách, báo miễn phí chia sẻ thông tin, giới thiệu những quyển sách hay, có giá trị đến bạn đọc còn là cơ sở tiến tới xây dựng Thư viện công cộng qua kết quả khảo sát tính khả thi và nhu cầu đọc của người dân. Từ hiệu quả tích cực của mô hình trên đã từng bước đẩy mạnh phong trào đọc sách, giúp Thư viện huy động được nhiều nguồn lực, mở rộng hình thức phục vụ và luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức phục vụ để thu hút bạn đọc, đẩy mạnh hoạt động luân chuyển sách theo đề án Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phê duyệt đưa chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.



Phục vụ sách lưu động tại xã Tà Hine

     Không những xe ô - tô thư viện lưu động đa phương tiện đưa sách về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà Thư viện Lâm Đồng còn đã và đang triển khai thành lập các tủ sách cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh từ năm 2022 đến nay để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, đây là con đường nhanh nhất để thay đổi nhận thức của người dân thực hiện theo Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL ngày 03/03/2022 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch về việc thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo môi trường xây dựng văn hóa đọc và học tập suốt đời. Hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả; hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, rèn luyện kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó giúp người dân biết rõ hơn lợi ích của việc đọc sách và phương pháp đọc sách hiệu quả, mỗi cá nhân tham gia hoạt động là kênh thông tin thiết thực nhất nhằm khuyến khích lan tỏa văn hóa đọc đến với gia đình người thân. Năm 2024, Thư viện Lâm Đồng tiếp tục triển khai xây dựng 15 tủ sách tại các xã vùng sâu, vùng xa… và tiếp tục cuộc hành trình kết nối đưa những chuyến xe “Ánh sáng tri thức” đến với các em học sinh và người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
     Phát triển văn hóa đọc vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ mà toàn xã hội phải thực hiện, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được tiếp cận với văn hóa đọc, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các em học sinh có thêm nguồn tài liệu để phục vụ cho học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí rút ngắn khoảng cách chênh lệch về văn hóa giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Sự chung tay phát triển văn hóa đọc của cộng đồng là một tín hiệu rất tích cực. Thời gian tới Thư viện Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện luân chuyển sách hàng tháng, hàng quý, làm cho nguồn tài liệu luôn mới và đa dạng, tủ sách cộng đồng thêm phong phú hấp dẫn để hu hút độc giả, góp phần tích cực phát triển, nhân rộng nguồn tài nguyên thông tin và “Lan tỏa văn hóa đọc tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyễn Thị Hoa

 

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5880628 - Online: 26