›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 16/10/2014 03:10:28 GMT+7 | lượt xem: 623

“Cõng” chữ về Sê-rê-pốc

Đội trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) tỉnh Lâm Đồng "cõng" chữ về Sê-rê-pốc, một ngôi làng người Mông thuộc tiểu khu 719, xã Liêng Srôn, huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Làng này nằm bên cạnh dòng sông Sê-rê-pốc tiếp giáp với xã Quảng Sơn, huyện Đắc Glong (tỉnh Đắc Nông), cách đơn vị khoảng 50km đường rừng. Làng có 47 hộ, trẻ em ở đây hầu hết không được đến trường, thậm chí nhiều người lớn cũng không biết chữ.

Tác giả của mô hình xóa mù chữ ở Sê-rê-pốc là anh Lê Tiến Dương, Đội trưởng Đội TTTTN tỉnh Lâm Đồng. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, anh Dương là một trong số 30 TTTTN đợt đầu tiên tham gia Dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng giai đoạn 2010-2020" theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Anh Dương cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp cùng Ban quản lý rừng Sê-rê-pốc quản lý, bảo vệ rừng. Khi chứng kiến cảnh nhiều người mù chữ, khát khao đứng lớp trong tôi lại trỗi dậy. Nhiều đêm nằm nghe tiếng chim rừng, tôi trăn trở, suy nghĩ: “Ai chẳng muốn có cơ hội để học hành, tại sao lại không mở một lớp xóa mù chữ cho đồng bào ở đây?”. Ý tưởng đó đã được cấp ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế-quốc phòng Lâm Đồng (Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng), Ban quản lý rừng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắc Glong cùng mọi người ủng hộ. Thế là, mô hình xóa mù chữ cho người Mông ra đời”.

Đội trí thức trẻ đang ngày đêm vượt khó, dạy chữ đồng bào bên dòng Sê-rê-pốc.

Để mở được lớp, các thành viên trong đội TTTTN đã vào rừng chặt cây để làm lán trại, bàn ghế, rồi đi vận động, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập… Nhưng khó khăn nhất là khâu vận động bà con đi học, vận động trẻ con đã khó, người lớn lại khó gấp bội phần. Lúc này, sáng kiến đưa ra là quyên góp báo và sách cũ tặng cho đồng bào để tạo thói quen đọc.

Với nhiều thông tin hấp dẫn của báo chí, đồng bào dần thấy thích, người biết chữ đọc cho người chưa biết chữ nghe, thấy hay nên bà con muốn biết chữ để tự đọc... Ngoài ra, các thành viên trong đội TTTTN còn mượn ban quản lý rừng chiếc ti vi cũ phục vụ bà con tại lớp học vào thời điểm trước giờ học và khi nghỉ giải lao. Một lớp học giữa làng người Mông bên dòng Sê-rê-pốc đã ra đời như thế. Lý A Bằng, một học trò của lớp, cho biết: “Nhà mình cả hai chú cháu đều đi học, đến nay mình đã biết đọc sách, đọc báo, nói tiếng Kinh thành thạo. Các anh chị trí thức trẻ nhiệt tình lắm!”.

Ngày đi gác rừng, đêm lên lớp, có người bỏ học thì lập tức cán bộ trong đội TTTTN đến nhà vận động bà con trở lại lớp. Anh Lê Tiến Dương, Đội trưởng đội TTTTN, cho biết: “Lớp học được duy trì thường xuyên 3 buổi/tuần. Mỗi chuyến công tác kéo dài cả tháng, có khi vài tháng, việc làm mà chúng tôi thấy vui và có ý nghĩa nhất chính là lên lớp xóa mù chữ cho đồng bào. Mình phải làm cho xứng đáng để không hổ thẹn khi nhận đồng lương và ưu đãi của Nhà nước”.

Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7, trong lần về làm việc đã rất tâm đắc với mô hình xóa mù chữ ở Sê-rê-pốc và nhận xét: “Trí thức trẻ tham gia xóa mù chữ là rất tốt, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông lại có ý nghĩa hơn nhiều, bởi nó góp phần củng cố đoàn kết quân dân, góp phần giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo…”.

Lời ngợi khen của Trung tướng Trần Đơn đã động viên, làm ấm lòng bao đoàn viên thanh niên trí thức trẻ đang ngày đêm thầm lặng cống hiến nơi rừng xanh xa thẳm. Từ sự ghi nhận ấy, thời gian tới, đội trí thức trẻ tình nguyện sẽ tiếp tục tham mưu mở một lớp học tương tự cho đồng bào tại thôn Glê, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông…

Bài và ảnh: XUÂN NGỌC

Nguồn: báo Quân đội nhân dân; Số 19217; Thứ ba ngày 7-10-2014; Tr.6

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5690570 - Online: 30