›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ ba, ngày 06/12/2016 09:44:57 GMT+7 | lượt xem: 660

Đi săn đặc sản trong lòng đất

Cộng đồng K’ho quan niệm, bắt bơtau k’nàp (mối chúa) đồng nghĩa với việc tận diệt, ổ mối đó sẽ bị tuyệt chủng vì không còn sự sinh sản, nảy nở. Loại mối mà người K’ho nhắm tới là mối thợ, mối lính, chúng có số lượng đông áp đảo, sinh sôi nảy nở nhanh.

Chuyến săn mối lúc sẩm tối

Năm nay, mùa săn mối của người K’ho ở Lâm Đồng đến muộn hơn bình thường. Suốt mấy tháng qua Yàng (ông trời) cứ sụt sịt đổ mưa, mối sợ ướt cánh chẳng con nào buồn ra khỏi tổ. Vì thế, trong bếp ăn của đồng bào K’ho thiếu hẳn món thịt mối thơm phức, béo ngậy, vốn là thực đơn được liệt vào hạng đặc sản của người K’ho. Bây giờ cuối tháng 11, Nam Tây Nguyên qua rồi những ngày mưa dầm dề thối đất, tối trời, nắng vàng thả xuống đẹp ngọt ngào. Bạn tôi, những người K’ho ngụ cư ở vùng xa xôi nhất của tỉnh Lâm Đồng lại náo nức vào mùa săn mối.

                                                Nhóm phát hiện một ổ mối lớn.

Ở cộng đồng K’ho, từ những đứa trẻ mới lớn tới bậc ông già, bà lão, hay những chàng trai, cô gái khỏe mạnh, họ có thể chán ngấy miếng thịt heo, thịt gà nếu ăn nhiều, nhưng với mối, ăn hết bữa này đến bữa khác mà vẫn cứ thấy thòm thèm, nhơ nhớ cái mùi đằm đằm, béo ngậy, thơm lừng của món thịt mối chiên, xào, hấp, nấu canh... ăn với cơm hao vô cùng.

Bạn tôi, KSen (31 tuổi), ngụ tại thôn 1, xã Tân Lâm, huyện Di Linh (Lâm Đồng), gọi điện hối thúc tôi sắp xếp thời gian theo anh vào rừng bẫy mối một chuyến. Không lâu nữa mùa săn mối duy nhất trong năm sẽ kết thúc.

Hôm nay, chúng tôi lên đường tìm mối khi bóng chiều đã ngả nghiêng. Dọc đường bạn hào hứng nói, cuộc săn mối chỉ diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ, và phải kết thúc khi mặt trời xuống núi. Dụng cụ săn mối của người K’ho thật đơn giản. Vật không thể thiếu đó là cái màn hoặc cái rút (đan bằng nan tre chuyên dùng bắt mối), gói lá nha pồt jrào (một loại lá rừng, công dụng gần giống thuốc lào), ít bao dùng để đựng mối, hộp diêm hoặc bật lửa, ngoài ra chẳng còn gì hơn.

Người K’ho đi săn mối tối kị nhất là bắt cả bơtau k’nàp (mối chúa) mặc dù chúng luôn được nhiều người săn lùng, tìm mua với giá rất đắt. Cộng đồng K’ho quan niệm, bắt bơtau k’nàp đồng nghĩa với việc tận diệt, ổ mối đó sẽ bị tuyệt chủng vì không còn sự sinh sản, nảy nở, mùa sau sẽ không còn mối để bắt. Loại mối mà người K’ho nhắm tới là mối thợ, mối lính, chúng có số lượng đông áp đảo, sinh sôi nảy nở nhanh.

Mối thường rời tổ vào buổi chiều, lúc mặt trời gần xuống núi, khi thời tiết nắng ráo, những ngày mưa, loài vật này nhất quyết không rời tổ vì ướt cánh không bay lên được. Nắng chiều đầu đông vàng vọt, óng ánh, cả nhóm háo hức chờ đợi một buổi săn mối đầy kỳ thú và trở về với chiến lợi phẩm là những kilôgam mối béo núc ních.

Những chiếc xe chồm lên hụp xuống tiến thẳng về phía rừng xa. Vượt hơn chục cây số đường rừng, KSen đưa chúng tôi đến cánh rừng Xu Lạch, xã Tân Lâm (Di Linh). Theo chàng trai này, đây là nơi có nhiều mối nhất trong vùng, bắt mãi cũng không bao giờ hết.

                                          Giăng màn không cho mối bay thoát ra ngoài.

KSen nói với tôi rằng, từ đời ông, đời cha, đến đời của anh, có những thời điểm đói kém, hạn hán, mất mùa, con gà, con vịt lâm bệnh, thực phẩm khan hiếm, “món tanh” của người K’ho nơi đây chính là những con mối béo ngậy, thơm lừng, ăn hoài chưa bao giờ thấy ngán dù chỉ một ngày. Ai ốm đau chê cơm, bỏ bữa, người nhà nhất định phải vào rừng săn mối đem về chế biến thức ăn chăm sóc người bệnh. Chiếc xe gắn máy không thể nhích lên được nữa cũng là lúc K’Sen ra hiệu cho cả nhóm tấp xe vào bụi cây.

Cuộc hành trình đi bộ tìm ổ mối rừng bắt đầu. Bỗng đâu từ phía lưng chừng đồi có tiếng hú lớn phá tan sự yên tĩnh của núi rừng về chiều. Hóa ra, hôm nay chúng tôi không phải là nhóm duy nhất vào cánh rừng này săn mối. Từ lúc nào, nhóm bạn người Churu từ xã Đinh Trang Thượng cũng đã vào đây. Họ đã có những chiến lợi phẩm đầu tiên khi tìm được một ổ mối nổi ụ đùn lên khỏi mặt đất cao tới cả mét.

Tới rừng, KVẻ lúc này mới “ra mặt” thể hiện mình chính là thủ lĩnh của cả đoàn. Anh phân công nhiệm vụ cho từng người, 5 thành viên trong nhóm mỗi người tỏa đi một hướng để tìm ổ mối. Tôi được KVẻ ưu ái cho đi theo sau. Từ bên kia, bỗng KBrào reo lớn: “Bơ tul k’nạp, bơ tul k’nạp!...” (tổ mối, tổ mối) khiến cả nhóm nhanh chân xúm lại đầy hào hứng. Vậy là cuộc săn mối đã bắt đầu. Mỗi người một việc, họ chuẩn bị tìm cách bắt mối ra khỏi tổ.

Với kinh nghiệm nhiều năm đi săn mối, KVẻ khẳng định tổ mối này từ trước tới nay chưa từng bị ai bắt. Đây đích thị phải là tổ mối rất lớn, có hàng triệu con mối các loại đang nằm trong tổ. Cần phải có cách đưa chúng ra khỏi lòng đất. “Cuộc đi săn hôm nay chỉ cần “đánh” xong tổ này là đủ để cả nhóm chia nhau “chiến lợi phẩm” hậu hĩnh rồi!...” - KVẻ quả quyết.

Mỗi người một việc, cả nhóm nhanh chóng giăng màn bao trùm lên toàn bộ ổ mối. Nghe tiếng động, hàng trăm con mối đang chuẩn bị cất cánh chui tọt vào trong ổ, một số khác hốt hoảng bay lên nhưng không thoát khỏi chiếc màn đã giăng sẵn. Từng đàn mối lính, mối thợ di chuyển qua lại tạo ra tiếng động rào rào, chúng giương càng ra oai để bảo vệ hang ổ và mối chúa. Khi mọi công đoạn đã hoàn tất, các thành viên trong nhóm bắt đầu tung bí kíp dụ mối ra khỏi tổ.

                                         KVương hút thuốc, nhả khói vào ổ mối.

Lúc này, anh KVẻ giữ vai trò trưởng nhóm, bật điếu thuốc quấn bằng lá nha pồt jrào châm lửa đốt. Anh dùng miệng kéo những hơi thật sâu nhằm vào lỗ dẫn vào ổ mối mà thổi. Anh KĐô, anh KVương cũng không chịu đứng yên, họ dùng điếu thuốc lá kéo những hơi thật dài nhả khói vào bên trong ổ mối. Chẳng mấy chốc, hàng triệu con mối say thuốc, không chịu nổi ám khí trong ổ đành ùn ùn mò ra ngoài đen kịt, nháo nhác tung cánh bay trong cơn hỗn loạn tột độ. Chúng bắt đầu di chuyển tới hai bên góc màn để tìm lối thoát rồi tự rớt xuống bộ dụng cụ đựng mối.

Quả đúng như KVẻ khẳng định, hôm nay chúng tôi “trúng mánh”. Tổ mối này lớn ngoài sức tưởng tượng. Hàng triệu con mối cứ thế ùn ùn rời khỏi tổ đen ngòm cả góc màn. Cũng có những con mối may mắn thoát được ra ngoài, tung bay lên bầu trời tự do hoang mang đón lấy ánh nắng cuối ngày còn sót lại.

Đặc biệt, người K’ho ở Lâm Đồng không bao giờ tận diện loài mối. Mối chúa có chức năng sinh sản, tuyệt nhiên họ không bắt, mặc dù nó có giá bán khá cao vì tương truyền trị được bệnh yếu sinh lý ở nam giới khi ngâm uống với rượu. Khi đàn mối ra khỏi tổ gần hết cũng là lúc cuộc săn mối kết thúc. Những con mối còn sót lại sau này sẽ tiếp tục công việc của mình. Ổ mối không bị tuyệt chủng vì còn những con mối chúa lại đảm đương nhiệm vụ duy trì nòi giống.

Kết thúc cuộc đi săn, chúng tôi kiếm được hơn 6kg mối béo núc ních. Một thành quả hiếm có. Chắc chắn tối nay, bữa cơm của các thành viên trong nhóm sẽ có thêm thực đơn mối. Đó là món khoái khẩu của người K’ho tại Lâm Đồng từ nhiều đời qua. KSen cho biết, mỗi lần đi săn, nhóm của anh thường bắt được 3-5kg mối, riêng những tay săn mối chuyên nghiệp thì một ngày bắt 6-7kg. Nếu “trúng mánh”, họ có thể săn được tới 10kg trong một chuyến đi.

Giá 1kg mối hiện nay khoảng 100.000 đồng nhưng người K’ho ở Tân Lâm không bắt mối để bán mà chế biến thành các món ăn hấp dẫn, thơm phức và béo ngậy. Thành quả đi săn hôm nay được chia đều, trong đó có tôi mặc dù tôi đã cố gắng từ chối. Anh em K’ho của tôi nói rằng: “Phải nhận thì mới công bằng, cái bụng mọi người mới thấy vui!...”.

Món ăn đặc sản

Chiếc xe gắn máy của KSen chở tôi vừa đổ ở sân, đứa con đầu đang học lớp 3 của KSen có cái tên rất Tây - KRam Bô - háo hức chạy đến đón lấy “chiến lợi phẩm” từ tay cha. Những con mối béo núc phần lớn đã tự trút bỏ bộ cánh từ khi nào. Ka Nại, vợ KSen chuẩn bị sẵn một chậu nước sạch để rửa mối. Trước khi những con mối được thả vào chậu nước, Ka Nại dùng tay nhẹ nhàng lắc đều túi mối cho những con cuối cùng rụng hết cánh.

Trong lúc chờ để được thưởng thức món ăn đặc sản này, KSen chia sẻ bí kíp chế biến các món ăn từ mối với tôi. Mối được làm sạch bộ cánh, rồi chế biến thành nhiều món khác nhau như mối hấp, mối nấu với lá bép (loại lá rừng), cà đắng, nấu cháo, thậm chí bà con còn giã nhuyễn để nấu với bí ngô và bí đao, ngọt hơn cả nấu với tôm tép. Nhưng với nhà KSen, món mối chiên luôn được các thành viên trong gia đình thích thú nhất.

                                 “Chiến lợi phẩm” của cuộc đi săn mối.

 

                      Mối được người K’ho chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Nếu bắt được nhiều mối, bà con K’ho đem phơi khô, ướp muối cất vào các dinh dor (ống nứa) treo lên gác trên sàn bếp, 5 - 6 tháng sau lấy ra chế biến các món ăn mà vẫn giữ nguyên được mùi vị rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Mỗi lần nấu nướng, chỉ cần lấy một ít mối trong ống nứa cho vào nồi canh bí, canh bầu hoặc canh rau bép... là tạo được vị ngọt, vị béo, hấp dẫn vô cùng.

Nói tới đây, KSen chỉ tay về phía gác bếp, nơi đó đã treo được gần chục ống nứa, bên trong không phải là gì khác, chính là mối ướp muối, đó là thành quả của 3 lần đi săn mối trước đó của KSen cùng nhóm người trong thôn. Đối với người K’ho mối là món ăn dân dã nhưng có phần xa xỉ, hiếm hoi hơn cả thịt cá, người có tiền chưa chắc đã mua được bởi mỗi năm mối chỉ xuất hiện và chui ra khỏi ổ một lần. Họ cố gắng ăn tiết kiệm từng nhúm mối trong mỗi thực đơn.

Bữa cơm tối chưa kịp dọn ra, căn nhà của KSen đã sực nức mùi thơm của món mối chiên. Thực đơn này chẳng có gì xa lạ với các thành viên của gia đình bạn tôi nhưng sao mấy đứa con nhà KSen vẫn háo hức chờ đợi. Ắt phải có lý do của nó. Khi được thưởng thức những món ăn được chế biến từ mối, tôi hiểu vì sao những đứa con nhà KSen lại sốt sắng chờ để được ăn đến vậy.

Bữa cơm tối nhà KSen, món mối chiên chạy nhất, nồi canh lá bép nấu với mối cũng chẳng còn thừa bát nào. Hết bữa cơm, vợ KSen nói đang còn nồi cháo dưới bếp. Cả nhà sẽ ăn cháo khuya sau khi chiêu đãi tôi một ché rượu cần quây quần bên bếp lửa. Với tôi, lần đầu tiên ăn món mối, dư âm đọng lại là một cảm giác vẫn còn thèm thuồng. Món mối hấp dẫn, béo ngậy, thơm lừng, có vị gần giống với món thịt dế nhưng ngọt và béo hơn. Tàn bữa cơm tối, tôi lại chờ trông cho nhanh đến khuya để được thưởng thức món cháo mối.

Kim Ngân

 

Nguồn: An ninh thế giới; số 1627; thứ tư 30.11.2016; tr 4



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5809119 - Online: 94