›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 08/01/2018 02:06:16 GMT+7 | lượt xem: 712

Ðà Lạt, những món tôi nhớ

Tôi đến Đà Lạt vào một ngày tháng 12. Một chuyến du lịch đúng nghĩa nên dĩ nhiên sẽ bao gồm chỉ toàn chơi và ăn. Đà Lạt có nhiều thứ kỳ thú, đáng để nhớ. Trong đó, ẩm thực là một chỉ dấu.

Không ăn sẽ tiếc… bánh căn

Đà Lạt mùa này là mùa khô, nên đồng thời cũng là mùa du lịch. Buổi sáng và trưa trời chỉ se se, thế nhưng đến xẩm tối cái rét bắt đầu luồn lách trên những con phố vắng. Thành phố cao nguyên vừa đi đã mỏi bởi những con đường như những con dốc nối nhau, chả có bóng dáng đèn xanh đèn đỏ hay là kẹt xe. Anh bạn thổ dân Đà Lạt khuyên chúng tôi thưởng thức món bánh căn, một đặc sản của Đà Lạt. Bữa này tương tự như bữa xế của người châu Âu, với bánh ngọt và các loại trà thanh nhã. Hàng bánh căn chúng tôi ăn ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Yesin. Quán nhìn đã biết thuộc loại bình dân nhưng sạch sẽ và có vẻ cũng đông khách, căn cứ vào những thau bột to để ở một góc quán.

Nhìn cô chủ đổ bánh căn thật thích mắt. Bàn tay chao liệng trên lò than hồng, thoăn thoát đổ bột vào những khuôn đất tròn. Bột làm bánh căn là gạo được ngâm nước, sau đó xay mịn cùng một ít cơm khô, dĩ nhiên tỉ lệ luôn là điều bí ẩn. Hết một lượt bột, cô chủ sẽ thoăn thoắt đập trứng cút hoặc trứng gà trứng vịt vào từng khuôn đó. Cuối cùng là thao tác đậy nắp lên từng khuôn bánh. Thực khách ngồi quanh bàn, vừa nhìn cô hàng thao tác điêu luyện vừa chờ bánh chín. Miệng chưa ăn mắt đã được ăn trước là vậy, cái ngon được nâng thêm bao phần. Nước chấm bánh căn được pha chế không cầu kỳ, chỉ bao gồm nước mắm với chút mỡ hành, thêm chút ớt hoặc sa tế, thả thêm 2 viên xíu mại. Nước chấm cũng được đun nóng. Cái nóng nọ cặp với cái nóng kia, mặc ngoài trời những cơn gió lạnh càng lúc càng hun hút.

Bánh tráng, một thứ pizza Đà Lạt

Nếu đi dọc các con đường ở Đà Lạt, sẽ gặp khá nhiều quán bánh tráng nướng. Nhưng tập trung đông nhất chắc là ở chợ đêm Đà Lạt.

Có lẽ đây là chiếc bánh pizza có đế mỏng nhất, bởi nó chính là lá bánh tráng vốn vẫn dùng để cuốn nem, loại bản tròn và to. Nhìn người ta sửa soạn thức này thì thấy có vẻ cũng không cầu kỳ lắm, thế nhưng để bánh chín giòn đều, không bị cháy không bị sống lại là cả một nghệ thuật. Tôi đã quan sát cả một quy trình như vậy ở một hàng ngay lối vào chợ đêm Đà Lạt. Đầu tiên chị hàng đặt lá bánh tráng lên vỉ nướng đã đặt trên bếp than đỏ rực, rồi phết lớp dầu ăn mỏng lên bề mặt bánh. Áng chừng bánh tráng gần chín, chị phết đều lớp mỡ hành đã phi thơm lên mặt bánh, nướng thêm một lúc nữa thì đập trứng cút vào rồi dùng một dụng cụ giống như đôi đũa cả tán đều khắp bề mặt bánh tráng. Khi trứng đã chín, chị rải xúc xích, phô mai, tôm khô xay nhỏ và một ít tương ớt lên trên. Thành phẩm có được là một chiếc bánh đa sắc. Màu vàng ươm của trứng, màu đỏ của tương ớt và tôm khô, màu xanh của hành, màu trắng của bánh tráng… Đến đây chị hàng khéo léo cuộn chiếc bánh lại, lật đi lật lại thêm một chút cho chín đều các mặt rồi gắp ra đĩa cho khách. Bánh tráng chắc không chỉ Đà Lạt có nhưng hình như dừng chân ở nơi đây, nó đã được nâng lên hàng đặc sản địa phương.

Sữa đậu nành, thức uống nhất định phải nếm khi tới Đà Lạt

Những gánh sữa đậu nành, ấy là một nét văn hóa mà bạn chỉ có thể gặp ở Đà Lạt. Không khí se lạnh của cao nguyên quyện với vị sữa sánh ngậy thành một thứ hương tình thanh khiết đến là quyến rũ. Đà Lạt có nhiều điểm bán sữa đậu nành nhưng lôi kéo người phương xa hơn cả phải là những gánh sữa trong chợ đêm. Những gánh sữa đắt khách, cô hàng ngồi giữa những nồi sữa to, loại nồi quân dụng, đặt trên bếp than liu riu lửa. Sữa cũng được làm từ những hạt đậu bình dị, được ngâm xay, lọc lấy nước rồi cho lên bếp lửa đun sôi liu riu cùng với lá dứa. Trời lạnh, cầm ly sữa nóng sực, uống chầm chậm từng ngụm nhỏ, thân xác được nóng dần tự bên trong, không khéo cả tâm hồn cũng được sưởi ấm nữa.

Sữa đậu nành còn các biến thể, pha kèm với sữa bò, sữa đậu phộng, đậu xanh… Nhưng tôi chỉ thích đậu nành nguyên chất, như thích tất cả những bản nguyên trong và lành và chưa kịp bị pha tạp trên đời.

Nem nướng bà Hùng

Từ biệt thự Sương Mai nơi chúng tôi ở, đi dăm bước là tới quán nem nướng bà Hùng. Tức là cũng rất gần với hồ Xuân Hương, tâm điểm của thành phố ngàn hoa. Quán lúc nào cũng đông chật, mùi thịt nướng thơm nức cả không gian, gợi cơn thèm vị giác mãnh liệt. Chủ quán cho biết, món nem nướng tưởng chừng bếp gia đình cũng có thể tự làm vậy mà không canh kỹ là không nổi vị. Thịt để làm nem là thịt nóng, nghĩa là heo phải vừa mới mổ. Thịt ấy đem xay nhuyễn với tỏi, đường, bột nêm, nước mắm ngon. Dĩ nhiên không thể thiếu chút thịt mỡ, sẽ làm nem thơm ngon hơn và khi nướng lên có màu bóng đẹp. Than hoa được quạt thật hồng, đặt những xiên nem lên nướng, chừng nào mỡ heo rỉ ra, xèo xèo và bắt đầu tỏa mùi thơm, mặt ngoài của nem có màu vàng là đã chín.

Nem nướng được cắt thành những lát mỏng để dễ dàng cuốn trong lá bánh tráng với các loại rau sống tươi roi rói, kèm chuối xanh/ khế chua… “Phụ kiện” thì giống đa số các món cuốn ở những vùng miền khác nhưng món nước chấm thì quả là độc đáo. Nhờ thế mà mới làm nên thương hiệu ẩm thực nổi tiếng chăng? Món nước chấm cầu kỳ này được nấu từ xương heo ninh kỹ lọc lấy nước cốt, sau đó đánh nhuyễn với tương hột xay. Hỗn hợp này được nêm gia vị nước mắm, bột nêm cho vừa ăn, thêm vừng (mè) rang. Nước chấm đảm bảo lúc nào cũng nóng hôi hổi. Dầm ngập cuốn nem nướng trong bát nước chấm đậm đà ấy rồi thong thả… cắn. Thú nhâm nhi này chắc cũng giúp bạn thêm một vài khoảnh khắc sống chậm, giữa cuộc đời vội vã.

Giòn ngọt sa lát, thanh nhẹ canh atiso hầm giò heo

Ai ghé Đà Lạt, đừng quên thưởng thức món sa lát trộn, món ăn gói ghém những ưu đãi mà đất trời đã riêng tặng cho vùng đất này. Chẳng phải ở những nơi khác, để tạo lòng tin cho người tiêu dùng người ta thường bảo đó là rau Đà Lạt, củ quả Đà Lạt đó sao.

Để trộn thành một đĩa sa lát, người Đà Lạt thường sử dụng rau cô-ron - một loại rau có họ hàng với xà lách nhưng đẳng cấp chắc ở … chiếu trên. Rau cô-ron rất lạ, những cọng rau trắng ngần, dày cùi, giòn tan với những lá xanh mướt mát. Đĩa sa lát tiêu chuẩn là cô-ron kèm với hành tây, cà chua, xà lách xoong, thêm mấy miếng trứng luộc bổ cau và cuối cùng là rưới dầu dấm. Sa lát trộn khéo là gia vị được thấm vào từng thớ rau nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc tươi roi rói, vẻ như vừa được hái từ vườn lên. Có điều lạ là cũng rau ấy và công thức ấy mà đem về trộn ở nhà mình, không còn thấy được cái độ ngọt giòn tan mát lịm đê mê đầu lưỡi như khi thưởng thức tại trận. Món ngon chỉ giữ được phong vị ở cái xứ mà nó sinh ra, phải vậy không?

Giò heo hầm atiso là món canh hình như chỉ Đà Lạt mới có. Vị ngọt thanh cho cảm giác lành sạch. Tuy nhiên, cá nhân tôi thì không khoái món này lắm, chỉ thử lần đầu cho biết và các lần sau vẫn… thử tiếp bởi nghĩ về sự bổ dưỡng. Cô bạn đảm đang của tôi mua vài bông atisô về Hà Nôi, rắp tâm đãi cả nhà một bữa canh lạ miệng, cũng nhăn nhó: Chồng em bảo món này không ngon, hay do em không biết nấu. Tôi thì nghĩ, một món ăn tồn tại được lâu đến thế chắc hẳn có cái lý nào đó. Có điều chúng tôi chưa giải mã được mà thôi.

LÊ THÀNH NAM PHƯƠNG

Nguồnhttps://baomoi.com



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5812199 - Online: 50