›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 16/10/2014 10:15:23 GMT+7 | lượt xem: 429

Xe chở cao lanh quá tải tung hoành trên QL20

Những chiếc xe chở đất cao lanh lên tới 60 tấn từ TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) xuống Đồng Nai ung dung qua trạm cân cơ động ngay tại chân đèo Bảo Lộc.

Xe chở cao lanh tập kết tại bãi đỗ chờ vượt trạm cân (chụp lúc16h20 ngày 9/10)

Xe quá tải nườm nượp giờ “G”


Gần đây, nhiều bạn đọc điện thoại đến Báo Giao thông phản ánh nạn xe quá tải chở cao lanh tung hoành trên QL20. Được người dân chỉ dẫn, chúng tôi đã tiếp cận đại công trường khai thác cao lanh ở xã Lộc Châu. Từ ngọn đồi cao, chúng tôi ghi nhận có khoảng 7-8 mỏ cao lanh đang tấp nập hoạt động như những đại công trường. Nhiều quả đồi bị “xẻ thịt”, khoét nham nhở. Các xe ben trọng tải lớn chuyên chở cao lanh từ mỏ về các bãi tập kết, sau đó xe tải “siêu trường” có mui bạt vào “ăn hàng”. Mọi tuyến đường dẫn về các mỏ đều nát như tương. Tiếng động cơ gầm rú liên hồi, bụi bay mù mịt...

Một người dân sống bên QL20 bức xúc cho biết: “Khổ nhất là phải ra đường, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô hanh bụi mù mịt. Cứ vào chiều tối, chúng tôi lại phải đóng cửa kín mít để tránh bụi vì có quá nhiều xe chở đất cao lanh. Mỗi khi các xe này chạy qua, không chỉ gây bụi mà tiếng động cơ gầm rú inh tai, nhà cửa của chúng tôi rung lên bần bật như có động đất”.

Từ 16h45 - 18h45 chiều 9/10, chọn một góc khuất gần khu vực trạm cân, chúng tôi quan sát thấy dòng xe tải vẫn nối đuôi nhau lần lượt qua trạm, trong đó có nhiều xe chở rau quả, nông sản hướng từ Đà Lạt đi Đồng Nai. Nhiều xe khác phủ bạt kín, chỉ nghe tiếng máy gầm gừ nặng nhọc, chuyển bánh theo chiều ngược lại. Đến 19h cùng ngày, đoàn xe tải nặng chở cao lanh vẫn nằm ì tại các bãi đỗ.
Trạm cân Đạ Huoai bất lực với xe chở cao lanh quá tải (?!)

Sáng 10/10, chúng tôi quay trở lại Trạm cân Đạ Huoai (Lầm Đồng) và ghi nhận một số xe chở cao lanh đã không còn đậu tại các bãi đỗ. Trên đường đến trạm cân, chúng tôi đi qua Trạm thu phí BOT QL 20 tọa lạc ngay dưới chân đèo Bảo Lộc. Tại đây, chúng tôi đem 10 biển kiểm soát (BKS) xe chở cao lanh chạy hôm qua để đối chiếu với hệ thống dữ liệu tích hợp từ camera của trạm. Thống kê số liệu (kèm hình ảnh) từ trạm thu phí cho thấy, cả 10 chiếc xe này đều đã qua trạm.

Từ đầu năm đến nay, qua đây nhiều nhất là xe BKS 49C-054.05, với 103 lượt; chiếc qua ít nhất là xe BKS 49C-058.35, với 39 lượt. Những xe khác như 49C-052.49 là 64 lượt, 49C-056.16 là 48 lượt, 49C-035.91 là 47 lượt… Ngay trong những ngày tháng 10/2014, camera cũng ghi nhận có các xe 49C-054.05, 49X-6517, 49C-058.35, 49H-8128… đã qua trạm thu phí. 
Theo một lái xe chở cao lanh, hàng được đưa từ Bảo Lộc đi Đồng Nai, Bình Dương. Một xe có tải trọng 25 tấn, nhưng được chở đến 60 tấn cao lanh. Tiền vận chuyển là 350 nghìn đồng mỗi tấn. Như vậy, một chuyến chở cao lanh giá vận chuyển lên tới 21 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí, chủ xe còn lãi được khoảng 10 triệu. Nếu thuận lợi, mỗi ngày xe chở được một chuyến.

Ông Lâm Thanh Nhàn, Trạm trưởng Trạm thu phí BOT QL 20 cho biết: “Camera chỉ ghi được hình ảnh xe tải, BKS xe, còn việc xác định chúng chở gì, phải tốc bạt lên mới rõ. Việc các đoàn xe quá tải, trong đó có nhiều xe chở cao lanh lưu thông trên tuyến khiến cho công tác duy tu bảo dưỡng đường của nhà đầu tư rất vất vả và tốn kém”.

Tìm hiểu tại Trạm cân Đạ Huoai, chúng tôi được biết, từ 15h ngày 30/9 đến 7h ngày 10/10, trạm cân này đã cân tổng số 65 xe, phát hiện 13 trường hợp vi phạm, phạt tiền lái xe và chủ xe 72,5 triệu đồng. Đối chiếu với các BKS xe chở cao lanh theo dõi, chúng tôi không ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị kiểm tra và lập biên bản.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Đội phó Đội TTGT Hành chính tổng hợp Sở GTVT Lâm Đồng - Phó trưởng Trạm cân Đạ Huoai, lực lượng chốt chặn tại trạm cân này gồm có 23 người, trong đó có 8 CSGT, một Cảnh sát trật tự xã hội, 4 TTGT Cục Quản lý Đường bộ 4 và 10 TTGT thuộc Sở GTVT Lâm Đồng.

Trả lời câu hỏi vì sao xe quá tải nhiều nhưng xử lý được rất ít, ông Chiến nói: “Phần lớn các xe quá tải thường là xe chở cao lanh, phân bón và vật liệu xây dựng. Các xe này tập kết về các bãi rửa xe, quán cơm (ngay gần đó) chờ trời mưa để vượt trạm. Một số trường hợp, sau nhiều ngày chờ cơ hội, thấy không có kết quả sẽ quay trở lại để đi tuyến QL 55. Khó khăn nhất là về ban đêm, các xe bật đèn quá sáng, chúng tôi rất khó phát hiện. Nhiều khi 4 - 5 xe cùng vượt tốc độ cao, chạy ào ào rất nguy hiểm. Không hiếm các trường hợp tài xế “bắt tay nhau”, xe không quá tải chạy trước kèm theo xe quá tải và không chấp hành hiệu lệnh dừng xe. Tổ công tác hạn chế rượt đuổi vì lo xảy ra tai nạn”.

Cũng theo ông Chiến, mặc dù thấy các xe này vi phạm quá tải, đậu ở quanh khu vực trạm cân nhưng không thể xử lý được bởi không biết, lái xe, chủ phương tiện là ai(!?). Đối với biện pháp cân tải xe tại chỗ (bằng cân xách tay mà trước kia đã từng áp dụng), ông Chiến khẳng định là không có nhân lực.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong ngày 9 và sáng 10/10, trời không hề mưa, cũng không có trường hợp nào quay lại Trạm thu phí để đi QL55 nhằm tránh trạm cân QL20. Vậy vấn đề đặt ra là số xe chở cao lanh quá tải nêu trên đã “chui” đi đâu?
M.Huyên - Văn Tư
Nguồn: báo Giao Thông, Số 164 | Thứ hai 13/10/2014, Tr.7



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5864223 - Online: 137