›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ sáu, ngày 20/03/2015 07:31:23 GMT+7 | lượt xem: 420

Triển vọng cây mắc ca trên vùng đất Tây Nguyên

Mới đây, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng, Cty cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienviet Post bank)tổ chức hội thảo chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên.

Tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng: “Với cơ sở khoa học và thực tiễn trồng thử nghiệm, với nhu cầu trong nước và trên thế giới, chúng ta đi đến thống nhất về định hướng đưa mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, cải thiện điều kiện đời sống người dân”.

Thu nhập cao từ trồng mắc ca

Theo Cty cổ phần Him Lam, tuy chỉ mới nhập về Việt Nam trong vòng 10 năm nay, nhưng cây mắc ca đã nhanh chóng khẳng định giá trị kinh tế của nó, sau khi được trồng thí điểm tại khu vực Tây Nguyên và vùng Tây Bắc. Riêng ở các tỉnh Tây Nguyên, hiện đã phát triển được khoảng gần 1.700 ha mắc ca, trong đó nhiều nhất tại các tỉnh Đắk Nông( 600 ha), Đắk Lắk (500 ha), Lâm Đồng( 400 ha), Gia Lai và Kon Tum mỗi tỉnh dưới 100 ha.Triển vọng cây mắc ca trên vùng đất Tây Nguyên

Trên thế giới, tổng diện tích trồng cây mắc ca hiện nay khoảng 80.000 ha, được trồng ở 10 quốc gia và Việt Nam là quốc gia thứ 11 tham gia trồng mắc ca. Ông Martin Novak, chuyên gia về cây mắc ca đến từ Australia, cho biết: “Trên thế giới, cây mắc ca đã khẳng định được giá trị cao về kinh tế.  Tuy nhiên, đất để cho loại cây trồng này đứng chân đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe mà không phải bất kỳ quốc gia nào cũng đáp ứng được. Đó là lý do mà vì sao hiện chỉ mới có 11 quốc gia có trồng cây mắc ca”.

Từ thực tế của những nông dân Lâm Đồng trồng mắc ca cho thấy, loại cây này chỉ sau 3 năm trồng là cho quả; đến năm thứ 5, có thể đưa vào kinh doanh chính thức; đến khi định hình (khoảng 7 năm), mắc ca cho năng suất bình quân 5 tấn/ha. Bắt đầu từ năm thứ 5, cây mắc ca mang đến doanh thu cho nhà nông khoảng 700 triệu đồng, đến năm thứ 7 trở đi, con số này là hơn 1 tỷ đồng/ha.

Có thể trồng xen với cà phê, chè...

Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, mắc ca đối với Tây Nguyên là loại cây trồng hội đủ điều kiện để trở thành một cây công nghiệp chiến lược mới. Tuy nhiên, đây không phải là loại cây trồng để thay thế một trong những cây trồng được xem là chiến lược của Tây Nguyên như cà phê, chè, hồ tiêu...

Triển vọng cây mắc ca trên vùng đất Tây NguyênChọn được giống tốt, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây mắc ca sẽ đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Theo khảo sát của Cty cổ phần Him Lam, vùng Tây Nguyên có khoảng 1 triệu ha đất phù hợp cho việc phát triển cây mắc ca. Điều quan trọng là, việc trồng mắc ca ở Tây Nguyên không phải chỉ phát triển thuần trên vùng đất hoàn toàn mới, mà theo các nhà chuyên môn, loại cây này có đủ điều kiện để trồng xen trong những vườn cà phê, vườn chè...

Trên cơ sở này, hai đối tác là Cty cổ phần Him Lam và Lienviet Post bank đã lập đề án phát triển cây mắc ca vùng Tây Nguyên với kỳ vọng gây dựng được vùng mắc ca lớn nhất thế giới với 250.000ha và với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng; trong đó, vốn tín dụng chiếm hơn 20.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Lienviet Post bank, cho rằng: “Với nguồn vốn này, trong vòng 5 năm tới, kỳ vọng Tây Nguyên sẽ có diện tích mắc ca như đã tính toán”. Là địa phương tham gia trồng cây mắc ca, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, khẳng định: “Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển cây mắc ca trong thời gian tới.

Chúng tôi sẽ tập trung trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, khai thác có hiệu quả và đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với loại cây trồng chiến lược mới này. Và, rất có thể Lâm Đồng là vùng trọng điểm của cây mắc ca của Tây Nguyên và cả nước”. 

Thi Hoàng Lâm

Nguồn: http://baodansinh.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5863381 - Online: 51