›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 27/03/2017 10:32:41 GMT+7 | lượt xem: 497

Tín vật tình yêu của người Cơ Ho

Đêm đại ngàn mênh mang. Trăng và mây mải mê chơi trò cúp bắt. Lửa cháy rạo rực, rượu cần tràn môi, chếnh choáng, xênh xang. Nhịp chiêng giục giã vòng xoang mở rộng thêm, quay nhanh. Bất ngờ một đôi trai gái bị đẩy ra giữa vòng xoang. Giữa tiếng hò reo, khích lệ, cô gái cầm chuỗi cườm đeo vào cổ chàng trai.

Sau vài giây ngỡ ngàng, lúng túng, nụ cười rạng rỡ nở bung trên khuôn mặt ngập tràn hạnh phúc của chàng trai. “K’Hiếu nhận nhoòng của H’Mai, vậy là chúng nó sắp thành vợ chồng rồi!”-một bạn trẻ thốt lên.

Màn tỏ tình của sơn nữ Cơ Ho tên là Cơ Liêng H’Mai với chàng trai cùng buôn K’Hiếu trong một đêm xoang ở Thung lũng trăm năm, dưới chân núi Langbiang (Lâm Đồng) là biểu hiện sinh động về truyền thống mẫu hệ trong tình yêu và hôn nhân của người Cơ Ho. Không chỉ đề cao vai trò của người phụ nữ, người Cơ Ho còn xây dựng nên hệ thống giá trị cốt lõi với những chuẩn mực về ứng xử và các vật biểu tượng nhằm duy trì truyền thống đó. Và những chuỗi hạt cườm (tiếng Cơ Ho gọi là nhoòng) lộng lẫy, đủ màu sắc chính là yếu tố quan trọng nhất.

Cũng như nhiều dân tộc khác trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ Ho đặc biệt coi trọng những hạt cườm. Nhà giàu cườm đầy gùi, nhà nghèo chỉ vài xâu, thậm chí vài hạt, nhưng dù ít nhiều thì gia đình nào cũng phải có. “Con ơi đừng khóc, đã có sắn ở trong gùi. Con ơi đừng khóc, đã có khoai trên gác bếp. Cơm trắng đầy tô. Cườm quý đầy túi…”-lời bài hát của người Cơ Ho.

Chị K’Đông ở làng Darahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Với phụ nữ Cơ Ho, cườm là đồ trang sức không thể thiếu. Cũng như con chim phải đủ lông cánh, phụ nữ Cơ Ho ngoài váy, ui (xà-rông), bông tai, vòng tay phải có thêm chuỗi cườm mới tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh cho vẻ bề ngoài, khiến họ trở nên xinh đẹp, tự tin và quyền lực hơn. Cô gái nào có nhiều cườm càng chứng tỏ được sự giỏi giang, giàu có của bản thân và có nhiều cơ hội trong tình yêu.

Chị K’Đông giới thiệu về chuỗi hạt cườm của người phụ nữ Cơ Ho 

Ngày xưa, khi chưa có công nghệ chế tạo hàng loạt như hiện nay, thì hạt cườm được coi như một thứ hàng hóa cao cấp, đắt đỏ; một loại “tiền tệ” có thể phục vụ cho các hoạt động trao đổi mua bán trong cộng đồng.

Cườm Cơ Ho thường được chế tác bằng chất liệu đá mã não đủ màu sắc, có hình tròn hoặc hình bầu dục với nhiều kích cỡ khác nhau. Các màu tím, đen, đỏ quý hơn các màu khác. Người Cơ Ho không làm được cườm mà phải mua từ người Chăm. “Ngày xưa, một chuỗi cườm có thể đổi được một con trâu hoặc nhiều bò, heo. Bây giờ một chuỗi cườm cổ cũng có giá hàng chục triệu đồng”, chị K’Đông cho hay.

Đá mã não là những loại đá quý hoặc bán quý trong tự nhiên với nhiều màu sắc, độ cứng cao, nhưng khi tác động vào dễ bị giòn, vỡ vụn. Việc biến những hòn đá lớn thô mộc, xù xì thành những hạt cườm nhỏ li ti kích cỡ đồng đều, độ bóng cao và đặc biệt là có những lỗ nhỏ ở giữa để xâu thành chuỗi thể hiện trình độ chế tác vô cùng tinh xảo của người Chăm. Vì vậy, khi họ đưa lên những buôn làng trên cao nguyên để trao đổi, mua bán với các dân tộc khác, giá trị của những hạt cườm càng tăng lên gấp bội.

Không chỉ là của cải và trang sức, những chuỗi cườm còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Cơ Ho, nhất là trong tình yêu và hôn nhân. Các cô gái Cơ Ho đến tuổi “bắt chồng”, nếu “ưng cái bụng” một chàng trai nào đó, họ sẽ gửi cho chàng trai chuỗi hạt cườm thay cho lời tỏ tình rằng “em đã yêu anh”. Nếu chàng trai không từ chối nghĩa là chàng chấp nhận lời yêu. Đến lễ ăn hỏi, đồ sính lễ cũng nhất thiết phải có chuỗi cườm. Số lượng tùy thuộc vào sự thách cưới của nhà trai, hoặc khả năng kinh tế mà nhà gái có được. Lúc này, cườm không chỉ là món quà mang giá trị vật chất mà còn đóng vai trò thiêng liêng, là sợi dây gắn kết lứa đôi, là lời thề nguyện trọn đời thủy chung, tận hiến và không bao giờ phản bội của cô gái đối với người mình yêu. “Năm 1983, khi lấy chồng, mình phải mang một chiếc bát tô cùng 3 chuỗi hạt cườm, vượt hàng chục cây số đường rừng vào tận Đạ Tông để hỏi nó làm chồng mình. Những hạt cườm đó đã buộc chúng mình với nhau, sinh con đẻ cái, giúp chúng mình không bao giờ xa nhau”, bà Rơ Ông K’Hai, vợ của người anh hùng bưu điện Cil Múp ha K’riêng ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) kể.

Khi có gia đình riêng, cô gái cũng sẽ được mẹ trao cho một số chuỗi cườm làm của hồi môn. Nó sẽ được họ gìn giữ, trao truyền cho con gái như một thứ của cải, trang sức và tín vật của tình yêu quý giá, thiêng liêng. Cứ thế từ đời này sang đời khác, như câu yal yau mà bao thế hệ người Cơ Ho đã hát: “Con trai, con gái cùng xóm làng hãy cùng nhau dựng núi, hãy chặt ống lồ ô cùng nhau múc nước, hãy xỏ hạt cườm cho nhau, cùng chơi đùa, sướng vui trọn đời…”.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn: http://www.qdnd.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5808665 - Online: 62