›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 16/10/2014 04:12:42 GMT+7 | lượt xem: 693

Thao thức xã không đường, không chợ…!?

Lọt giữa đại ngàn, xã Phi Tô nằm biệt lập giữa tuyến giao thông liên xã Đạ Đờn, Phi Tô, Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đang "chiếm giữ” nhiều cái… không ? Đảng ủy và chính quyền địa phương đã nỗ lực vượt khó, thế nhưng nhiều điều kiện về con người và tự nhiên đang làm khó miền đất này!

Đường vào xã Phi Tô

Vật vã với giao thông…

 
Bí thư Đảng ủy xã Phi Tô Phạm Đức Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2020 xã được phân bổ vốn xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tích cực vận động sự đóng góp của người dân. Bên cạnh đó, xã sẽ vận động người dân cải thiện tuyến giao thông xuyên suốt xã và đường về các thôn, buôn theo Nghị quyết của HĐND xã. Hy vọng một ngày gần đây, xã Phi Tô không còn cảnh đói nghèo!
Xã Phi Tô được thành lập năm 1979, 25 năm sau tuyến đường liên xã Đạ Đờn, Phi Tô, Nam Hà được thảm nhựa phẳng mịn và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài 21km tạo ra tam giác kinh tế Đạ Đờn, Phi Tô, Nam Hà của huyện Lâm Hà. Trong đó, đoạn qua xã Phi Tô có chiều dài 8,8km được xem như huyết mạch duy nhất của địa phương. Theo đó, người dân xã Phi Tô bớt những nhọc nhằn trong việc giao lưu kinh tế - văn hóa với các xã bạn. 
 
Tính đến nay, tuyến giao thông Đạ Đờn, Phi Tô, Nam Hà mới sử dụng chưa được 10 năm đã và đang trở lại viễn cảnh con đường đất đỏ, lầy lội, bụi mù như khi mới thành lập xã cách đây 35 năm. Theo quốc lộ 27, tới ngã ba Đạ Đờn, chúng tôi đến xã Phi Tô qua địa phận Đạ Đờn trên con đường không ra đường, nhưng nó vẫn hàng ngày oằn mình "cõng” hàng trăm lượt xe có tải trọng vài chục tấn cát tha hồ cào xé mặt đường. Hậu quả, người dân địa phương lại phải tốn công, tốn của tự thân vận động đào đất, lấy đá để lấp vào những ổ voi, ổ gà với hy vọng để những phương tiện giao thông nông thôn có thể đi được.
 
Trên đoạn đường hơn 10km từ ngã ba Đạ Đờn giao với Quốc lộ 27 đến trung tâm xã Phi Tô, không có đến 100m thảm nhựa còn nguyên vẹn. Mặt đường hoàn toàn nham nhở, có đoạn không biết đi vào chỗ nào để khỏi bị lầy. Tiếp đến, đoạn qua xã Phi Tô tiếp giáp xã Nam Hà cũng lầy lội không kém. Một người dân thấy chúng tôi loay hoay đã chỉ đường vượt qua những ổ voi. Để chứng minh sự thật, bác nông dân bảo: Ngày nào tôi cũng đi làm rẫy nên thuộc đường rồi. Nói xong, bác lấy cái cán cuốc cắm xuống giữa một cái hố vắt ngang sâu 0,4 - 0,5m, choán hết bề rộng mặt đường. Thật khổ cho phương tiện nào vô ý rơi phải cái hố này.
 
Kết thúc chặng đầu hơn 10km, chúng tôi đến được xã Phi Tô sau gần một giờ vật vã với con đường. Anh bạn tôi nhìn con ngựa sắt nhem nhuốc, trầy trụa nhưng vẫn tỏ ra thán phục những người dân các xã Đạ Đờn, Phi Tô, Nam Hà mỗi ngày lưu thông trên cung đường này để đến với rẫy, với vườn. Chưa hết, đủ các loại hàng hóa nông sản như cà phê, đậu các loại, ngô, sắn… mỗi vụ có hộ dân thu hoạch vài chục tấn. Và, họ cũng cọc cạch vận chuyển sản phẩm làm ra về nhà một cách khó nhọc.
 
Đến với xã Phi Tô, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là hệ thống giao thông nơi đây còn manh mún. Cả xã, chỉ có 8,8km đường trầy trụa ổ voi và đá cục. Điều đáng nói, cung đường này là mạch nối xã Phi Tô với các địa phương khác bằng sự thao thức của chính quyền và người dân. Nhiều người dân cho biết, nhà nước cũng chưa có chính sách tái tạo con đường liên xã. Ngoài ra, giao thông liên thôn hầu như do người dân tự mở đường để tạo nên sự gắn kết, giao thương với nhau và hoàn toàn tự phát. Do không được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật nên hầu như qua mỗi mùa mưa các tuyến đường liên thôn lại hư hại nặng. Tổng diện tích tự nhiên của xã có 123,3km2 (chiếm 12,6% tổng diện tích huyện Lâm Hà) thế nhưng giao thông của xã chưa đạt 0,3 km đường/km2 diện tích. Đây là chỉ số quá thấp trong diễn trình nông thôn mới so với những địa phương khác.
 
Theo nhận xét của những chuyên gia kinh tế, muốn phát triển xã hội tất yếu phải có hệ thống giao thông ổn định. Vậy nên, với kết cấu hạ tầng về giao thông còn hạn chế như ở Phi Tô hiện nay, chắc chắn sẽ gặp muôn vàn khó khăn nếu không tìm được những giải pháp khắc phục có hiệu quả.
 
… Không thương mại
 
Năm 1999, xã Phi Tô mới chỉ có trên 3.000 nhân khẩu, đến nay xã có trên 5.000 người, trong đó có 2.250 nhân khẩu là người dân tộc tại chỗ (chiếm 45% dân số) sống tập trung tại 2 buôn. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc thiểu số nhập cư có đến 2.100 người (chiếm trên 75% số dân nhập cư) được tập trung tại 4 thôn còn lại của xã. So với các xã khác thuộc huyện Lâm Hà, dân số ở Phi Tô có mật độ khá thấp (trung bình 40 người/km2) nên đã làm hạn chế việc phát triển thương mại. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhưng còn manh nha, không thấy xuất hiện những mô hình kinh tế lớn. 
 
Theo thống kê của UBND xã, hiện nay không có bất kỳ hệ thống sản xuất nào được áp dụng khoa học công nghệ hiện đại. Phương thức sản xuất của người dân chủ yếu dựa vào phong tục, tập quán truyền thống. Đây là những nguyên nhân chính làm hạn chế năng suất cho các giống cây trồng và vật nuôi. Đồng thời, nguyên nhân này đã và đang làm gia tăng cái nghèo cho người dân nơi đây. Hiện nay về thương mại tại xã hơn 5.000 nhân khẩu này đang bị tê liệt. Thực phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày chủ yếu do người dân tự cung, tự cấp. Dọc theo xã chỉ vài cửa hàng tạp hóa bày bán lèo tèo những mớ rau, con cá, dăm ba cân thịt lợn bán cả ngày… được nhập về từ thị trấn Đinh Văn.
 
Trăn trở tìm giải pháp
 
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Phạm Đức Tuấn, ông bày tỏ: "Xã chúng tôi không có chợ, không có chùa chiền, không có nhà thờ… Vì vậy, người dân khi sinh hoạt văn hóa tôn giáo, kinh doanh tiêu dùng đều phải đến với những địa phương khác”. 
 
 Nhiều chính sách, chủ trương của Nhà nước đã và đang được áp dụng ở Phi Tô. Thực hiện Thông tư số 41/2013/TT – BNNPTNT ngày 4-10-2013 của Bộ NN&PTNT về Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, hiện nay Phi Tô đã đạt 5/19 tiêu chí, trong đó đáng quan tâm hơn cả là vấn đề an ninh – trật tự được tuyên truyền đến ý thức của người dân nên không có hiện trạng vi phạm. Nơi đây, chiếm đến 90% tổng số dân là người dân tộc thiểu số nên còn nhiều hạn chế về tư duy sản xuất. Theo đó, toàn xã có 152 hộ nghèo và cận nghèo là con số không nhỏ so với công tác xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Chính quyền xã đang nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2015 về cơ bản không còn hộ nghèo và cận nghèo. Đồng thời trình cấp trên xem xét những kế hoạch thu hút các nguồn đầu tư từ những tổ chức trong và ngoài tỉnh.
 
ĐOÀN XỨ THƯỢNG
Nguồn: http://daidoanket.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5816415 - Online: 22