›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 02/10/2014 09:26:34 GMT+7 | lượt xem: 567

Tây nguyên: Tăng cường bảo vệ đàn voi

Là một trong những loài động vật đặc trưng nhất của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn, voi rừng xuất hiện ở hầu hết các địa phương ở Tây Nguyên. Ngoài Đắc Lắk là địa phương mà đàn voi tập trung đông đúc, tại Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông cũng ghi nhận sự xuất hiện của loài vật khổng lồ nhưng không kém phần thân thiện này. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội và nhu cầu cuộc sống, nhiều cá thể voi vô tội đã bị săn bắt, giết hại để phục vụ những mục đích không chính đáng của một số người. Và nếu chúng ta không nhanh tay, có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn nữa, cả vùng Tây Nguyên này sẽ vắng bóng loài voi.

Số lượng đàn voi đang ngày một giảm nhanh

Những cá thể cuối cùng

Có thể nhận thấy ngay rằng, môi trường sống của loài voi là môi trường rừng tự nhiên hoang dã ngày nay đã bị thu hẹp một cách nhanh chóng ở khắp Tây Nguyên. Nghĩa là, nơi trú ngụ của loài sinh vật khổng lồ này đang bị đe dọa khiến cho chúng ngày càng khó sống hơn. Biểu hiện của việc đó là rất nhiều đàn voi thường xuyên xâm nhập vào những cánh đồng hoa màu, nông sản của người dân. Mặc dù vậy, ai cũng hiểu là do thể hình cực kỳ to lớn, có thể lên đến 3 tấn và tập quán sống theo bầy đàn, nên mỗi lần đàn voi đi qua, hầu hết những cánh đồng đó trở thành bình địa. Thế là, dù vô tình hay hữu ý thì chính những đàn voi đã bị coi là thủ phạm tàn phá hoa màu của người dân. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là môi trường sống của loài voi đã bị thu hẹp khiến chúng buộc phải di chuyển để tìm kiếm thức ăn. Vì vậy, nếu trong thời gian tới, những cánh rừng già nơi đây vẫn bị chặt phá, bị khai thác một cách vô tội vạ như trong thời gian qua, môi trường sống tự nhiên của loài voi và nhiều loài động thực vật hoang dã khác ở Tây Nguyên cũng có nguy cơ giảm sút và tuyệt chủng. Bởi vì, không có loài động vật hoang dã nào có thể tồn tại nếu môi trường sống, chuỗi thức ăn của chúng bị phá hủy.

Mặc dù vậy, đó chỉ là những nguy cơ tiềm ẩn về lâu dài bởi loài voi ở Tây Nguyên, với số lượng ước tính hàng trăm cá thể vẫn có thể di chuyển qua nhiều cánh rừng khác nhau để tồn tại, chống chọi lại với sự biến đổi của môi trường sống chung quanh thêm một thời gian nữa. Nguy cơ hiện hữu nhất với sự tồn vong vủa voi Tây Nguyên hiện nay lại là tình trạng săn bắn trái phép bởi những bộ phận trên cơ thể voi ngày nay được nhiều người săn lùng một cách gắt gao, đặc biệt là ngà voi. Do là một loài vật khổng lồ nên cách duy nhất mà những kẻ săn voi có thể sở hữu được cặp ngà voi quý giá có khi lên đến cả tỷ đồng là giết chết cá thể voi đó. Đây chính là nguyên nhân khiến hàng trăm cá thể voi bị săn lùng một cách gắt gao. Một thống kê của Viện sinh thái và Tài nguyên chỉ ra rằng, cách đây khoảng 30 năm, số lượng đàn voi ở Tây Nguyên là khoảng 500 còn và chúng vẫn có hướng phát triển bền vững. Nghĩa là khả năng sinh sản của đàn voi này vẫn giúp các cá thể tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, thực tiễn lại ngược hoàn toàn với số liệu thống kê bởi hiện nay, số lượng cá thể voi không những không tăng thêm mà còn giảm đi cực kỳ nghiêm trọng. Cụ thể, số lượng voi ở Tây Nguyên chỉ ước còn khoảng 120 cá thể và nguy hại hơn, do số lượng voi quá ít, khả năng sinh sản kém, đàn voi này có thể còn giảm tự nhiên (không tính săn bắt) nữa. Từ những nguyên nhân nêu trên, chúng ta hoàn toàn có thể thấy tương lai không mấy tươi sáng dành cho loài voi đang sinh sống trong tự nhiên ở Tây Nguyên nếu không có những biện pháp kịp thời và cần thiết để ngăn chặn.

Tuy nhiên, đó là những nguy cơ hiện hữu đối đàn voi rừng và ngày nay, ngay cả đàn voi nhà, những cá thể voi được thuần dưỡng cũng không cho thấy các tín hiệu lạc quan. Theo đó, hầu hết những cá thể voi này đều bị bắt phải làm việc nhiều để phục vụ những lợi ích của con người trong khi đời sống hoang dã của chúng không được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, voi là loài sống hoang dã nên voi thuần phục hầu như không thể sinh sản dù có để các cá thể đực và cái sống chung với nhau. Vì vậy, đàn voi nhà ngày càng bị suy kiệt do những cá thể voi già yếu chết đi. Để tăng cường đàn voi nhà, tất nhiên người dân phải săn bắt và thuần phục chúng từ đàn voi rừng. Nghĩa là, số lượng đàn voi tổng thể vẫn bị suy giảm mà khả năng sinh sản tự nhiên để tăng đàn của chúng ngày càng khó khăn vô cùng.

Chung tay bảo vệ đàn voi

Có thể nói, việc bảo vệ đàn voi ở Tây Nguyên là nhu cầu cực kỳ bức thiết và khẩn cấp bởi nếu không, chỉ một thời gian ngắn nữa, như nhiều loài vật quý hiếm khác ở Tây Nguyên, voi có thể bị tuyệt chủng mặc dù có thời gian, chúng còn được coi là “chủ nhân” thực sự của dải đất này với số lượng hàng trăm ngàn con, xuất hiện ở mọi hệ sinh thái rừng tự nhiên. Theo đó, rất nhiều các dự án đã được triển khai ở nhiều địa phương như Đắc Lắk với mục đích duy trì đàn voi nhà và phát triển đàn voi rừng. Mặc dù vậy, hầu hết các dự án này chưa nhận được sự hỗ trợ của những cơ quan tổ chức khác khiến chúng chỉ tồn tại trên giấy tờ, chưa sát với thực tiễn. Gần đây, theo một khảo sát ban đầu để làm cơ sở lập dự án Bảo tồn phát triển đàn voi châu Á ở Tây Nguyên, các nhà khoa học kiến nghị cần thành lập: Trung tâm bảo tồn voi với diện tích khoảng 200 ha, kinh phí 58 tỷ đồng. Trung tâm bảo tồn voi có các chức năng sau: “Bảo đảm điều kiện sinh sống, sinh sản và phát triển bầy đàn cho voi rừng và voi nhà, đào tạo lực lượng chuyên môn làm công tác bảo tồn và chăm sóc voi, hình thành bệnh viện phục vụ phòng chống dịch bệnh và nghiên cứu sinh sản cho voi, quan hệ với các tổ chức quốc tế để tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ bảo tồn, chăm sóc, phát triển đàn voi”. Có thể nói, nếu dự án của trung tâm này được thực hiện một cách đầy đủ và đúng đắn thì chúng ta sẽ có hy vọng cho sự phát triển bền vững của loài voi. Tuy nhiên, rất nhiều trở ngại và vướng mắc khi thực hiện dự án mà vấn đề mấu chốt vẫn là đất đai và tiền đầu tư khiến cho dự án bảo tồn loài voi này vẫn chưa thành hiện thực.

Tuy nhiên, với nhiều người dân ở Tây Nguyên, bảo tồn loài voi không đơn giản chỉ thành lập dự án và một khu bảo tồn là có thể cứu được cả đàn voi bởi tập quán sinh hoạt của voi là luôn luôn di chuyển theo đàn. Nghĩa là, chúng di cư từ vùng này sang vùng khác để tìm kiếm thức ăn. Hơn nữa, thức ăn của voi, là những rừng tre, nứa, lồ ô, rừng hỗn sinh… ngày nay cũng khan hiếm đi do nạn chặt phá rừng, đốt rừng tràn lan khiến chúng phải di chuyển trên những địa bàn rộng lớn hơn. Vì vậy, để bảo tồn loài voi, trước hết con người phải bảo tồn được môi trường sống và nguồn thức ăn của chúng. Đây là vấn đề liên quan không chỉ tới những dự án bảo tồn voi mà còn rất nhiều các cơ quan khác khiến cho tương lai của loài động vật to lớn này vẫn còn là một dấu hỏi.

Ngoài ra, cần tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân, đặc biệt là người dân bản địa ở Tây Nguyên về tầm quan trọng của voi trong hệ sinh thái môi trường sống của vùng đất này để đồng bào không tiếp tay cho nạn săn bắt voi trái phép. Thực tế, ngoài số lượng voi bị chết do già, yếu bệnh tật thì có tới trên 80% số lượng voi ở Tây Nguyên trong 30 năm qua bị chết do nạn săn bắt. Nghĩa là, khi ngăn chặn được tình trạng này, số lượng đàn voi rừng sẽ không còn phải sống trong cảnh bất an vì trốn chạy nữa. Vậy nhưng, để ngăn chặn nạn săn bắt voi trái phép là việc làm hết sức khó khăn do địa bàn rừng núi rộng lớn, thủ đoạn săn voi ngày càng tinh vi và phương thức cũng rất hiện đại, nhanh gọn.

Có thể nói, nguy cơ về sự biến mất của đàn voi Tây Nguyên đã ngày một hiện hữu bởi sự sụt giảm quá nhanh của chúng. Nó không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Tây Nguyên mà rộng hơn, cần sự chung tay bảo vệ của tất cả chúng ta cùng với cộng đồng quốc tế. Nếu không, trong một thời gian ngắn tới, những cá thể voi hùng dũng của núi rừng chỉ còn trong…huyền thoại mà thôi.

Đoàn Đại Trí

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5811982 - Online: 49