›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 18/12/2017 04:06:13 GMT+7 | lượt xem: 677

Phiêu mưa xứ B’Lao

Họ là những nhạc sĩ nổi tiếng, gặp nhau ở xứ B’Lao, lãnh nhận trách nhiệm đánh thức vùng đất này bằng âm nhạc.

Âm nhạc là đích đến

Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng chiều hôm đó đột nhiên mưa. Mưa cao nguyên rất ấn tượng. Mưa thốc thới. Mưa bừng vỡ. Mưa trắng trời. Sau khi đã trình diễn hết vẻ đẹp đầy nam tính, mưa bắt đầu nhường chỗ cho sương. Sương giăng giăng. Sương la đà. Sương mịt mùng. “Tôi chỉ việc thò tay ra ngoài là đã chạm phải sương. Sương trắng bồng, dày đặc như những đám mây vậy! Thật không thể ngờ là tôi lại gặp được cảnh tượng rất đẹp này tại đất B’Lao”, Nguyễn Văn Chung, nhạc sĩ của những tình khúc nổi tiếng, như: “Vầng trăng khóc”, “Nhật kí của mẹ”, “Mùa đông không lạnh”, “Chiếc khăn gió ấm”, “Con đường mưa”… tỏ rõ sự phấn khích khi bắt gặp chất điệu đặc trưng của đô thị xứ cao nguyên.

Trong không gian quyện đặc hơi sương ấy, câu chuyện về đất và người Bảo Lộc bỗng dưng nồng đượm hơn, lắng thấm hơn, lịm ngọt hơn. Bà Nguyễn Thị Huyền Phương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Bảo Lộc cho biết: “Trước kia, nhạc sĩ sáng tác về Bảo Lộc có thể kể đến, như: Lưu Hữu Phước, Đình Nghĩ, Nguyễn Ngọc Thiện, Dương Toàn Thiên… Trong đó, Bùi Ngọc Hùng, người con của xứ B’Lao, là nhạc sĩ sáng tác về vùng đất này nhiều hơn cả. Năm 2008, các tác phẩm  viết về Bảo Lộc đã được in trong tuyển tập Hương sắc B’Lao, gồm 16 ca khúc”.

Du khách thưởng thức trà B’Lao

Theo bà Phương, mỗi nhạc sĩ có một cách nhìn riêng. Chính cái nhìn riêng đó làm dày thêm ngôn ngữ âm nhạc. Do vậy, bà Phương mong muốn các nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh phát hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn của Bảo Lộc để sáng tác nhiều ca khúc hay gửi đến công chúng. Ông Lê Hoàng Phụng, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, chia sẻ, mặc dù là sáng tác theo thể thức địa phương ca nhưng không có nghĩa cứ phải đưa “cao nguyên” hay “Bảo Lộc” vào ca khúc thì nó mới thành ra Bảo Lộc. Ngôn ngữ âm nhạc có tạo ra sắc thái địa phương hay không mới quan trọng. Ông Phụng cho rằng: “Những tác phẩm như vậy thành công đến đâu, nó lại tùy thuộc vào sự rung cảm và tình yêu mà nhạc sĩ dành cho địa phương ấy sâu đậm mức nào”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, tác giả của các ca khúc: “Cơn mưa lao xao”, “Ngày đầu tiên đi học”, “Xúc xắc xúc xẻ”…, bảo: B’Lao xưa và Bảo Lộc nay là vùng đất ông từng đi qua, nhưng chưa có dịp đi sâu, tìm hiểu kĩ. Thế nên, ông hi vọng sau khi tìm hiểu, ông sẽ viết được những ca khúc về vùng đất này.

Nhiều ca khúc mới về Bảo Lộc

Ông Phạm Minh Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang, người đứng ra chắp nối cho các nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh thâm nhập thực tế trên đất B’Lao, trao đổi: “Sau khi tổ chức cho các nhạc sĩ thâm nhập thực tế để có thêm chất liệu sáng tác, chúng tôi sẽ xuất bản một tuyển tập âm nhạc. Trong tuyển tập này, chúng tôi dự kiến có ít nhất 10 ca khúc mới về TP Bảo Lộc. Các ca khúc sẽ đồng hành với Tuần Văn hóa Trà – Tơ lụa Lâm Đồng 2017, cũng như quảng bá về hình ảnh TP Bảo Lộc sau này”.

Theo ông Đăng, số kinh phí chi cho các khoản: Sáng tác, in ấn và phát hành vào khoảng 150 triệu đồng. Ông Đăng nói: “Tôi coi đấy là bước dạo chơi của mình trong khu vườn âm nhạc. Mà đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật thì không nên nói đến chuyện lời lãi hay thua lỗ. Tất nhiên, mọi chuyện đều nằm trong tính toán của người làm kinh doanh”.

Chưa biết rồi đây những ca khúc mới về Bảo Lộc sẽ như thế nào, nhưng động thái trên của ông Đăng rất đáng trân trọng. Bởi qua sự kết nối này, các nhạc sĩ không chỉ được trải nghiệm, ngắm nhìn những đồi trà xanh mơn man cùng những cô sơn nữ đeo gùi luôn nở nụ cười vẫy chào khách đậm chất văn hóa cao nguyên, mà còn là dịp để các nhạc sĩ gặp nhau trong niềm vui phiêu lãng. Niềm vui ấy sẽ là chất xúc tác để các nhạc sĩ sáng tác cho vùng đất B’Lao. “Mong rằng, qua âm nhạc, Bảo Lộc sẽ trở thành điểm đến của du khách thập phương, chứ không chỉ là một nơi ngang qua như trước đây”, ông Đăng kì vọng.

DJ RING

Nguồn: Người cao tuổi cuối tuần; số 192 (2136); thứ sáu ngày 1 - 12 - 2017; tr 6



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5817315 - Online: 23