›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ ba, ngày 04/10/2016 09:58:08 GMT+7 | lượt xem: 1009

Nức tiếng cà phê Xuân Trường – Cầu Đất

Vài năm trở lại đây, HTX Xuân Trường – Cầu Đất (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tập hợp hàng chục nông dân để trồng cà phê bền vững, hướng tới đưa sản phẩm cà phê vào mạng lưới cà phê Fairtrade (cà phê thương mại công bằng) thế giới, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác phát triển Ailen – Đại sứ quán Ailen và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI).

Cà phê nhân được phân loại kỹ lưỡng trước khi cung cấp ra thị trường nước ngoài. Ảnh TS

Anh Võ Khanh, Chủ tịch HĐQT, GĐ HTX Xuân Trường – Cầu Đất chia sẻ, quê hương anh vốn nổi tiếng với cà phê Arabica. Nhưng do giá cả bấp bênh, cây cà phê lại hay bị tác động bởi thời tiết khí hậu nên cuộc sống của người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi cán bộ CDI tới vận động thành lập HTX cà phê, anh sẵn sàng, cùng 30 nông dân trồng cà phê trong thôn sản xuất cà phê thương mại công bằng, với mong muốn nâng cao giá trị cho hạt Arabica xứ núi Cầu Đất.

Hiện HTX Xuân Trường – Cầu Đất có tổng diện tích là 45 ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường sản lượng 130 tấn cà phê nhân sạch, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về cà phê sạch của thị trường thế giới. Tham gia vào HTX, các thành viên được tập huấn về sản xuất cà phê áp dụng tiêu chuẩn thương mại công bằng, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và các khóa tập huấn nâng cao năng lực.

HTX khuyến khích các hộ nông dân bảo tồn giống cà phê của địa phương thông qua các mô hình vườn ươm và chăm sóc cây áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Xã viên sản xuất cà phê phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường; quy trình chăm sóc, thu hoạch cà phê tuân thủ nghiêm ngặt theo chương trình cà phê bền vững được chứng nhận thương mại công bằng Fairtrade.

Ngoài ra, các hộ nông dân còn phải tuân thủ yêu cầu thu hoạch quả chín đạt trên 90%, không được ủ bao, không ngâm nước quá 24h và phải được xay trong ngày để đảm bảo cho chất lượng cà phê ngon nhất. Cà phê sau khi được tách vỏ phải được phơi trong nhà kính, trên nền xi măng hoặc sàn phơi cách đất.

Quy trình sản xuất và sơ chế cà phê được cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ máy móc, trang thiết bị thông qua Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Công ty Cổ phần Thương mại Công bằng xanh, các thành viên trong HTX được hướng dẫn đào tạo về quy trình sản xuất áp dụng tiêu chuẩn Fairtrade từ khâu trồng cho đến khâu thu hoạch, chế biến theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, Trưởng phòng Phát triển cộng đồng của CDI chia sẻ, vùng Cầu Đất có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cây cà phê Arabica. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do, người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn và dự án cà phê công bằng hướng tới việc giúp cộng đồng dân cư trồng cà phê nơi đây trở thành một tập thể vững vàng, nâng cao chất lượng hạt cà phê, xây dựng thương hiệu và gia nhập thị trường cà phê Fairtrade châu Á.

“Mục đích lớn nhất của dự án là chúng tôi giúp tập thể nông dân ở đây ý thức được vị trí, vai trò của mình trong chuỗi giá trị hạt cà phê, nâng cao năng lực đàm phán và khả năng tiếp cận thị trường, để sau này chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.

Sản xuất cà phê công bằng là khi HTX có thu nhập, sẽ trích từ 20-30% để hỗ trợ cộng đồng xung quanh. Được biết, trên thị trường thế giới, những nơi sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Fairtrade được t-hu mua và tiêu thụ với giá cao hơn thị trường bình thường, người tiêu dùng các nước phát triển cũng chấp nhận mua với giá khác biệt bởi ngoài chất lượng, đây còn là cách họ đóng góp với xã hội, tiêu dùng có trách nhiệm với cộng đồng.

Sản phẩm cà phê nhân của HTX Cầu Đất – Xuân Trường được cấp chứng nhận thương mại công bằng của Tổ chức Quốc tế và dán nhãn thương mại công bằng (FLO).

Sản phẩm cà phê nhân HTX Xuân Trường – Cầu Đất đạt top 100 sản phẩm uy tín, chất lượng năm 2016. Ảnh: TS

Theo anh Khanh, với phương thức trồng cà phê theo kiểu mới này, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu rệp, tuy năng suất giảm nhưng giá cả ổn định, quan trọng hơn là giữ vững được thương hiệu cà phê vùng Cầu Đất. Nói chung bà con đang trong giai đoạn đầu tiên tìm hiểu về sản xuất cà phê công bằng, hiển nhiên khi bắt đầu luôn gặp một số khó khăn nhưng chúng tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu, hướng dẫn xã viên trồng cà phê sạch để có sản phẩm theo đúng chuẩn Fairtrade.

                                                                                                                                                                                                                                                                                 Thanh Sa

             Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam; số 184 (5118); thứ tư 14.9.2016; tr 7



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5859103 - Online: 155