›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 16/10/2014 03:30:01 GMT+7 | lượt xem: 614

Những cử nhân trẻ và dịch vụ “Alo Care”

Ba nữ sinh viên vừa tốt nghiệp mạnh dạn làm chủ dự án một cơ sở chăm sóc sức khỏe tại nhà mang tên Alo Care lần đầu tiên có mặt ở Đà Lạt (Lâm Đồng).

Đâu Thị Vân chăm sóc vết thương tại nhà cho khách hàng từ một cuộc điện thoại đến dịch vụ sáng 6-10 - Ảnh: C.Thành

Ba bạn trẻ mới tròn 22 tuổi và vừa tốt nghiệp ĐH Yersin đầu năm 2014. Trước đó một năm, để ý tưởng trở thành hiện thực, ba cô gái đã lên chương trình tỉ mỉ, vất vả đi gặp các bác sĩ đề nghị hỗ trợ liên kết dự án nhưng đều nhận được những cái lắc đầu thiếu tin tưởng.

Ý tưởng khó tin

Nguyễn Thị Hồng Hạnh - tốt nghiệp ngành điều dưỡng ĐH Yersin Đà Lạt, chủ dự án - là một trong những sinh viên đoạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard 2013” do Tổ chức L’Appel và Tập đoàn Pernod Ricard (Pháp) thực hiện.

Đề tài đoạt giải của nhóm năm 2013 là dự án chăm sóc sức khỏe tại nhà Alo Care đã được đánh giá cao. Thế nhưng, từ đề tài, ý tưởng tới hiện thực là một quãng đường khá dài.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay khởi nghiệp, Hạnh kể: “Khi liên hệ gặp các bác sĩ chuyên khoa, vừa nhìn nét mặt non choẹt của tân cử nhân mới ra trường chúng tôi, các bác sĩ hầu hết đều từ chối thẳng thừng, người khác nhẹ nhàng hơn thì tìm cách khước từ khéo léo”.

Theo Hạnh, lý do các bác sĩ đưa ra là dịch vụ chăm sóc tại nhà không mới, các bệnh nhân tới khám tại bệnh viện công hoặc phòng khám tư nếu có nhu cầu bác sĩ vẫn có thể tới tận nhà khám, chữa bệnh. Ngoài ra, thời gian của bác sĩ hầu hết đều eo hẹp, nhu cầu khám chữa bệnh tại bệnh viện, phòng khám tư cũng đã quá tải.

Thế là những người đưa ra ý tưởng phải chứng minh thêm một thực tế từ bệnh viện lớn tại Đà Lạt đang bị quá tải mỗi ngày, rất nhiều bệnh nhân như người già, trẻ em... có nhu cầu tư vấn, thăm khám theo dõi tại nhà lớn ra sao.

Nhiều tháng trời Hạnh và nhóm của mình phải tìm kiếm các dự án thành công tương tự ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành khác để thuyết phục các đối tác nhưng mọi thứ vẫn đi vào ngõ cụt. 

Đồng sự của Hạnh, Nguyễn Thị Hồng, chia sẻ về dự án: “Chính ba mẹ tôi cũng không tin tưởng vì dự án cần nhiều nguồn lực hỗ trợ, kinh phí, cần nhiều thời gian... trong khi chúng tôi còn quá trẻ và chưa thật sự có nhiều kinh nghiệm ngoài lòng đam mê về dự án”.

Có lúc nhóm đã nản chí, buông xuôi nhưng niềm tin vào dự án lớn dần hằng ngày khi họ trải nghiệm thực tế ở nơi thực tập, làm việc... tại các bệnh viện. Niềm hi vọng cứ nhen nhóm dần khi sự chia sẻ về nhu cầu khám chữa bệnh tại nhà của bệnh nhân ngày càng nhiều lên.

Ngoài Hạnh và Hồng, tham gia nhóm còn có Đậu Thị Vân, cả ba đều 22 tuổi, mới tốt nghiệp khoa điều dưỡng ĐH Yersin.

Ngoài số vốn ban đầu được giải ngân từ giải thưởng là 50 triệu đồng, họ chỉ huy động thêm được 30 triệu đồng để mua các trang thiết bị y tế cần thiết. Hạnh và các cộng sự thỏa thuận làm việc không lương trong giai đoạn đầu.

Giấc mơ về trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Ngày 2-10-2014, một cơ sở chăm sóc sức khỏe tại nhà đặt ở Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Lâm Đồng được khai trương. Chúng tôi đến thăm cơ sở vào ngày thứ tư sau khi dự án đi vào hoạt động.

Đang nói chuyện thì chuông reo, một cuộc điện thoại tại phường 7, thành phố Đà Lạt đi kèm yêu cầu nhân viên cơ sở tới nhà truyền dịch và rút chỉ vết thương. Vân nhanh chóng lấy hộp y tế lên xe máy chạy tới địa chỉ yêu cầu.

Vòng vèo qua nhiều con hẻm nhỏ, Vân vào căn phòng nhỏ của anh Lê Mạnh Hồng (30 tuổi) trên đường Hùng Vương. Vị khách hàng cho biết anh tiếp cận dịch vụ qua tờ rơi trong hoàn cảnh đơn chiếc của mình. Anh Hồng hiện ở một mình, không có người thân đưa đi bệnh viện cắt chỉ vết thương, việc một cô điều dưỡng tươi tắn xuất hiện với sự chăm sóc và những lời thăm hỏi tận tình quả là một “phép mầu dịch vụ” không chỉ với anh mà với cư dân thành phố này.

“Thấy tờ rơi quảng cáo dịch vụ chăm sóc tại nhà tôi gọi thử. Rất bất ngờ, chỉ 20 phút sau dù trời mưa lớn nhưng vẫn có nhân viên tới tận nhà đúng giờ. Gần hai giờ chăm sóc vết thương với chi phí 90.000 đồng quả là tiện lợi!”- anh Hồng vui vẻ nhận xét trong lúc Vân bôi thuốc sát trùng lên các vết thương. Sáng nay dịch vụ của họ có ba khách hàng.

Một con số đầy hi vọng khi dịch vụ của các bạn trẻ chỉ mới khai trương được bốn ngày.

Bác sĩ Ngô Sĩ Thanh - khoa Đông y Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Lâm Đồng, người chịu trách nhiệm chuyên môn cho dự án - có lẽ là người vui nhất mỗi khi có điện thoại từ khách hàng.

“Đây là dự án nhiều triển vọng, mới mẻ từ ý tưởng của các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân. Trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn do lực lượng còn mỏng, lực lượng y bác sĩ liên kết chưa nhiều nhưng chúng tôi tin tưởng dự án sẽ dần mở rộng và thuyết phục mọi người bằng chất lượng dịch vụ” - bác sĩ Thanh nói.

Hạnh cho biết sắp tới sẽ tiếp tục liên kết với bác sĩ các bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Hoàn Mỹ Đà Lạt... để mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng hơn nữa.

“Trong tương lai không xa, khi mà cơ sở của chúng tôi phát triển đủ mạnh về nhân lực, tài chính, việc phát triển lên thành một trung tâm điều trị, chăm sóc sức khỏe tại nhà... là trong tầm tay” - Hạnh mơ ước.

Dự án sẽ giải ngân theo từng đợt

Cơ sở chăm sóc sức khỏe tại nhà Alo Care được thành lập trên cơ sở đề tài đoạt giải nhất của nhóm sinh viên ĐH Yersin Đà Lạt trong cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard 2013” do Tổ chức L’Appel và Tập đoàn Pernod Ricard (Pháp) thực hiện.

Cuộc thi dành cho những dự án kinh doanh của sinh viên và cựu sinh viên các trường ĐH - CĐ tại Đà Lạt. Với giải thưởng này, nhóm sinh viên sẽ được ban tổ chức hỗ trợ 100 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp nhưng chia làm nhiều đợt.

Giai đoạn đầu, Tổ chức Penorrica đã hỗ trợ dự án 50 triệu đồng.

Sau khi dự án đi vào hoạt động, các chuyên viên Penorrica khảo sát tiến độ dự án và hỗ trợ 50 triệu đồng tiếp theo.

CHÍNH THÀNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5863036 - Online: 50