›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ tư, ngày 03/01/2018 04:21:46 GMT+7 | lượt xem: 402

Người truyền lửa cho thanh niên phố núi

Một người chưa từng đặt chân đến Trường Sa nhưng đã tìm tòi, nghiên cứu kỹ càng và thấu đáo về cuộc sống trên đảo, để khi có dịp đến thăm, người đó đã lỉnh kỉnh mang theo bao nhiêu thứ “đồ nghề”, bắt tay vào triển khai ngay và luôn phương pháp trồng rau mới phù hợp với điều kiện tự nhiên giúp quân và dân đảo Trường Sa cải thiện đời sống. Người thanh niên đó là Phan Thanh Sang, chủ trang trại YSA Orchid Farm đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên việt nam tỉnh Lâm Đồng (nhiệm kỳ 2014 - 2019).

Phan Thanh Sang và một góc vườn rau ở Trường Sa. Ảnh | Thảo Hương

Nặng lòng với biển đảo

Gọi vào điện thoại của Sang, giọng hát thật đẹp của ca sĩ Trọng Tấn vang lên rộn rã thay cho tiếng chuông điện thoại thông thường: Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa... Có vẻ như bầu nhiệt huyết của hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017 vẫn còn nguyên vẹn trong tim chàng trai trẻ.

Điểm cuối cùng trong nhật ký hành trình đến chín điểm đảo là nhà giàn DK1. Cuồn cuộn cảm xúc của cả chuyến đi, tại đó trong hơn tiếng rưỡi đồng hồ, Phan Thanh Sang đã viết xong bài cảm nghĩ để tham gia cuộc thi Khát vọng Trường Sa. Không lâu sau đó bài dự thi của anh đạt giải nhì. Trong bài có đoạn: “Những ngày hành trình trên biển, tôi được chứng kiến những khó khăn vất vả của các chiến sĩ nhưng cũng thấy được tinh thần lạc quan, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để cố gắng chịu gian khổ khó khăn hy sinh gìn giữ môi trường ổn định hòa bình để đất nước phát triển... Làm sao để các bạn trẻ ý thức nhiều hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, mỗi người một việc, hãy cùng chia sẻ đoàn kết để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh để mãi là chỗ dựa về tinh thần vật chất vững chắc cho Trường Sa...”.

Vốn tốt nghiệp bằng đỏ khoa nông lâm Đại học Đà Lạt, Phan Thanh Sang có kiến thức sâu về lĩnh vực nông nghiệp – trồng trọt. Trước những biến động thời cuộc, những câu chuyện thời sự nóng hổi về biển đảo, về an ninh chủ quyền, như nhiều người trẻ, anh cũng nung nấu được đóng góp phần nào công sức cho đất nước. Trường Sa đang cần gì? Mình đóng góp được gì cho Trường Sa? Giải pháp nào giúp quân, dân đảo có phương pháp trồng rau mới, phù hợp hơn? Nung nấu trong đầu ý nghĩ đó, Sang tìm tòi, đọc, học, thử nghiệm... khó từ đâu thì gỡ từ đó. Giải pháp Trồng rau tiết kiệm nước của từ ý tưởng, dần thành hình và được tính toán kỹ càng hơn. Thời cơ đã đến. Tháng tư năm 2017, Sang vinh dự được Trung ương Đoàn chọn tham gia Hành trình Tuổi trẻ Vì biển đảo quê hương. Anh tự tay mua bán chuẩn bị mang theo toàn bộ vật dụng để xây dựng các vườn rau theo phương pháp mới bảo đảm tiêu chí tiết kiệm nước và ánh sáng phù hợp.

Phan Thanh Sang giới thiệu mô hình Làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương, Đà Lạt, Lâm Đồng.Ảnh | Vũ Mạnh

Đặt chân đến các điểm đảo, Sang khẩn trương bắt tay vào việc thiết kế vườn rau. Anh trực tiếp cùng quân dân trên đảo làm vườn rau, làm nhà kính có mái che, bể chứa nước... tất cả được tính toán thiết kế kỹ càng. Anh đưa mẹo dùng rêu rừng độc đáo vào trồng rau. Vốn dĩ rêu rừng đặc tính rất xốp, có khả năng giữ ẩm tốt. Ngâm rêu trong nước rồi trộn cùng đất làm giá thể thì vườn rau có thể vượt qua được những đợt khô hạn kéo dài. Miệng nói tay làm tai nghe, anh tận dụng tối đa quỹ thời gian trên các đảo để chuyển giao cho người dân phương pháp trồng rau mới một cách nhanh và hiệu quả nhất có thể. Ngoài ra, anh còn sử dụng mảng phủ đen và lưới xám che mát, cung cấp lượng ánh sáng vừa đủ để có thể giúp rau tránh nắng, hạn chế thoát hơi nước. Mô hình nhà kính được thiết kế có bể chứa nước mưa ngầm bằng bê-tông trữ cho mùa khô, phía trên phủ một lớp đất khoảng 60cm để trồng rau.

Nhà kính che phủ ba lớp: lớp trong che bằng lưới dệt kim loại xám trắng giúp làm mát nhưng vẫn đủ ánh sáng. Lớp giữa là nilon giảm nhiệt nhập từ Israel có khả năng hạn chế tia cực tím và bụi. Mái này cố định và làm theo hình mái vòm hở để không khí lưu thông nhưng nước mưa không vào được. Lớp ngoài cùng là lưới che mát di động dùng vào mùa nắng gắt từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều kéo bằng tay dễ dàng. Có thể dùng tay quay, đóng, mở nilon tùy theo điều kiện thời tiết, thích ứng hai mùa mưa nắng rõ rệt ở Trường Sa: mưa thì quay nilon xuống, nắng thì quay nilon lên cho thông thoáng. Trong nhà kính được lắp quạt hẹn giờ để lưu thông không khí, thuận lợi cho sự phát triển của rau. Bởi thực tế ở Trường Sa tình trạng không khí ứ đọng gây nên tình trạng rệp, nhện đỏ phát triển mạnh phá hoại rau cũng như cây cối trên đảo.

Với con mắt của người gắn bó với nông nghiệp, hai tuần ở đảo Sang cũng tư vấn và giúp quân dân xử lý triệt để tình trạng sâu hại ăn lá trên cây bàng vuông bằng biện pháp cơ học trong giai đoạn sâu làm kén. Anh tư vấn các chiến sĩ thu gom lá bị sâu hại và đốt để tiêu diệt triệt để, sau đó bón phân lại để cây cho lứa lá mới.

Đặt chân đến điểm đảo nào, Sang cũng trợ giúp quân dân ở đó kiến thức nhà nông. Biết là không thể đủ, anh chủ động trao đổi số điện thoại để nếu bà con gặp vướng mắc cần sự hỗ trợ giúp đỡ về sau anh luôn sẵn sàng...

Trăn trở về một nền nông nghiệp đa ngành

Từ đam mê khoa học, đến sự nghiêm túc trong kiến thức thu nạp từ ngành học và sở thích cá nhân, ngay từ lúc còn là sinh viên, Sang đã tạo dựng được một trang trại hoa lan để có thêm tiền trang trải việc học hành, đồng thời cũng là cách để vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Đầu năm ngoái, Phan Thanh Sang bắt đầu mở rộng mô hình trồng lan đến những nơi có khí hậu nóng hơn Đà Lạt như Ninh Thuận, với quy mô lớn hơn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại chỗ cho địa phương. Đến đâu Sang cũng chủ động phối hợp với tỉnh đoàn, hội liên hiệp thanh niên, hội nông dân... để giúp đỡ, hỗ trợ bà con giao lưu học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm lập thân lập nghiệp. Anh vẫn quan niệm: Mình lan tỏa được niềm đam mê làm nông nghiệp sinh thái đến cho mọi người thì bản thân mình cũng sẽ mạnh mẽ, vững vàng hơn.

Với khát vọng tìm hiểu và không ngừng học hỏi, Sang đã tìm đến nhiều kênh có thể mang lại cho anh cơ hội được giao lưu học tập ở các quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao: các chương trình hợp tác quốc tế học tập tại Nhật Bản, Malaysia, Thái-lan nhằm thực hiện dự án hỗ trợ tỉnh nhà xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải tạo môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ cho các thanh niên trẻ của tỉnh nhà tìm kiếm các cơ hội học tập, mở rộng tầm nhìn.

Học hỏi và áp dụng trực tiếp vào đời sống, đến nay, Phan Thanh Sang tạo dựng được một vườn lan rộng hơn 4ha, có phòng thí nghiệm, vườn hoa phục vụ du lịch... Với quỹ đất gần 7.000 m2 tại Đà Lạt cùng 10 ha đất nông nghiệp của người dân Đạ Ròn (Đơn Dương), Sang mạnh dạn vận động người dân xây dựng khu phố Hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt) thành làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương. Anh cùng bà con thử nghiệm mở rộng diện tích trồng hoa lan, sen, xương rồng, dâu tây thủy canh, rau sạch của Hợp tác xã Xuân Hương, hoa cắt cành các loại. Mới đây anh còn khuyến khích mở rộng thêm cà-phê sách khởi nghiệp nơi giới thiệu những sản phẩm khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên địa phương...

Hồ hởi truyền cảm hứng, say mê với công việc, chàng trai trẻ Phan Thanh Sang luôn trăn trở làm thế nào để các mô hình phát triển nông nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp hoạt động mạnh và hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực như việc làm cho thanh niên, xóa đói, giảm nghèo cho bà con... Với những đóng góp của mình, anh vinh dự là gương mặt trẻ duy nhất được Trung ương Đoàn đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017.

BÌNH NHI

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5863754 - Online: 43