›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 16/10/2014 03:03:21 GMT+7 | lượt xem: 350

Người nông dân sáng chế bộ phận chống trộm thông minh

Anh Nguyễn Văn Thanh (37 tuổi), ngụ tại xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã sáng chế thành công các thiết bị chống trộm cực kỳ hiện đại.

Thiết bị chống trộm do anh Thanh sáng chế là khi phát hiện kẻ xấu trộm tài sản, một phần mềm sẽ tự động gọi điện báo cho chủ tài sản biết mối nguy cơ đe dọa bị mất tài sản đang sắp sửa xảy ra.

Sáng chế độc đáo trên của anh Thanh xuất phát từ việc trước đây gia đình anh thường xuyên bị kẻ xấu phá cửa trộm tài sản. Để ngăn chặn tình trạng này, suốt 2 năm qua anh đã tự mày mò, nghiên cứu. Anh Thanh tâm sự, người được ăn học tử tế, để sáng chế ra một thiết bị đã là điều hiếm hoi, còn với anh, một người mới học đến lớp 8, việc sáng chế gặp vô vàn khó khăn. Cũng may, trước đó anh có “học lỏm” ít kiến thức về cơ khí, điện tử, nên đã hỗ trợ cho anh rất nhiều. Vừa qua, anh Thanh thành công trong việc chế tạo thiết bị chống trộm cực kỳ thông minh.

Hệ thống chống trộm của anh Thanh được kết nối với điện thoại của chủ sở hữu tài sản bằng một phần mềm do chính anh sáng chế. Phần mềm này có thể gắn bất cứ nơi nào trong nhà, chỉ cần kẻ xấu cạy cửa, phá khóa lập tức hệ thống phát ra cảnh báo bằng cách tự động gọi tới điện thoại của chủ nhà trong khi tại địa điểm kẻ xấu đột nhập không phát ra bất cứ âm thanh nào. Anh Thanh cho biết, để tạo ra thiết bị chống trộm thông minh này, anh đã "phá hư" khoảng 30 chiếc điện thoại cùng nhiều thiết bị đắt tiền khác.

Anh Nguyễn Văn Thanh bên bộ phận chống trộm của xe gắn máy.

Theo anh Thanh, phức tạp nhất trong lúc nghiên cứu, sáng chế là sử dụng sim công cộng nhưng khi điều khiển lại mang tính cá nhân tuyệt đối. Tức trong phầm mềm do anh Thanh sáng chế có gắn một sim điện thoại. Sim này được mã hóa với sim trong điện thoại của gia chủ. Khi phát hiện kẻ trộm, thiết bị này sẽ gọi vào sim điện thoại của chủ tài sản. Do sử dụng sim của nhà mạng nên khoảng cách cảnh báo giữa nơi gắn thiết bị chống trộm và nơi có điện thoại của gia chủ là không bị giới hạn, miễn là nơi đó có sóng. 


Cũng với thiết bị chống trộm này, anh Thanh đã nâng cấp đến mức độ tối ưu khi gắn cho xe máy. Thiết bị chống trộm dành cho xe máy được mã hóa 2 mức độ khác nhau. Mức độ một cho phép dắt xe đi nhưng không nổ được máy. Khi để xe ở bãi, bảo vệ có thể dắt xe để sắp xếp. Mức độ 2, không dắt được xe, cũng không thể nổ được máy. Khi đã bật hệ thống chống trộm, nếu kẻ xấu có hành vi trộm xe lập tức phần mềm gắn trong xe sẽ gọi vào điện thoại cảnh báo cho chủ xe biết đang có người tác động và dịch chuyển vị trí chiếc xe.

Hiện tại, mỗi ngày có hàng chục người gọi điện hoặc trực tiếp đến nhà đặt thiết bị chống trộm dành cho xe gắn máy nhưng hầu hết trong số đó anh Thanh đều từ chối. Anh Thanh chỉ bán ra với số lượng rất hạn chế, chủ yếu dành cho người thân quen. Sở dĩ anh chưa muốn tung sản phẩm của mình ra thị trường vì rất sợ bị đánh cắp thành quả lao động, nghiên cứu vốn rất khổ cực.

Mới đây, một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã đặt anh Thanh sáng chế một hệ thống vừa có khả năng chống trộm y như kiểu dành cho xe gắn máy nhưng lại tích hợp luôn khả năng điều khiển đóng mở cửa xếp tự động bằng điện thoại di động thay vì phải dùng remote điều khiển và bị giới hạn về không gian như hiện nay. Anh Thanh cho biết, dùng hệ thống chống trộm tích hợp điều khiển đóng, mở cửa xếp tự động bằng điện thoại sẽ khiến người sử dụng hài lòng.

Anh Thanh nói: “Một ông chủ có nhà kho dùng cửa xếp đặt tại Hà Nội đang đi công tác tại Sài Gòn, đến giờ mở cửa cho công nhân vào làm việc chỉ cần dùng điện thoại gọi vào sim gắn trong hệ thống lập tức cửa xếp này sẽ mở ra giống như đang cầm remote điều khiển. Muốn đóng cửa xếp này cũng chỉ cần tạo cuộc gọi nhỡ là hệ thống tự động điều khiển đóng cửa lại. Cũng với kho này, khi bọm trộm muốn đột nhập vào nhà kho, hệ thống cũng sẽ gọi điện báo cho chủ kho biết. Lúc này chủ kho chỉ cần nhấc điện thoại lên gọi cho Công an đến hiện trường tóm bọm trộm”. Đặc biệt, ở hệ thống lắp cho cửa xếp có thể kết nối với nhiều điện thoại cùng lúc bằng một mã hóa. Chỉ có những điện thoại được mã hóa với hệ thống khi gọi điện tới mới phát huy tác dụng, những điện thoại khác gọi đến đều bị vô hiệu.

Mong muốn của anh Thanh hiện nay là được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, thẩm định nếu đủ điều kiện thì cấp bằng sáng chế cho anh. Trước đó, thông qua một công ty tại TP. HCM, anh Nguyễn Văn Thanh đã ủy quyền cho công ty này làm việc với các cơ quan chức năng để được cấp bằng sáng chế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả

Kim Ngân

Nguồn: http://www.cand.com.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5817338 - Online: 21