›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 05/11/2018 08:21:53 GMT+7 | lượt xem: 782

Người Lâm Đồng đầu tư tiền tỷ nuôi yến

Thời gian qua, tại các huyện Đạ Huoai, Lâm Hà, Bảo Lâm, Cát Tiên, TP Bảo Lộc…người dân ồ ạt đầu tư tiền nuôi yến với những ngôi nhà cao tầng dẫn dụ chim yến mọc lên san sát. Tuy nhiên, không chỉ rủi ro cho người nuôi, việc nhiều nhà yến mọc lên giữa khu dân cư cũng khiến chính quyền và nhiều người dân lo ngại.

Một nhà yến đang được xây dựng tại tổ dân phố 7, thị trấn Madaguôi, 

huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Khoảng 2 năm trở lại đây, hàng trăm người dân ở các huyện Đạ Huoai, Lâm Hà, Bảo Lâm, Cát Tiên, TP Bảo Lộc…tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng nhà nuôi chim yến. Dù có nhiều quan ngại, song chính quyền vẫn chưa có phương án quản lý mô hình mới này.

Dốc tiền tỷ nuôi yến

Nơi được xem là “thủ phủ” nghề yến ở tỉnh Lâm Đồng là thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai với những ngôi nhà cao tầng dẫn dụ chim yến mọc lên san sát. Ông Lưu Thanh Quang (ở tổ dân phố 7, thị trấn Madagui) - một người chuyên thiết kế và xây dựng nhà yến - cho biết riêng ở tổ dân phố 7 và 8, thị trấn Madagui đã có khoảng 80-90 ngôi nhà yến và tương lai sẽ tăng lên nhanh chóng.

Ông Quang kể lại, cách đây chục năm, nghề nuôi yến xuất hiện ở một gia đình ở tổ dân phố 7, thị trấn Madagui. Hàng tháng, nhà yến này cho thu hoạch khoảng 500-600 triệu đồng với sản lượng 35-40kg yến/tháng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, người dân xung quanh bắt đầu đầu tư theo. Hiện, một vài nhà đã có thu hoạch trên 100 triệu đồng/tháng.

Khi thông tin về nghề nuôi yến được biết đến, nhiều nhà đầu tư ở TP HCM, Bà Rịa, Đồng Nai đã lên tận thị trấn Madaguôi để tìm mua đất xây nhà yến. Do đó, giá đất ở khu vực này tăng lên chóng mặt.

“Cách đây 2 năm, tôi mua đất khu này để xây nhà yến thì giá đất chỉ ở mức 10-11 triệu đồng 1 mét chiều ngang. Bây giờ, miếng bên cạnh nhà tôi có người trả giá 55 triệu đồng/1 mét chiều ngang” - ông Quang nói.

Nói về triển vọng của nghề nuôi chim yến, ông Võ Đình Hoàng - một người nuôi yến ở thị trấn Madagui, cho rằng: “Huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng là nơi khá thích hợp cho nghề nuôi yến bởi khí hậu và độ ẩm phù hợp. Khu vực này được còn bao bọc bởi rừng nên nguồn thức ăn tự nhiên của yến rất dồi dào. Hiện tại giá yến thô bán ra là 24 triệu đồng/kg. Nhưng nếu rớt xuống 10 triệu/kg thì nghề này vẫn sống được”.

Theo ông Hoàng, chi phí để xây dựng nhà nuôi chim yến cùng các vật dụng như máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống internet, máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến... khoảng 4-5 triệu đồng/m2. Sau 3 năm, chủ đầu tư có thể thu hồi vốn và có lời từ năm thứ 4.

Như vậy, tính trung bình để xây dựng một nhà yến 3 tầng thì chi phí phải trên 900 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai đầu tư vào nghề yến cũng thành công. Không ít gia đình vung tiền tỷ đầu tư xây nhà dụ chim nhưng thất bại vì sai kỹ thuật, yến không chịu kéo đến làm tổ.

Ông Nguyễn Hóa (ở tổ dân phố 8, thị trấn Madagui) cho biết, gia đình ông cũng đã gom góp vốn liếng và vay thêm ngân hàng để đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây nhà dụ nuôi yến. Nhưng nhà xây xong đã nửa năm nay mà vẫn chỉ có vài con yến đến ở. Nhiều hộ dân bên cạnh cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Địa phương lúng túng

Không chỉ rủi ro cho người nuôi, việc nhiều nhà yến mọc lên giữa khu dân cư cũng khiến chính quyền và nhiều người dân lo ngại. “Cứ mỗi chiều về, cả xóm lại nhức đầu vì tiếng chim yến cộng với âm thanh phát ra của những chiếc loa dụ chim. Nhiều nhà dân ở đây bao năm dùng nước mưa để sinh hoạt nhưng từ ngày có chim yến là không dám dùng nữa vì yến bay, thải phân đầy trên mái nhà rất mất vệ sinh” - anh Xuân Tú, một người dân ở khu phố 8, thị trấn Madagui bức xúc.

Ở góc độ chính quyền, ông Nguyễn Duy Quyến - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi cũng ngại vấn đề tiếng ồn và nhất là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, do là một ngành mới nên chúng tôi chưa biết quản lý theo văn bản nào”. Hiện nay, chính quyền chỉ quản lý về mặt xây dựng. Tức là chỉ cưỡng chế nhà nào xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc xây dựng không đúng như giấy phép.

Với một mô hình kinh tế mới, không chỉ chính quyền lúng túng, chính những người nuôi yến cũng hoang mang vì chưa được hướng dẫn cụ thể. Ông Hoàng cho biết: “Ở một nơi chưa có mô hình kinh tế nổi bật, nếu phát triển một mô hình mới và đem lại thu nhập cho người dân thì chính quyền nên tạo điều kiện. Chúng tôi mong sớm có quy định để yên tâm đầu tư hơn”.

Trao đổi vấn đề này, ông Đặng Hùng Việt - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết, UBND huyện đã kiến nghị Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng xem xét để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp về công tác quản lý nghề nuôi yến.

Khương Quỳnh

Nguồn:Đại đoàn kết ; số 304; thứ tư; ngày 31/10/2018

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5811708 - Online: 49