›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ sáu, ngày 30/12/2016 10:50:51 GMT+7 | lượt xem: 542

Nghề đan lát truyền thống của người Mạ

Với sự cần cù khéo léo, người Mạ đã “thổi hồn” vào mây, tre, nứa, tạo ra những sản phẩm giản dị nhưng đầy tiện lợi, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc mình với những kiểu dáng và hoa văn trang trí trên nó.

Chọn và xử lý nguyên liệu

Nghề đan lát đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người đan trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu cuối cùng thành sản phẩm.
Nguyên liệu dùng trong đan lát của người Mạ thường được khai thác từ thiên nhiên ở các đồi núi quanh địa bàn cư trú, bao gồm các loại cây thuộc họ tre (tre, nứa, lồ ô…) hoặc loại dây leo (mây, cói, dây rừng…). ngoài ra, còn có các loại vỏ cây (sâm lũ, sim rừng, cóc rừng, gạo...), các loại vỏ cây này mềm nhưng có độ dai rất tốt để làm đế hoặc dây quai cho sản phẩm.

Những nguyên liệu này được lựa chọn bằng kinh nghiệm thực tế của người đan. Họ thường chọn những cây tre có độ tuổi từ 3 năm trở lên, vì nếu tre non thì rất giòn, dễ gãy và chỉ chặt vào những ngày cuối tháng không có trăng, bởi vì cây tre đầu tháng chứa nhiều nước nên mất nhiều thời gian khi sấy và dễ bị mọt. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo. Đồng thời những cây mây, tre phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không phải nối nhiều đoạn.

Những sản phẩm đan lát dùng trong sinh hoạt hàng ngày của người Mạ.

Sau khi đã chọn được mây, tre đủ tiêu chuẩn, người đan sẽ bắt tay vào việc vót nan. Công đoạn vót nan cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện cho một sản phẩm đẹp, do đó đòi hỏi người đan phải có kinh nghiệm. chẻ nan mỏng hay dày là tuỳ thuộc vào sản phẩm sẽ được đan. Chẻ nan xong thì phải chuốt nan sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở. Nan chuốt xong đem treo lên giàn bếp trong một thời gian nhất định mới đan được.

Tạo dáng và hoa văn cho sản phẩm

Với kỹ thuật đan theo kiểu cài lóng mốt, lóng đôi, lóng ba hoặc cài nan hình lục giác… cùng kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp và tinh vi đầy sức sáng tạo, người Mạ đã tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm đan lát. Từ đồ đựng, phương tiện vận chuyển đến một số vật dụng được dùng trong các nghi lễ, với các kiểu dáng sản phẩm rất phong phú như: gùi có thân cuốn hình trụ, đáy vuông; nia hình lá đề (hay còn gọi nia hình trái tim); rá đựng cơm miệng tròn, đế hình vuông; chụp mối hình chóp; lồng nhốt cá hình hình trụ tròn; chuồng nhốt gà các loại (hình khum có đáy chữ nhật; hình khối vuông có chóp tròn và vô vàn những hình khối khác). Tùy từng loại sản phẩm, người Mạ sử dụng những kỹ thuật đan khác nhau. Đan gùi có nắp là khó nhất, nắp gùi phải dùng kỹ thuật đan xiên là kỹ thuật phức tạp và khó đan, không phải ai cũng đan được.

Các họa tiết hoa văn trên sản phẩm đan lát của người Mạ thường chỉ đơn giản vài vòng đen với khoảng cách xa nhau chạy quanh thân và phần miệng của gùi. Hoặc những hoa văn hình móng chân chó, hình vỏ rùa... chạy những đường viền ở chiếu. hoa văn trên đồ đan của người Mạ hạn chế ở hai màu cơ bản: màu sẵn có của mây, tre, nứa, lồ ô và màu đen được nhuộm từ hoa, quả, lá cây mọc trong rừng hoặc hun khói.

              Những sản phẩm đan lát dùng trong sinh hoạt hàng ngày của người Mạ.

Mặc dù không phải là nghề tăng thêm thu nhập thường xuyên trong gia đình, nhưng sản phẩm đan lát đã trở thành những vật dụng hết sức cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày của người Mạ. Bởi thế mà nghề đan lát cứ được truyền từ đời này sang đời khác.

Ngày nay, ở nhiều địa điểm du lịch của Đà Lạt người ta treo những chiếc gùi xinh xắn của các cư dân bản địa nơi đây, để khách du lịch đến chụp hình và những hộp đựng trang sức nhỏ nhắn là món quà lưu niệm rất dễ thương đối với du khách khi đến với Tây Nguyên.


Thanh Bình

 

Nguồn: Làng Việt; số 71; Tháng 6.2016; tr 18 - 19


 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5808949 - Online: 75