›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 11/06/2018 10:35:04 GMT+7 | lượt xem: 584

NCT xã Tân Lâm, huyện Di Linh, Lâm Đồng: Dựa cây cà phê mở rộng kinh doanh làm giàu

Giá cà phê lên xuống thất thường. Nếu cứ chăm bẵm vào mỗi cây cà phê có thể rủi ro cao. Một số NCT xã có cùng suy nghĩ vươn lên thoát nghèo nhờ cây cà phê nhưng khi có đủ điều kiện, thời cơ là bung ra, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh, dịch vụ để làm giàu vững chắc. Chúng tôi được Hội NCT huyện và xã giới thiệu gặp hai hội viên NCT làm kinh tế giỏi của xã.

Tính toán cẩn thận để tránh rủi ro

     Ông Hồ Quốc Phú (67 tuổi), gốc Thừa Thiên Huế, hội viên Hội NCT chọn đất Di Linh khởi nghiệp từ năm 1994. Ban đầu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ông sửa xe máy rồi thu mua cà phê bán lại lấy lời. Dành dụm được tiền ông mua đất trồng cây cà phê. Chịu khó học hỏi những người đi trước về kinh nghiệm, kĩ thuật trồng, chăm bón cây cà phê.
     Sau khi chia đất cho 4 con, ông còn hơn 8 mẫu cà phê, bên cạnh đó còn mở rộng các dịch vụ mua bán phân, gạo, cho thuê bàn ghế, nấu ăn… Cả năm ông thu nhập vài tỉ đồng. Trong đó, thu nhập từ cây cà phê chiếm hơn một nửa. Các con ông đều được học hành chu đáo, có công việc làm ổn định. Ông Phú chia sẻ: “Không tập trung hết vào làm vườn, làm rẫy mà quan trọng là biết kết hợp thêm kinh doanh, dịch vụ. Cái gốc vẫn là cây cà phê. Hạn chế phải vay mượn, tránh kiểu ăn trước trả sau mà không có tích lũy. Trong kinh doanh, sản xuất phải tính toán cẩn thận để tránh rủi ro”.

Làm vườn kết hợp chăn nuôi, buôn bán
     Năm 1999, vợ chồng ông Nguyễn Văn Liên và bà Nguyễn Thị Thêm quê Vĩnh Phúc, từ Đồng Nai lên Di Linh lập nghiệp. Ông Liên mua lại căn nhà gỗ và 1, 2 mẫu đất trồng cây cà phê. Hai vợ chồng cần cù với nương rẫy và tranh thủ làm thuê cắt cành, bỏ phân… cho nhiều chủ vườn cà phê trong xã. Tích cóp được ít tiền ông Liên mua thêm đất chung quanh. Thu hoạch cà phê trên diện tích 3, 5 mẫu, ông bà có đồng ra đồng vào, cuộc sống đỡ phần vất vả.
     Ngoài việc trồng cà phê, vợ chồng ông còn chăn nuôi heo. Từ 2 heo nái ban đầu nhân rộng lên 24 con. Vẫn giữ cái gốc là cây cà phê, ông Liên kinh doanh thêm phân bón, gạo, thức ăn gia súc… Nhờ có nguồn phân từ đàn heo nên chi phí cho việc chăm bón cây cà phê giảm nhiều. Mô hình “khép kín” này mang lại lợi ích kinh tế khá cao. Vừa rồi, ông xuất chuồng 70 con heo thịt. Trại còn 15 heo nái và 50 heo thịt. Giá cà phê, heo thịt ổn định gần đây mang lại thu nhập cho vợ chồng ông hơn 1 tỉ đồng/năm. Hỏi vì sao vô Hội NCT từ năm 55 tuổi, ông Liên cho biết các cụ trong hội động viên ông giúp cho việc quản lí tài chính hội nên ông vui vẻ tham gia…
     Theo ông Liên, vừa làm vườn vừa chăn nuôi sẽ tận dụng được nguồn phân bón. Thêm kinh doanh gạo, phân bón vừa cho mình dùng vừa phục vụ bà con thôn xã lại có thêm thu nhập cho sinh hoạt gia đình. Trừ những ngày mùa thu hoạch cà phê phải thuê thêm nhân công còn thì ông “ôm” hết từ chăn nuôi, chăm vườn đến vận chuyển gạo thóc, phân bón…“Gầy gầy vậy chứ ít người theo nổi tôi”, ông Liên tự tin nói.

Bài & ảnh Lê Kung Diễm

Nguồn: http://ngaymoionline.com.vn

 

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5863598 - Online: 30