›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 06/08/2018 10:02:41 GMT+7 | lượt xem: 427

Lòng thiện sưởi ấm những mảnh đời éo le ở Madagui

Những cơn đau buốt nhói bên trong cái đầu méo mó, sứt sẹo vì tự đập vào tường. Những ánh mắt ngây dại, ngơ ngác không biết tương lai phía trước ra sao. Những đôi chân, đôi tay bất động buông thõng trên giường, những cái ôm xiết không rời khi người lạ đến thăm…là một góc nhỏ cuộc sống ở nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi Madagui - Lâm Đồng nhiều năm nay.

Số phận nghiệt ngã

Xuôi theo Quốc lộ 20, ngay cửa ngõ tỉnh Lâm Đồng, địa phận giáp với Đồng Nai, Trung tâm Bảo trợ xã hội Madagui đón khách với chiếc cổng vòm quấn dây leo xanh mướt. 

Trong không gian sạch sẽ, yên tĩnh, ngoài những đứa trẻ khỏe mạnh đang chơi đùa vô tư, có những thân hình nhỏ bé nằm bất động, những khối hình học di chuyển khó khăn, những tiếng la hét, kêu khóc, đấm, đá… vì đau. Chúng đều là những mảnh đời bất hạnh không biết nói, nằm hoặc ngồi đó nhìn ngày tháng trôi đi mà không biết tương lai mình sẽ ra sao.

Khi chúng tôi đến, Vinh, 10 tuổi đang bị trói một chân vào thành giường. Cậu bé dùng hai tay liên tục đánh vào mặt, vào đầu mình kèm theo tiếng rên la ú ớ. Đầu Vinh cạo trọc lóc, chỗ lồi, chỗ lõm, sẹo cũ, sẹo mới chồng lên nhau chi chít. 

Các cô bảo mẫu nói mỗi ngày Vinh lên cơn động kinh nhiều lần. Khi không lên cơn, em rất ngoan, chơi vui vẻ với bạn bè và rất hay bày tỏ tình cảm với các “mẹ”. 

Tuy nhiên, số lần lên cơn của Vinh ngày một tăng, 10 năm kể từ khi vào trung tâm, dù được đưa đi chạy chữa khắp nơi, bác sĩ cũng chỉ biết kê cho em loại thuốc an thần để làm  dịu cơn đau. 

Không biết nói, mỗi lần lên cơn đau, Vinh chỉ biết đập đầu vào bất cứ chỗ nào mà em nghĩ rằng sẽ giúp mình bớt đau. Bị các cô giữ lại, cậu bé lấy tay đấm mạnh vào đầu. 

Mỗi khi lên cơn, 3 cô bảo mẫu phải phối hợp trói chân, giữ chặt tay và ghì người Vinh thật chặt để cho em uống thuốc. Trong cơn đau, có khi em vùng vẫy đá văng các cô hoặc tung cú đấm thép vào đầu mình nhưng lại chệch vào mặt các bảo mẫu. 

Việc cho Vinh uống thuốc thực sự là một cuộc “đấu vật” - theo như lời các cô. Nhưng vì thương em phải chịu đựng cơn đau, ai cũng cố gắng để cho được Vinh uống thuốc. Có thuốc vào, con đau dịu từ từ và Vinh chìm dần vào giấc ngủ kéo dài từ 1 đến 2 giờ. Tỉnh dậy, tự chơi được một lúc, Vinh lại tiếp tục lên cơn…

Các em nhỏ ở trung tâm

“Vinh vào đây từ lúc mới 1 tuổi. Khi đó em ở cùng bà nội, bố mẹ em đã mất hay còn sống, chúng tôi không biết. Bà nội Vinh lúc đó đã già yếu nên trung tâm nhận em về nuôi dưỡng. Ban đầu bà nội cũng chịu khó qua thăm cháu, dần dần không qua rồi mất liên lạc hẳn. Vinh hay trốn ra ngoài chơi, nhiều lúc các cô chạy đi tìm sợ muốn thót tim. Trước mặt là quốc lộ, sau lưng là rừng, bé mà đi lạc là các cô tìm muốn chết luôn. Vì vậy đôi lúc bận quá, các cô phải cột chân Vinh lại để em khỏi chạy đi. Được cái lúc tỉnh táo Vinh rất ngoan, lúc đau đớn cũng chỉ tự đánh vào đầu mình chứ không làm hại người khác bao giờ”, cô Kiều - phụ trách trung tâm chia sẻ.

Khác với Vinh - có khuôn mặt và đôi mắt đờ đẫn vì uống thuốc an thần quá nhiều, Tuấn là một cậu bé trắng trẻo, đẹp trai và sở hữu đôi mắt to, rất có hồn. Tuấn 12 tuổi, bị liệt tứ chi, không biết nói, chỉ nằm một chỗ nhìn các bạn chơi đùa với ánh mắt thèm thuồng. Tuấn cũng không biết nói, chỉ có thể giao tiếp bằng ánh mắt. 

Khi tôi đến, ngồi xuống cạnh em, lấy tay xoa gáy và tai, Tuấn lim dim mắt cảm nhận. Tưởng Tuấn ngủ, tôi rút nhẹ tay ra, cậu bé mở choàng mắt, như sợ người đang bên cạnh mình sẽ đi mất. Tuấn trả lời những câu hỏi của tôi bằng cách chớp chớp mắt đồng tình. Và rồi đôi mắt ấy rơm rớm nước khi tôi rời đi. Có cảm giác như nếu tôi cố nán lại chút nữa, bao nhiêu năm tháng cô đơn tích tụ trong đôi mắt kia sẽ ầng ậc trào ra. 

Mới trước khi gặp Tuấn, Quyên, cô bé mắc hội chứng down cứ đến gần tôi là ôm ghì, kéo sát tôi vào người, thì thầm: “Cô là mẹ con phải không. Vậy cô đừng đi, cô cho con về nhà đi”. Tôi thấy lại câu hỏi đó trong đôi mắt long lanh nước của Tuấn. Đôi tay tê liệt bao năm của em cố nhúc nhích làm ra cử chỉ muốn giữ người lạ ở lại với mình.

Tuấn sẽ còn nằm lại ở đó bao nhiêu năm nữa, chứng kiến bốn bức tường là cuộc sống của mình. Nghe tiếng của những đứa trẻ khỏe mạnh nô đùa rộn rã ngoài kia mà lực bất tòng tâm. Đã tật nguyền còn mồ côi, nhìn dáng nằm co ro của Tuấn, chúng tôi thấm thía hơn bao giờ hết ý nghĩa của từ “sống mòn”.

Vinh, Tuấn, Quyên… còn có cái tên khai sinh như mọi đứa trẻ khác để gọi, Kang Gu Ru là cô bé duy nhất được cả trung tâm yêu thương lấy tên loài chuột túi để gọi em. Kang Gu Ru không có tên khai sinh, được gửi vào trung tâm từ khi vừa sinh ra. Những biểu hiện của em giống như một người bị mắc các bệnh liên quan đến não. Cô Kiều kể, nhìn em bước thấp bước cao ngày hôm nay, không ai có thể tin được cách đây 7, 8 năm, Kang Gu Ru nằm lê lết một chỗ, ngơ ngác, hoang dại như một chú chuột túi vừa sinh.

“Gia đình Kang Gu Ru mang em đến đây gửi nhưng xét thấy em còn gia đình, họ hàng nên ban đầu chúng tôi không nhận. Nhưng gia đình vẫn bỏ em lại. Thế nên chúng tôi đón em về, vì nếu không đón, có thể họ sẽ đem con em mình đi bỏ ở chỗ khác”, cô Kiều kể câu chuyện buồn về việc Kang Gu Ru xuất hiện ở trung tâm.

Do cơ thể Kang Gu Ru mềm nhũn như thể không có xương sống, mỗi khi đến giờ ăn, các cô phải cột hai tay hai chân và cơ thể em dựa vào thành cũi, sau đó, cứ em ngóc đầu lên là các cô đút cho ăn. Khi mới vào trung tâm, Kang Gu Ru phải ăn bằng cách bơm trực tiếp cháo hoặc sữa qua xi lanh vào miệng.

Sau nhiều năm các cô kiên trì đồng hành cùng em tập vật lý trị liệu, Kang Gu Ru đã tự đi lại được nếu có người dắt tay kéo em đứng dậy. Không thể nói, cũng không đủ khôn ngoan để biểu cảm bằng ánh mắt nhưng khuôn mặt của Kang Gu Ru lúc nào cũng vui tươi phơi phới. Có khi đang đi, em ngồi phịch xuống đất và ngủ ngay trong tư thế ngồi. Sau vài chục phút lại cố gắng lết đứng dậy và đi lại… 

Cô Kiều nói, hành trình từ nằm bẹp một chỗ đến một đứa trẻ khỏe mạnh có thể tự đi lại của Kang Gu Ru đúng là một phép màu mà đến giờ cô vẫn không dám tin. Buồn một nỗi những người thân của em từ đó đến nay chưa từng có ai quay lại để chứng kiến sự kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng cho cô bé này.

Giữa những đứa trẻ mồ côi khỏe mạnh, rạng rỡ, Tuấn, Vinh, Quyên, Kang Gu Ru…giống như những nhát chém lạnh lùng của số phận, giáng xuống những tấm thân nhỏ bé. Thật may, các em vẫn được bao bọc trong tình thương yêu của cô Kiều và các mẹ khác ở đây. 

Chỉ tiếc, những người đã phôi thai nên các em, lại nhẫn tâm bỏ lại con em mình, không một lần quay đầu nhìn lại. Có thể bố mẹ các em đang sống ở đâu đó quanh đây, nhưng những số phận bất hạnh kia thêm một lần bất hạnh vì đã tật nguyền, lại còn mồ côi bên chính người thân của mình.

Điều đặc biệt ở trung tâm bảo trợ xã hội Madagui

Với tổng số hơn 50 trẻ đang được nuôi dưỡng, cơ sở vật chất khang trang, nơi đây đặc biệt hơn rất nhiều so với những nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi chúng tôi đã từng đến. 

Cô chủ nhiệm tên Kiều, ngoài 50 tuổi là một phụ nữ góa chồng. Con cái kết hôn rồi ra ở riêng, cô tình nguyện vào ở hẳn trong trung tâm, gắn bó cuộc đời còn lại của mình với những số phận trẻ thơ bất hạnh. Cô thuộc làu lý lịch, tính cách, sở thích, thói quen từng bé. Những đứa trẻ ở đây cũng yêu quí, luôn gọi cô với cái tên trìu mến: “Mẹ Kiều”. 

Tiếp đoàn thiện nguyện từ TP Hồ Chí Minh xuống, người đứng đầu trung tâm khoác vội chiếc áo vest, chân vẫn đi đôi dép trong nhà, tóc chưa kịp chải, bế em bé 8 tháng tuổi, vừa ra đón khách. Vừa trả lời những câu hỏi của khách, cô vừa chơi với con, chỉ sợ lơ mắt đi chỗ khác, mấy đứa trẻ có thể chạy vù ra đường hay lên núi rồi mất hút.

Dù chỉ có 4 bảo mẫu kiêm cấp dưỡng, một lái xe kiêm kế toán, hành chính kiêm hướng nghiệp… nhưng mọi hoạt động ở trung tâm này đều được vận hành trơn tru, dù thu nhập của các thành viên ở đây chỉ vẻn vẹn 2 triệu đồng một tháng.

Nhìn sàn nhà, chỗ ngủ của các em, nhà vệ sinh, nhà bếp đều rất sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, chúng tôi thấy thương cho những em bé đang phải ở dưới những ngôi nhà mái lá, ngủ san sát nhau trên sàn nhà, nhếch nhác và bẩn thỉu vì đông đúc và nóng bức… Nhưng đó lại là những nơi đông các nhà hảo tâm viếng thăm nhất.

Những đứa trẻ ở đây đều sạch sẽ, ngoan ngoãn. Có lẽ đây là trung tâm ít khách tới thăm, nên các em không có tâm lý mong ngóng, đòi quà hay “diễn sâu” như một số nơi nuôi dạy trẻ mồ côi mà chúng tôi từng đến. Ở những trung tâm đó, những em bé lớn cỡ trên 10 tuổi, nhiều bé có khả năng dựng lên cả một câu chuyện lâm ly lấy nước mắt khách ghé thăm để họ có thể mở ví và cho riêng em một ít tiền hoặc sau đó trở về mua tặng món đồ mà các em bày tỏ là rất mong muốn.

Rời Madagui trong cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng 5, trong tiếng hát tạm biệt non nớt của những cô cậu bé mồ côi, chợt thấy đời vẫn đẹp biết bao, khi trong kia, có những chú chim bé nhỏ đang hồn nhiên vui cười, nhảy múa, yêu thương như chưa từng biết mình được sinh ra từ những nhát chém vô tình của số phận.

Châu Mỹ

Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5689698 - Online: 41