›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 28/11/2016 08:23:30 GMT+7 | lượt xem: 425

Ký&Phóng sự: Lang thang vùng trà Bảo Lộc

Vài năm trở lại đây, du khách đến với Đà Lạt - Lâm Đồng, nhiều người nói đến các vườn trà Bảo Lộc. Xanh rì một màu tươi non đến chân trời, ai cũng có cảm giác như đang lạc trong một thảm lụa xanh mềm mại, ngát hương.

  Bảo Lộc nằm trên tuyến quốc lộ 20, cách thành phố Đà Lạt khoảng 110km, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 190km, cách thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 100km. Ngày 8.4.2010, Chính phủ đã ra Nghị quyết thành lập thành phố Bảo Lộc (trực thuộc tỉnh Lâm Đồng). Bảo Lộc có ba dạng địa hình chính: Núi cao, đồi dốc và thung lũng. Các khối bazan nơi này bị chia cắt mạnh tạo nên các ngọn đồi và các dải đồi dốc có đỉnh tương đối bằng với độ cao phổ biến từ 800 đến 850m. Độ dốc sườn đồi lớn, rất dễ bị xói mòn, dạng địa hình này chiếm 79,8% tổng diện tích toàn thành phố, là địa bàn sản xuất cây lâu năm như chè, cà phê, dâu. Cây trà (chè) ở đây có một lịch sử gần cả trăm năm, đã khẳng định “tên tuổi” trong nước và quốc tế. Bảo Lộc có nhiều thắng cảnh như đèo Bảo Lộc, thác Đam Bri, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình, suối Tân Thanh… Bên cạnh các thắng cảnh thiên nhiên đó là những đồi chè thoai thoải xanh mướt, hàng thông cả trăm năm tuổi, xa kia là những ngọn núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm đã làm nên một Bảo Lộc rất thơ mộng, đẹp lạ kỳ. Theo UBND tỉnh, mục tiêu cụ thể cho du lịch Lâm Đồng năm 2015 là đón từ 4,5 - 5 triệu lượt du khách; con số này của năm 2020 là hơn 6,5 triệu lượt và năm 2030 là 15 triệu lượt. Cùng đó, một số chỉ tiêu khác cũng tăng dần lên như mức thu nhập xã hội từ du lịch năm 2015 đạt khoảng 10.000 tỉ đồng; con số này vào năm 2020 là 13.000 tỉ đồng và năm 2030 là 20.000 tỉ đồng. Những cái mốc về phát triển du lịch Lâm Đồng được các nhà hoạch định chiến lược đặt ra là hoàn toàn có cơ sở; và dĩ nhiên, một trong những nền tảng căn bản mang tính quyết định cho sự thành bại đó là thương hiệu du lịch Đà Lạt. Như vậy, vấn đề vô cùng quan trọng đó là Đà Lạt làm thế nào để tiếp tục phát huy thương hiệu du lịch của chính mình - một thương hiệu mà không phải bất kỳ thành phố du lịch nào trong cả nước cũng có được.

Đồi trà ô long tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc.

Hùng vĩ Đam Bri

Chúng tôi đã nhiều lần đến với Bảo Lộc, một thành phố rất đẹp và huyền ảo. Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển, Bảo Lộc không nóng như Sài Gòn, cũng không lạnh như Đà Lạt. Thành phố ôn hòa này quanh năm xanh mát với nhiệt độ trung bình vào khoảng 21 - 230C. Ít nắng, nhiều mưa và sương mù bao phủ nhiều ngày trong năm - những đặc điểm về thời tiết khiến cho thành phố Bảo Lộc trở nên nên thơ và lãng mạn không kém Đà Lạt. Lần này, có cô bạn tên Trang đang làm việc ở bên Nhật về chơi, mới đặt chân đến Sài Gòn, đã than thở: “Bên đó đã đông đúc, về đây lại ngột ngạt hơn. “Phượt” đi anh”. Biết mình đã già, đi xe gắn máy, nhất lại đèo dốc, đành hoãn binh: “Đi Bảo Lộc bằng xe đò, đến đó thuê xe máy phượt tiếp”. Biết Trang mê trà đạo của Nhật, tôi bảo: “Đến đó lang thang đồi trà ô long, thích đấy”. Đến Bảo Lộc tầm trưa, vì không phải là một thành phố du lịch điển hình nên rất khó tìm một nơi cho thuê xe ở Bảo Lộc. Chúng tôi tấp vào một số khách sạn rất may là thuê được cái xe “Wave” khá là ngon lành. Làm tô hủ tíu Nam Vang, chủ quán là người Campuchia nấu, ăn khá ngon, rồi chúng tôi lên xe máy lên đường. Cách trung tâm TP. Bảo Lộc 18km về hướng Tây, thác Đambri được xem là thác nước cao và hùng vĩ nhất tỉnh Lâm Đồng, với ngọn thác cao 60m đổ ầm ầm tuôn bọt trắng xóa ngày đêm. Bao quanh thác là khu rừng nguyên sinh vẫn còn hoang sơ, rộng 300ha với hệ sinh thái phong phú, có nhiều loài chim quý hiếm. Chính vì lợi thế về thiên nhiên và địa hình nên Đambri đã được đầu tư khai thác du lịch, du khách đến đây ngoài tham quan, tắm thác còn được tham gia các trò chơi vui nhộn, khám phá rừng nguyên sinh… Đambri là niềm tự hào của cao nguyên Bảo Lộc với vẻ đẹp hoang dã, không dễ khuất phục. Dòng nước mát lạnh, trong vắt luôn hấp dẫn du khách thỏa sức vẫy vùng. Sau mỗi cơn mưa, cầu vồng hiện ra trong sương mù lãng đãng, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Chúng tôi chinh phục thác bằng cách đi bộ khoảng 138 bậc, cũng đã thấm mệt, kiếm bậc đá ngồi nghỉ, tôi nói: “Giới trẻ thích lên săn mây giữa cổng trời, hay ta về vùng trà?”. Trang trả lời rất nhanh: “Ghé thăm đồi trà vào sáng sớm, lúc trời còn mù sương, ngắm nhìn những giọt sương trên lá, thì thơ mộng nhất rồi còn gì, đúng không anh?”. Tôi chợt nhớ đến anh bạn Công Chính, đang là Phó Giám đốc Công ty Trà Vũ Phúc, chắc phải nhờ đưa đi, thế tiện hơn. Ngồi uống cà phê tại thác gần một tiếng thì Chính đến, anh bạn thật nhiệt tình, chèo kéo mời chúng tôi về Nông trường chơi hẳn một ngày, mà theo giọng Chính thì “cho tĩ tã luôn đi anh”.

Sống chậm ở “vương quốc”trà

Bảo Lộc là xứ trà, nhưng từ trước đến nay, vẫn chỉ luôn như một điểm dừng chân chớp nhoáng của du khách, trong hành trình đến với Đà Lạt. Khi đi ngang qua xứ này, quả là du khách cũng thấy đồi trà thấp thoáng đâu đó dưới thung lũng xa, hay mờ nhạt nơi những triền đồi cao thấp, kéo dài đến tận rừng cây xanh thẫm của núi rừng, nhưng không phải ai cũng có đủ thời gian dừng lại để cảm hết cái đẹp rất riêng của nó. Có lẽ vì là những lần cảm nhận thoáng qua ấy, nên vùng trà Bảo Lộc tuy được nhắc đến nhưng không được nhớ nhiều. Khi du lịch tỉnh Lâm Đồng được đầu tư nhiều hơn, thị xã Bảo Lộc thâm trầm lên thành phố, thì vùng trà Bảo Lộc mới dần trở thành tâm điểm được chú ý hơn. Từ thác Đambri đến nông trường trà cũng phải gần 10km, hoa mua, hoa dã quỳ nở vàng rực dọc hai bên đường, một vẻ đẹp rất riêng của mảnh đất này. Đến địa phận Thôn 7, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, những thảm xanh bạt ngàn của trà bắt đầu lộ dáng, khoe mình theo những ngọn đồi dốc đứng, lúc uyển chuyển nhu mì nơi những vùng đất bằng phẳng trải rộng xanh rì. Nơi đây, có mỗi một màu xanh, thấp thoáng những bóng cây rừng già còn sót lại trong vườn trà cũng xanh, hay xa xa những đồi núi trập trùng cũng xanh nốt, nhưng màu xanh của vườn trà luôn mang vẻ tươi mới riêng biệt không hòa lẫn. Cô bạn Trang vui lắm, lại được Công Chính giới thiệu về nông trường, vùng trà khá rộng cả trăm hécta, với hơn 100 công nhân chính thức, đến thời vụ thì lên đến vài trăm người. Đến đây, không chỉ riêng chúng tôi mà có khá nhiều du khách, Tây, ta đủ cả, họ đi hái trà với công nhân, và rất muốn trải nghiệm qua các công đoạn để ra được sản phẩm trà ô long rất nổi tiếng này. Đến thăm nhà anh Phi, chị Mai, đã có thâm niên 25 năm là công nhân nông trường. Ngôi nhà giản dị, mát mẻ, họ rất cởi mở, dễ gần. Qua anh Phi được biết, giống trà ô long từ Đài Loan có từ giữa thập niên 1990 đã được các doanh nghiệp trà tại vùng đất Bảo Lộc tiếp nhận, do thương nhân Đài Loan hoặc các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Đài Loan trồng, với sự đảm bảo đầu ra và kỹ thuật canh tác từ phía nhà cung cấp. Những đồi trà ô long là hình ảnh đẹp của Bảo Lộc trong hơn chục năm gần đây. Tuy nhiên, những người nông dân ít trồng giống trà này, vì đòi hỏi sự đầu tư cao và quy trình chăm sóc, thu hái khắt khe. Mỗi năm phải tưới cây bằng sữa bột, trứng gà, rồi ủ phân bằng hạt đậu nành, đặc biệt kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt về thuốc bảo vệ thực vật. Công Chính cho biết, ngành chè Việt Nam chưa phát triển bền vững thể hiện ở chỗ: Quá nhiều cơ sở chế biến nhỏ, không có vùng nguyên liệu và không đảm bảo điều kiện sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm; mối liên kết bằng lợi ích kinh tế giữa người sản xuất nguyên liệu và cơ sở chế biến, tiêu thụ chè còn thiếu chặt chẽ.

Thiên nhiên thơ mộng.

Khẳng định thương hiệu

Ngược dòng lịch sử, từ vùng Cầu Đất trên độ cao 1.000m, theo quá trình hình thành và phát triển, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ người Pháp mà cây trà lan dài xuống vùng Bảo Lộc, Di Linh theo lộ trình mới mở cửa của con đường từ Đà Lạt đi Sài Gòn vào thập niên 1930. Trà bắt đầu làm quen với đất B’Lao từ các đồn điền của người Pháp như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierre… rồi dần dà là sự ra đời của các trang trại, các rẫy trà, vườn trà của các hộ gia đình. Từ đó ở vùng đất này đã xuất hiện một tầng lớp dân cư đông đảo chuyên sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương. Một thế giới riêng của những người làm trà trên đất bazan đã khai mở từ gần 80 năm trước, để hôm nay, trà là một trong ba cây công nghiệp quan trọng, phát triển mạnh nhất ở Bảo Lộc.

Bảo Lộc chục năm lại đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp - doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến làm trà. Họ là những ông chủ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc đến đầu tư, thuê đất đai, nhân công và trồng trà để làm giàu và họ đã giàu nhanh chóng. Gần 1.500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở “đô thị trà” Bảo Lộc. Được ngồi thưởng thức trà ô long trước hiên nhà anh Phi tại xã Lộc Quảng, chúng tôi còn được Công Chính cho sản phẩm trà Thiên Phúc mang về cho người thân đặc sản nổi tiếng của miền cao nguyên trù phú này. Nơi này, chỗ nào cũng nhìn thấy trà: Những vườn trà xanh bát ngát chạy tít tắp phía chân trời, trà bao bọc xung quanh nhà ở, trà ở phía trong sân, cho đến trà trong những bao bì rất sang trọng. Đến bất kỳ nhà ai ở Bảo Lộc, bạn cũng được đón tiếp bằng thứ nước mang vị chan chát, man mát ngọt, đó là nước trà.

Trà ô long có hương mùi rất thơm và bền, vị nồng hậu, nước xanh hoặc xanh vàng, bã xanh. Có thể nói Lâm Đồng là vùng đất phù hợp nhất với giống trà ô long này, bởi khí hậu tự nhiên và thổ nhưỡng ở đây có thể cho ra những sản phẩm ô long hảo hạng không thua kém gì trà ô long được trồng trên các vùng núi cao của Đài Loan, Trung Quốc. Được biết trà ô long Thiên Phúc còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe ngoài mong đợi nhưng không gây mất ngủ, đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng, đang dần khẳng định thương hiệu của mình. Mục tiêu của trà Thiên Phúc là phải kiểm soát bằng được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.

Việt Nam được coi là một trong những cái nôi của cây trà. Phong tục uống trà và sự phát triển của trà Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển dân tộc. Người Việt xưa dù sống trên núi cao, dưới đồng bằng châu thổ hay bên bờ biển, dù là người sang, kẻ hèn tất thảy đều giữ tập tục uống trà. Trong thời đại công nghiệp hiện nay, tục uống trà tạo ra một sự thư giãn giữa cuộc sống hối hả chạy theo tốc độ, một sự suy ngẫm giữa công việc được lập trình một cách máy móc, thì tại Bảo Lộc được du lịch tại vùng trà, lại được uống trà Thiên Phúc giữa thiên nhiên xanh mướt, chúng tôi đã có một tour du lịch khá là thú vị.

Ghi chép của Phương Thảo

 

                              Nguồn: Lao động cuối tuần; số 48; từ 25.11 - 27.11.2016; tr 15 và 22

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5811940 - Online: 30