›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 19/09/2016 09:06:41 GMT+7 | lượt xem: 453

Krajan Plin nghệ sĩ đa tài

Nhạc sĩ, nhà thơ, nhà sưu tầm và nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Krajan Plin, người dân tộc K' Ho nhóm Lạch, sinh năm 1961, ở buôn Đăng Ja, dưới chân núi Lang Bian, thuộc thị trấn Lạc Dương, (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Hiện anh vùa là một già làng uy tín, vừa là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Cồng Chiêng Lang Bian và là người đã bỏ ra nhiều thời gian công sức để sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nói riêng và của các dân tộc Tây Nguyên nói chung, trong đó nổi bật là Bộ luật tục K’Ho.

Được đọc thơ và nghe ca khúc của anh từ lâu, nhưng mãi tới năm 2013, tôi mới được gặp mặt trong một lần dự trại sáng tác văn học các dân tộc ít người tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Những bài thơ và những ca khúc trữ tình viết về vùng đất và con người cao nguyên mộc mạc chân chất, nhưng thật nổng nhiệt mê đắm. Điều này được thể hiện rất sâu sắc trong tập thơ “Cao nguyên của tôi” . Tập thơ là những cảm xúc chân thành và máu thịt của anh đối với vùng đất cao nguyên quê hương. Không chỉ có vậy. Là nghệ sĩ, từng đi đến nhiều vùng đất trải dài suốt Nam – Trung – Bắc, nên trái tim anh đã rung động, đồng cảm với bao số phận con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, để rồi thốt lên những câu thơ thật cảm động. “Cái lạnh phương Bắc/ Cái nóng phương Nam/ Cái bão miền Trung/ Cái lụt đồng bằng/ Cái nắng Phan rang/ Cái gió Tây Nguyên/ Ta lấy cái lạnh/ Cộng vào cái nóng/ Trừ cho miền Trung/ Nhân cho đồng bằng/ Chia cho Tây Nguyên/ Nhưởng cơm sẻ áo/ Giảm nhẹ thương đau/ Cho cả mọi miền…”.

                               Ngoài đam mê sáng tác thơ, ca khúc nghệ sĩ Krajan Plin còn sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc K' Ho

Anh luôn đau đáu âu lo về sự mai một những giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của các dân tộc ít người trên vùng đất Tây Nguyên. Khi đến thăm bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk Rlấp, anh đã từng có bài thơ viết về nghệ nhân Y K’Rang, dân tộc M’Nông với những câu thơ đầy trăn trở day dứt. “Giọt nước mắt ấy/ Bỗng vội rơi xuống/ Thấm ướt đôi vai/ Gìa làng Y K’Rang/ Rồi đến một ngày/ Tiếng chiêng không còn/ Lời ru ngắt quãng/ Nước mắt em tuôn/ Hóa thành con suối/ Trôi về dòng sông/ Về nơi xa lắc/ Chỉ còn tiếng khóc/ Chỉ còn tiếng cười/ Của bầy trẻ thơ/ Vô tư ngây dại/ Biết gì ngày mai/ Đâu là cội nguồn…”. Là người đam mê ca hát, có thời anh từng tham gia nhóm Du Ca của nhạc sĩ Trần Tiến đi đến nhiều buôn làng trên cao nguyên hát phục vụ đồng bào. Chính những ngày lãng du ấy đã cho anh một cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về những giá trị cùa các loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.

 

                                 Nghệ sĩ Krajan Plin bên những nhạc cụ và nông cụ truyền thống do anh

                                                 công phu sưu tầm lưu giữ và trưng bày tại nhà riêng.

Trở về thị trấn Lạc Dương, sau chuyến du ca lãng tử ấy, anh đã quyết tâm thành lập Đội Cồng chiêng mang tên "Những người bạn Lang Bian". Đội Cồng chiêng của anh đã góp phần khôi phục văn hóa cồng chiêng của buôn làng và biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng phục vụ du khách mọi miền đất nước có dịp đến với cao nguyên. Đặc biệt, anh đã dành rất nhiều thời gian đi khắp các buôn làng để sưu tầm ghi chép, ghi âm các thể loại ca dao, dân ca, tục ngũ…Trong đó anh rất tâm huyết với công việc sưu tầm, biên soạn Bộ luật tục K’Ho. Đến nay Bộ luật tục K’Ho do anh sưu tầm, biên soạn đã có tới 1.000 điều, chia làm 50 chương được sắp xếp trình bày rất logic. Nội dung xuyên suốt Bộ luật tục được anh trình bày thành một bản trường ca dễ dọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Đây là một đóng góp rất đáng kể của người nghệ sĩ K’Ho đa tài Krajan Plin./.

Lương Định

 

Nguồn: Lao động xã hội; số 112; chủ nhật 18/09/2016; tr 13



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5865824 - Online: 46