›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 20/02/2017 01:35:33 GMT+7 | lượt xem: 677

Khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt: Nên hay không?

Tuyến đường sắt răng cưa nối Tháp Chàm (Ninh Thuận) - Đà Lạt (Lâm Đồng)là công trình độc đáo. Tiếc thay tuyến đường sắt này đã bị phá bỏ, chi còn tồn tại một đoạn ngắn 6,7km, nhưng mỗi năm ngành đường sắt phải bù lỗ bình quân gần 1 tỷ đồng. Việc đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa này đang nhận được ý kiến nhiều chiều.

Nhà ga cổ Đà Lạt (xây dựng từ năm 1932 - 1938) được coi là nhà ga đẹp nhất Đông Dương, để lại ấn tượng cho bất kỳ ai một lần ghé đến. Đây là kiệt tác
của hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron. Ga Đà Lạt mang phong cách kiến trúc ga xe lửa ở miền Nam nước Pháp, nhưng lại có dấu ấn bản địa, thiết kế giống hình dáng các ngọn núi trên cao nguyên Lang Biang, mô phỏng những mái nhà rông của đồng bào Tây nguyên. Đây là nhà ga duy nhất ở Việt Nam được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc quốc gia,hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan.

Gọi là con đường huyền thoại bởi đến nay, trên thế giới chỉ có hai nước là Thụy Sĩ và Việt Nam có tuyến đường sắt răng cưa leo núi, trong khi đó độ dài và cung đường sắt của Việt Nam kỳ vĩ hơn. Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84km, trong đó tới 43km là đoạn đường sắt răng cưa. Thụy Sĩ chỉ có 25km đường sắt răng cưa, đoạn vượt qua đèo Furka trên dãy núi Alpes.

Năm 1968, tuyến đường sắt ngưng hoạt động vì một số đoạn bị hư hỏng do chiến tranh. Năm 1972, tuyến đường này được khôi phục, nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn thì ngưng hẳn. Sau ngày giải phóng, ngành đường sắt cho tháo dỡ các thanh ray và tà vẹt để sử dụng vào việc sửa chữa tuyến đường sắt Bắc - Nam, rồi lần lượt các cây cầu cũng bị tháo dỡ để lấy sắt, chỉ còn những mố cầu trơ trọi. Những đầu máy cổ hơi nước bị bỏ ở trạm cuối ga Đà Lạt, phần thì bị mất trộm, tháo lấy sắt bán.

Lúc này, người Thụy Sĩ sang Việt Nam, thỏa thuận với các quan chức ngành đường sắt và chính quyền tỉnh Lâm Đồng mua lại 7 đầu máy cổ hơi nước, những khoang tàu hạng nhất cùng nhiều trang thiết bị khác với giá rẻ mạt (650.000USD) rồi kỳ công đưa chúng về Thụy Sĩ. Ga Đà Lạt chỉ còn giữ lại một đẩu máy cổ hơi nước duy nhất trưng bày làm kỷ niệm. Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt độc đáo chính thức bị “khai tử’.

Trong khi tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại độc nhất châu Á bị xóa sổ thì ở Thụy Sĩ, người ta mua đầu máy cổ hơi nước mang về tu sửa, tân trang lại, từ năm 1993 bắt đầu đưa du khách rong ruổi vượt dãy Alpes với giá vé lên tới 60 USD/ người cho đoạn đường chỉ 25km.

Năm 1991, ngành đường sắt nước ta cho khôi phục lại và đưa vào khai thác đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài 6,7km phục vụ khách du lịch tham quan chùa Linh Phước và các khu vực lân cận. Đoàn tàu này gồm một đầu máy cổ, 4 toa, chạy bằng dầu diezel, công suất từ 4 - 6 chuyến/ngày, giá vé là 20.000 đồng/người. Ngoài ra, một đầu tàu cổ với 4 toa khác được tân trang thành một quán cà phê khá ấn tượng.

Đầu máy cổ hơi nước duy nhất còn sót lại ở cửa sau ga Đà Lạt

Xung quanh khu vực nhà ga Đà Lạt, nhiều diện tích đất bị người dân lấn chiếm. Tại khu vực trung tâm có các dịch vụ như: bán hàng lưu niệm, hàng thổ cẩm truyền thống... khá thu hút khách. Tuy nhiên, do lượng khách không đáng kể, chỉ tập trung vào các dịp lễ, Tết, ít dịch vụ kèm theo, hệ thống hạ tầng xuống cấp nên việc duy trì tuyến này đang là gánh nặng cho ngành đường sắt. Theo thống kê của đơn vị đang khai thác tuyến là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, bình quân mỗi năm Nhà nước phải bù lỗ cho tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát 983 triệu đồng.

Vào các năm 2007, 2013, dư luận xôn xao trước thông tin Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thí điểm nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát cho tư nhân, với kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, thời hạn từ 18 - 30 năm theo hình thức BOOT (xây dựng - sở hữu - kinh doanh - chuyển giao), phục vụ hoạt động du lịch.

Bộ GTVT sau đó tổng hợp hồ sơ, trình Chính phủ đề án kêu gọi đầu tư, khôi phục toàn tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm, với tổng kinh phí đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Bộ GTVT cho biết, có nhiều nhà đầu tư độc lập hoặc liên kết đã nộp hồ sơ đăng ký, nhưng đến nay vẫn chưa có công bố chính thức về kết quả này khiến nhiều người mong chờ.

Trước thực trạng tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm hiện nay, dư luận mong cơ quan chức năng và các nhà đầu tư sớm đưa ra quyết định khôi phục tuyến đường sắt độc đáo trên. Nếu dự án không khả thi, phải có biện pháp chấm dứt việc dùng tiền ngân sách bù lỗ tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát như hiện nay.

NGỌC HÀ

Nguồn Công An thành phố HCM, số 3294, thứ ba 14-2-2017, tr 10

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5686823 - Online: 41