›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ ba, ngày 17/01/2017 03:51:01 GMT+7 | lượt xem: 364

Duy trì bền vững dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet cộng đồng"

Sau 4 năm triển khai, dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet cộng đồng vì mục tiêu “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống” tại Lâm Đồng đã kết thúc. Vấn đề đặt ra là định hướng tính bền vững khi không còn sự hỗ trợ từ Quỹ Bill & Medinda Gates cho việc đào tạo bồi dưỡng nhân lực, tổ chức sự kiện quảng bá dự án. Với tinh thần trách nhiệm, Thư viện Lâm Đồng và Bưu điện tỉnh Lâm Đồng vừa tiến hành một cuộc hội thảo nhằm tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được từ dự án và phát huy cơ sở vật chất (máy tính, đường truyền Internet) mà nguồn quỹ đã tài trợ.

Ảnh minh họa. Ảnh: Văn Báu

Số người truy cập tại 22 điểm thư viện với số giờ online đã đạt được: năm 2014: bình quân 595 giờ/tháng/điểm, với 115 lượt người/tháng/điểm; năm 2015, bình quân 496 giờ/tháng/điểm với 111 lượt người/tháng/điểm; năm 2016, bình quân 230 giờ/tháng/điểm, 67 lượt người/tháng/điểm (lưu ý: số giờ tính gộp tất cả các máy tại điểm truy nhập). Số lượt người truy cập của 28 điểm BĐVHX còn thấp hơn nhiều các điểm thư viện, cụ thể: năm 2014, bình quân 70 giờ/tháng/điểm với 63 lượt người/tháng/điểm; năm 2015, bình quân 80 giờ/tháng/điểm với 65 lượt người/tháng/điểm; năm 2016, bình quân 60 giờ/tháng/điểm với 60 lượt người/tháng/điểm.

Việc phát triển công nghệ thông tin và mạng Internet đã tạo ra cơ hội để con người giao lưu, trao đổi thông tin, giúp nhân dân tìm kiếm khai thác thông tin trên môi trường mạng để phục vụ, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, học tập, tìm kiếm tài liệu và rất nhiều ứng dụng hữu ích khác… Tuy nhiên, giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khoảng cách lớn về sử dụng máy tính và truy nhập Internet.

Lâm Đồng là một trong 16 tỉnh được tiếp nhận dự án trong năm 2012 (giai đoạn 2). Dự án đã nhanh chóng được triển khai ở 50 điểm phục vụ công cộng trên toàn tỉnh tại 1 thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện, 11 thư viện xã (mỗi huyện và thành phố Bảo Lộc chọn 1 xã) và 28 điểm bưu điện văn hóa xã; với 335 bộ máy tính được lắp đặt, trong đó riêng 28 bưu điện văn hóa xã là 140 bộ (5 máy tính/điểm), 195 bộ máy tính tại 22 thư viện (thư viện tỉnh 40 máy, thư viện huyện 10 máy/thư viện, thư viện xã 5 máy/thư viện). Cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates, tỉnh đã đối ứng nguồn vốn gần 1,8 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các điểm thư viện để làm nơi kê đặt máy phục vụ nhân dân. Riêng ngành bưu điện đã đầu tư 1,4 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất ban đầu cho 28 bưu điện văn hóa xã (50 triệu đồng/điểm). 

Ngoài nguồn kinh phí ban đầu tỉnh đầu tư trước khi tiếp nhận dự án, trong 3 năm (2014 - 2016) tỉnh tiếp tục cấp kinh phí 378 triệu đồng cho thư viện để duy trì dự án như chi phí đường truyền, điện nước, lương - phụ cấp, bảo hành bảo dưỡng. Bưu điện tỉnh Lâm Đồng cũng đã cấp 378 triệu đồng cho 28 điểm BĐVHX để duy trì hoạt động dự án trong suốt 3 năm qua (bình quân 375 ngàn đồng/tháng/điểm).

Trước đây, tại các xã vùng sâu vùng xa, tuy có đường truyền Internet tốc độ cao đã được lắp đặt, nhưng do điều kiện của bà con còn khó khăn nên chưa tiếp cận được với Internet, từ khi có dự án, các em học sinh đã có điều kiện được tiếp xúc với máy tính, lên mạng tìm hiểu thông tin phục vụ cho việc học tập; bà con nông dân được tạo điều kiện để tiếp cận thông tin phục vụ cho chăn nuôi sản xuất; cán bộ, công chức có điều kiện trau dồi kiến thức. Dự án đã giúp người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngày càng nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Internet mang lại cho cuộc sống. Thông qua khai thác hiệu quả thông tin trên Internet mà rất nhiều người dân, hộ gia đình đã chuyển đổi cách làm ăn, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trình độ dân trí được nâng lên, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. 
 
Mục tiêu tốt đẹp của dự án hướng đến là hỗ trợ người dân nghèo, nhóm người thiệt thòi và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, được bình đẳng tiếp cận thông tin qua mạng, được hưởng lợi từ những thông tin để làm thay đổi cuộc sống. 
 
Dự án đã kết thúc, với trách nhiệm của mình, Thư viện tỉnh sẽ tăng cường quản lý, chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng, các điểm dự án duy trì mở cửa phòng máy vào các ngày trong tuần để người dân địa phương có thể sử dụng máy tính vào việc học tập, nghiên cứu, tra tìm thông tin góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tăng cường tuyên truyền giới thiệu, quảng bá phòng máy tính tại các điểm truy cập của dự án tại các thư viện từ tỉnh đến xã để nhân dân đến sử dụng khi cần. Tổ chức các cuộc thi như: đánh máy nhanh, thi kiến thức qua online nhằm thu hút bạn đọc đến tra cứu Internet nhiều hơn. Cấp thẻ miễn phí cho thanh thiếu nhi, HSSV. 
 
Ông Huỳnh Minh Hải - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Cùng với ngành thư viện, trong thời gian tới, Bưu điện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các điểm BĐVHX thuộc dự án, triển khai cơ chế bán hàng: ngoài thù lao cố định duy trì mở cửa hàng ngày, sẽ thêm thù lao cho các nhân viên tại các điểm ở tất cả các sản phẩm hàng hóa do bưu điện cung cấp mang lại nguồn thu cho điểm bưu điện. Triển khai một số dịch vụ công đến điểm BĐVHX như: chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, thu BHYT, BHXH tự nguyện, chuyển phát các loại giấy tờ hành chính công, đặt thêm tủ sách và đa dạng hóa các loại sách để phục vụ nhân dân tốt hơn; triển khai bán hàng tiêu dùng tại tất cả các điểm BĐVHX; khuyến khích các nhân viên ghi lại những website hữu ích giới thiệu cho nhân dân truy cập, tích cực tuyên truyền cho người dân biết lợi ích mà Internet mang lại. 
 
Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm tiếp tục cấp kinh phí duy trì hoạt động, nâng cấp thay thế khắc phục thiết bị hư hỏng tại các điểm dự án. Với những giải pháp hai ngành đưa ra đã hướng đến mục đích chung mong muốn đưa hệ thống thư viện công cộng và bưu điện văn hóa xã trở thành Trung tâm thông tin cộng đồng, thân thiện và bình đẳng, là ngôi nhà văn hóa chung cho người dân, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho mọi người dân vùng nông thôn.
Quỳnh Uyển
Nguồn: http://baolamdong.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5691337 - Online: 37