›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 03/04/2017 09:22:03 GMT+7 | lượt xem: 743

Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên ở Đà Lạt

Sau nhiều năm rong ruổi khắp nơi để sưu tầm cổ vật, hiện vật và hình ảnh về Tây Nguyên, ông Vũ bất ngờ phát hiện những tấm hình về cuộc thi sắc đẹp dành cho các sơn nữ diễn ra tại Đà Lạt đầu thập niên 1930.

Ông Vũ giới thiệu bộ ảnh sưu tầm về Tây Nguyên xưa.

Phát hiện bất ngờ

Sau 7 năm dày công kết nối với nhiều nguồn thông tin để tìm kiếm, ông Ngô Quang Vũ (trú tại đường Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt) đã sưu tầm được hàng ngàn bức ảnh về Tây Nguyên xưa, trong đó tâm đắc nhất là bộ ảnh về các sơn nữ. Ông cho chúng tôi xem tấm bưu thiếp mà trên góc phải có dán con tem ghi “Postes Indochine”, đóng dấu bưu điện Đà Lạt từ năm 1935. Mặt sau tấm ảnh in chữ “Carte Postale” (bưu thiếp) cùng dòng chữ của một người từ Đà Lạt gửi về địa chỉ ở Sài Gòn.

Trong ảnh có khoảng 20 thiếu nữ tham dự cuộc thi đứng trên dãy ghế cao, mắt họ cùng nhìn về một hướng; xung quanh trên triền đồi có khá đông khán giả đứng, ngồi chăm chú theo dõi. Xa xa là những ngôi biệt thự kiểu Pháp ẩn hiện giữa rặng thông già… Nhìn tấm bưu thiếp thấy đầu tóc các thiếu nữ được bới gọn cùng một kiểu dáng, trên cổ đeo nhiều dây trang sức bằng hạt cườm, cùng một dây đeo bảng tên (hoặc số báo danh) trước ngực; hai bên cổ tay các sơn nữ đeo nhiều vòng trang sức. Điều đặc biệt, các sơn nữ bản địa dự thi để ngực trần, bên dưới quấn xà rông bằng loại vải mà họ tự dệt. Dưới chân mỗi thí sinh có một chiếc tô không rõ để làm gì.

 

“Lúc đầu, mình chỉ phỏng đoán các sơn nữ đang tham dự cuộc thi gì đó với địa điểm thi dường như là khu vực sân thể dục thể thao bên hồ Xuân Hương, Đà Lạt (nay là quảng trường Lâm Viên)… Đến khi tìm được gần chục bưu thiếp và bức ảnh do người dân và du khách chụp mới có thể khẳng định đó là cuộc thi sắc đẹp. Quả là điều ngạc nhiên thú vị bởi mình từng đọc rất nhiều cuốn sách viết về lịch sử hình thành và phát triển TP.Đà Lạt, nhưng chưa tìm được tài liệu nào đề cập đến các cuộc thi sắc đẹp”, ông Vũ thổ lộ .

Thiếu nữ K’Ho trong rừng thông.

Như để minh chứng thêm, ông cho chúng tôi xem tấm bưu thiếp giống hệt bưu thiếp kể trên nhưng có ghi kèm dòng chữ “Concours de la beauté moie Da Lat” (cuộc thi sắc đẹp Thượng Đà Lạt). Ngoài ra còn có một tấm ảnh khác cũng chụp “khán đài” này nhưng có tới 50 thí sinh xếp thành 2 hàng; dưới tấm hình ghi “Da Lat - Concours de la beauté” (Da Lat- cuộc thi sắc đẹp). Ông Vũ nói đa số các bức hình về Đà Lạt xưa mà ông sưu tầm được là do người Pháp chụp. Từ năm 1920 đã bắt đầu hình thành du lịch của người Pháp ở Đông Dương, trong đó Đà Lạt được xem như là một điểm du lịch hấp dẫn. Nhiều người đến tham quan, chụp ảnh và theo hồi tưởng của những người châu Âu về những ngày tháng sống ở Đà Lạt, phụ nữ Thượng có vẻ đẹp thuần khiết như tạc tượng.

 

Điều này phù hợp với nội dung cuốn sách nổi tiếng “Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp”, tác giả Eric Jennings viết: “Loại bưu thiếp in hình phụ nữ Thượng ngực trần rõ ràng được ưa chuộng ở Đà Lạt, để những quân nhân, nhà quản lý, lính thủy, dân định cư và du khách viết gửi về nhà trên mặt kia tấm thiệp”. Từ đầu thế kỉ XX, các cuộc thi sắc đẹp hiện đại đã bắt đầu được tổ chức với sự ra đời của những cuộc thi hoa hậu uy tín như Hoa hậu Pháp (1920), Miss America  (1921) hay Hoa hậu Đức (1927)… Phải chăng khi người Pháp đến Đà Lạt và muốn biến nơi đây thành thủ phủ của Đông Dương, họ đã tổ chức cuộc thi sắc đẹp như cách hội nhập văn hóa Pháp?

Sơn nữ mang vác dụng cụ bắt cá.

Đi Pháp để sưu tầm tài liệu

Vốn là kỹ sư điện nhưng Ngô Quang Vũ, 58 tuổi, trú tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, thành phố Đà Lạt lại nổi tiếng trong giới chơi hoa lan, đá cảnh và sưu tầm hiện vật Tây Nguyên. Bằng chứng là cả ngôi nhà rộng, nằm ở vị trí đắc địa cho việc kinh doanh, buôn bán, thế nhưng hầu hết diện tích được dùng làm nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật, tác phẩm nghệ thuật mà ông sưu tầm mấy chục năm qua.

Phòng khách ở tầng trệt là nơi trưng bày đá cảnh. Ông sở hữu kho báu đá cảnh với hàng trăm tác phẩm, đa phần sưu tập ở Tây Nguyên, nơi có nguồn đá cảnh thiên nhiên phong phú bậc nhất nước ta. Ông bảo để tìm được một viên có đầy đủ các yếu tố nghệ thuật như hình dáng đẹp, chất liệu tốt, màu sắc bắt mắt, không bị sứt mẻ, trầy xước… không phải dễ. Cả ngàn viên chưa chọn được lấy một. Mình thích sưu tầm đá bởi nó còn là minh chứng hùng hồn về sự biến ảo huyền diệu của thiên nhiên: Có viên đá là mảnh thiên thạch rơi xuống trái đất và cũng có thể là một khúc gỗ hoặc cổ sinh vật đã hóa thạch sau hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.

Trong những chuyến đi dài ngày để săn đá ở chốn rừng sâu, núi thẳm, dưới lòng suối, dòng sông, nhiều hôm ông tá túc tại các bản làng dân tộc thiểu số. Cảm mến tâm hồn, lối sống của người vùng cao hồn hậu, hiếu khách và yêu bản sắc văn hóa của họ nên khi chứng kiến cảnh chảy máu cổ vật Tây Nguyên, ông không khỏi lo lắng. Sợ rằng chúng sẽ bị thất lạc, mai một dần theo thời gian, ông quyết định mua được chừng nào hay chừng ấy để giữ lại cho thế hệ sau.

“Những thứ sưu tầm tại bản làng thì không khó xác định xuất xứ, thế nhưng nếu mua ở phố thị, chợ trời… thì việc truy tìm nguồn gốc không phải dễ”, ông nói. Là người cầu toàn nên mỗi đợt sưu tầm là ông lại đánh vật với các tài liệu trong sách vở, trên internet… để tìm kiếm thông tin, hình ảnh nhằm chú thích, minh họa cho hiện vật, rằng chúng thuộc sở hữu của tộc người nào, được mua bán trao đổi ra sao, từng được nhân vật nổi tiếng nào sử dụng…

Nguồn tư liệu ảnh ở trong nước về đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên thuở sơ khai là rất ít ỏi nên ông cất công tìm kiếm ở nước ngoài. Thông thường người ta đi du lịch nước ngoài để viếng cảnh đẹp, thưởng thức món ngon vật lạ còn ông thì chúi mũi trong các thư viện, tiệm sách cũ hoặc giao lưu với những người cùng sở thích để trao đổi thông tin, sưu tầm hình ảnh. Nhờ vậy ông tìm được khá nhiều hình ảnh, bưu thiếp quý hiếm ở Pháp, Mỹ… về Tây Nguyên xưa, đặc biệt là những cộng đồng người Cil, Lạch (dân tộc K’Ho) ở Đà Lạt - Lâm Đồng.

 

Ban đầu ông Vũ tìm kiếm hình ảnh nhằm mục đích chứng minh hiện vật đã sưu tầm quả thực là của Tây Nguyên, từng được các tộc người thiểu số nơi đây sử dụng. Thế nhưng càng làm càng say, càng phát sinh nhiều tò mò, thắc mắc và muốn “đào xới” kỹ hơn bởi con người, cảnh vật nơi đây quá đẹp, đặc biệt là các sơn nữ; đời sống văn hóa, tinh thần cũng vô cùng phong phú, cuốn hút.

Bưu thiếp sơn nữ Tây Nguyên.

Tục để ngực trần ở Tây Nguyên

Trong kho hình ảnh còn có nhiều bức sơn nữ tắm suối, dạo bước trong rừng thông, vui đùa bên nai rừng, đeo gùi lên rẫy, mang vác các dụng cụ săn bắt… Bức nào sơn nữ cũng để ngực trần phô làn da nâu mịn màng, săn chắc, chiếc eo thon… trông thật hồn nhiên. Không chỉ sơn nữ mà trước kia hầu hết phụ nữ ở đây đều để ngực trần. Lý giải điều này, già  Klong Ha Sang (thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, vùng giáp ranh với Đà Lạt) nói để ngực trần là tập tục lâu đời trong sinh hoạt hàng ngày của người thiểu số Tây Nguyên.

Các già làng kể trước kia những loài thú dữ như sói, cọp… thường quanh quẩn quanh làng. Sau nhiều lần giáp mặt, nhận thấy chúng rất sợ phụ nữ để ngực trần và đeo nhiều dây cườm, do đó mỗi khi đi rừng, đi rẫy, để phòng thú dữ, phụ nữ thường đi trước với bộ ngực trần, còn nam giới đi sau mang theo giáo mác, xà gạc… Có lẽ vì ảnh hưởng của tục này mà ngày nay ở đây người vợ luôn đi trước chồng.

Còn theo các nhà dân tộc học, tục để ngực trần có thể xuất phát từ quan niệm thẩm mỹ “tốt khoe, xấu che” và ý niệm về phồn thực, sự sinh sôi, nảy nở sung túc, tốt tươi của đồng bào thiểu số. Theo Kiến trúc sư Trần Công Hòa, hơn 50 năm trước, ông vẫn thấy nhiều phụ nữ dân tộc K’ho để ngực trần gùi than củi, lương thực ra chợ Đà Lạt bán.

Đã sinh sống ở Đà Lạt gần trọn cuộc đời, kiến trúc sư Trần Công Hòa (Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, cuộc thi nhan sắc nói trên nhằm tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ cao nguyên. Có thể người Pháp cũng muốn thông qua cuộc thi này để nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục, tập quán của người bản địa. Điều này cho thấy Đà Lạt không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc tuyệt mỹ mà còn có vẻ đẹp văn hóa từ lâu đời. Ông cũng xác định cuộc thi nhan sắc được tổ chức tại khu vực sân tennis ở quảng trường Lâm Viên ngày nay. 

Kim Anh

 

Nguồn: http://www.tienphong.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5688924 - Online: 102