›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 21/11/2016 11:16:44 GMT+7 | lượt xem: 583

Bún bò Huế, bánh mì Đà Lạt ở Sài Gòn

Là một người Đà Lạt gốc Huế, chủ quán cà phê Gốc cung cấp luôn cho thực khách hai món ăn mang đậm tính đặc trưng đa phương là món bún bò Huế và bánh mì xíu mại Đà Lạt. Ngoài ra, quán cũng bán cà phê được rang xay được trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trong một không gian nhỏ nhắn.

Ở quán cà phê Gốc (47 Nguyễn Phi  Khanh,phường Đa Kao quận 1, TPHCM), chủ quán khẳng định, món bún bò và bánh mì xíu mại không dùng bất kỳ hóa chất tạo ngọt nào, đó là điều khiến quán được thực khách ưa chuộng.

Là một người gốc Huế, chị Phương Tú chia sẻ, để nấu món bún bò thành công, được người Sài Gòn nồng nhiệt đón nhận chị đã phải mày mò thử nghiệm nhiều lần. Trong một lần nấu bún bò Huế cho gia đình ở Đà Lạt, chị được "mách" dùng một loại đường chiết xuất từ một loại cây trái, và nồi nước dùng đã ngon ngọt một cách không ngờ. Đà Lạt là nơi giao thoa của nhiều vùng miền, vì vậy bún bò của chị Tú không hẳn rặt vị Huế nhưng cũng rất rất đậm đà. Ở đây, thịt bò lẫn gân và nạc lấy từ lò còn nóng hổi, về cắt sẵn thành miếng ướp gia vị nên thịt rất vừa ăn. Còn chân giò heo là loại chân trước, vừa có thịt có da đầy đặn vừa có gân. Thịt bò hợp với xả, thịt heo hợp với hành, nên bà chủ áp dụng cách hầm bò riêng với xả, giò heo hầm ở một nồi khác với hành. Khi thịt đã chín mềm, lúc này mới đổ chung vào một nồi nước dùng.

Tô bún sâu lòng được dọn ra đúng chất cổ truyền xứ Huế, miếng giò heo béo ngậy kèm theo những miếng bò đã ướp rất thấm, điểm cùng miếng chả cua mềm béo đã níu chân khách.

Với món bánh mì, chị Phương Tú cho biết đây là món kiểu Đà Lạt, không hề giống xíu mại miền Nam có phần lai theo kiểu người Hoa. Để làm nên những viên xíu mại ngon, phải chọn thịt dăm heo nửa nạc nửa mỡ. Thịt băm nhuyễn rồi pha với gia vị gồm hành tỏi xay, muối, đường, tiêu, nước mắm ngon. Nếu xíu mại miền Nam ve xong phải hấp nếu không sẽ bị rời rạc, thì xíu mại Đà Lạt do chị Tú chế biến không cần phải hấp. Chỉ cần ve viên thịt đã ướp thấm gia vị cho chặt tay rồi thả vào nồi nước đang nóng. Tô xíu mại điểm những cọng hành ngò lãng đãng, thêm vào một muỗng nhỏ sa tế được làm từ ba loạt ớt từ Huế gồm ớt bột mịn tạo màu, ớt bột khô cay, và ớt tươi xay. Khi xíu mại còn bốc khói, cắn vào miếng thịt cảm nhận rõ rệt vị tiêu thơm nóng, vị sa tế cay xuýt xoa, ăn miếng đầu tiên trong người thấy ấm lên se sắt.

Dù trời Sài Gòn nắng mưa ẩm ương thất thường, nhưng món bánh mì xíu mại ăn lành không gây đầy bụng khó tiêu. Ăn kèm với xíu mại là bánh mì đặc ruột nóng giòn, vị ngon ngọt của nước dùng thấm vào miếng bánh mì thấy kích thích khẩu vị. Đặc biệt cái hậu khi ăn xong thực khách cảm nhận vị ngọt không phải từ là hóa chất tạo ngọt mà lại rất êm đằm. Ớ quán cà phê Gốc, các món ăn, uống có giá từ 15.000-30.000 đồng/món.

                                       

            Thanh Dương

    Nguồn: Sài Gòn tiếp thị; số 135 - 2016 (417); thứ hai 14.11.2016; tr 14 -15

                                     



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5864012 - Online: 60