›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 02/10/2014 09:12:11 GMT+7 | lượt xem: 506

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Các tỉnh Tây Nguyên ngày càng chú trọng đầu tư, mở rộng việc dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong các trường tiểu học phổ thông dân tộc nội trú. Tỉnh Kon Tum, Gia Lai đã đưa tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Bana, Gia Rai vào giảng dạy ở 121 trường học ở bậc tiểu học.

Giờ học của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (Đác Lắc).

Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tỉnh Ðác Lắc đưa tiếng Ê-đê vào dạy ở 92 trường tiểu học, 13 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú. Các tỉnh cũng cấp miễn phí bộ sách giáo khoa, tài liệu bằng tiếng dân tộc, thu hút ngày càng đông học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tiếng nói, chữ viết dân tộc mình. Nhờ vậy các em được nghe, nói, đọc, viết thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; các tỉnh cũng mở nhiều lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho cán bộ, công nhân viên chức để có điều kiện công tác, tiếp xúc làm việc với vùng đồng bào thuận lợi.

Ðồng thời các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Từ điển Việt - Ê-đê, Ê-đê - Việt, Bana - Việt..., xuất bản nhiều đầu sách như truyện cổ, lời nói vần, luật tục, sử thi... song ngữ, phát hành rộng rãi về các thôn, bon, buôn, làng. Ðài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh đều mở thêm chuyên trang, chuyên mục, nâng cao chất lượng, thời lượng phát thanh, phát sóng bằng tiếng dân tộc thiểu số của từng địa phương. Tỉnh Ðác Lắc, Gia Lai ngày càng nâng cao chất lượng, thời lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng Ê-đê, Mnông, Bana, Gia Rai.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Nguyên cũng biên soạn, xuất bản nhiều bản tin, nội san bằng song ngữ đưa về tận các thôn, buôn, bon, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ quan thường trú Ðài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên đã phát sóng bằng sáu thứ tiếng dân tộc thiểu số chủ yếu ở Tây Nguyên như Bana, Ê-đê, Mnông, Gia Rai, Cơ Ho, Xơ Ðăng. Hiện nay, các tỉnh Kon Tum, Lâm Ðồng tiếp tục nghiên cứu, biên soạn các giáo trình, sách giáo khoa tiếng Xơ Ðăng, Chu-ru để đưa vào giảng dạy trong trường học, dạy cho cán bộ, công nhân viên chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

* Phát triển nguồn nhân lực y tế ở đồng bằng sông Cửu Long

Trong giai đoạn 2003-2014, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp y - dược ở TP Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề. Cụ thể, Trường đại học Y - Dược Cần Thơ mở thêm sáu mã ngành mới bậc sau đại học. Ðến nay, Trường đại học Y - Dược Cần Thơ đã đào tạo 2.830 học viên cao học và nghiên cứu sinh; trong đó, gần 1.800 học viên đã tốt nghiệp về địa phương công tác; Trường trung cấp Miền Tây (Cần Thơ) tổ chức xét tuyển y sĩ, điều dưỡng chuyển đổi đối với người đã tốt nghiệp y sĩ đa khoa, điều dưỡng đa khoa, dược sĩ hệ trung cấp các chuyên ngành nha khoa, nhi khoa và y học cổ truyền; Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ tăng hơn 600 chỉ tiêu đào tạo hệ trung cấp các ngành: điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm, kỹ thuật ảnh y học, kỹ thuật vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, dược sĩ trung cấp, y sĩ; liên kết đào tạo giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo điều dưỡng hộ sinh theo tiêu chuẩn quốc tế với các viện, đại học của Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hung-ga-ri, Ai-rơ-len.

Thời gian tới, Ngành y tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tập trung bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao; ưu tiên phát triển các ngành chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả các dịch vụ y tế. Ðồng thời, tăng cường xã hội hóa công tác y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các cơ sở y tế trong vùng sẽ đào tạo hơn bảy nghìn bác sĩ, hơn ba nghìn dược sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

PV VÀ TTXVN

Nguồn: báo nhân dân; Thứ bảy 27-9-2014; Số 21555; Tr.5

 
 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5687102 - Online: 44