›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 13/11/2014 09:41:20 GMT+7 | lượt xem: 471

Bảo Lâm chuyển mình

Mặc dù Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhất của tỉnh Lâm Đồng. Nhờ biết thực hiện lồng ghép các chương trình như 30a, 135, 168…, huyện đang thực hiện khá tốt chương trình “giảm nghèo nhanh, bền vững”.

Thu hái chè bằng máy cắt ở Bảo Lâm

LỒNG GHÉP

Đến nay, có 4 xã của huyện là Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Nam thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, có tỷ lệ đồng bào DTTS trên dưới 90%, được chọn đầu tư theo Chương trình 30a “Giảm nghèo nhanh, bền vững” (GNNBV) của Chính phủ, và khá thành công.

Tại bốn xã này, khi thực hiện Chương trình GNNBV, huyện Bảo Lâm đã lồng ghép đầu tư giữa nguồn vốn 30a với nhiều chương trình dự án khác như 135 (xây dựng hạ tầng cơ sở), 168 (giao khoán quản lý bảo vệ rừng), đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển ngành nghề nông thôn, cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất (SX), chăn nuôi.

Cùng với đầu tư của Nhà nước, thông qua sự tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, người dân tại các xã nghèo, thôn nghèo đã từng bước nâng cao ý thức tự chủ, thay đổi nếp sống, cách làm, đóng góp sức người, sức của trong đầu tư phát triển SX để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tham gia vào Chương trình GNNBV tại 4 xã nói trên, còn có sự đóng góp khá lớn của một số doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó, Cty TNHH MTV Lộc Bắc đầu tư trên 775 triệu đồng, Cty TNHH MTV Bảo Lâm đầu tư trên 516 triệu đồng để hợp đồng với người dân trồng mới và chăm sóc hàng trăm ha rừng trồng năm thứ 2, thứ 3.

Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng đã tiến hành giao khoán quản lý bảo vệ hàng chục ngàn ha rừng cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS tại các xã nghèo, thôn nghèo.

Việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng mang lại lợi ích từ hai phía: Đối với các đơn vị chủ rừng, hiệu quả quản lý bảo vệ rừng được nâng cao khi rừng thực sự có chủ, hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng, phá rừng; đối với người dân, nhờ được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nên có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

Cùng với hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, đã có gần 2,650 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ phát triển SX, bằng việc ngành nông nghiệp của huyện đã hỗ trợ 244 tấn phân bón vi sinh, NPK, 300 lít thuốc bảo vệ thực vật cho 591 hộ để đầu tư thâm canh chiều sâu và ghép cải tạo 26,8ha cà phê cao sản cho 104 hộ dân tại 4 xã nghèo của huyện. 

Bên cạnh đó, đã có hàng chục tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở: Điện - đường - trường - trạm, hệ thống thủy lợi hỗ trợ cho các xã nghèo, thôn nghèo có điều kiện thuận lợi trong tưới tiêu, lưu thông hàng hóa, đi lại, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, khám, chữa bệnh, học tập, hội họp.

Ông Trần Văn Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM, cho biết: Mục tiêu của huyện Bảo Lâm là năm 2015 có ít nhất 4 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và bình quân toàn huyện đạt trên 15 tiêu chí/xã. Theo đó, huyện đề nghị tỉnh đưa Bảo Lâm vào danh sách xây dựng huyện NTM vào năm 2017, dự kiến 10/13 xã đạt đủ 19 tiêu chí.

Mặt khác, hàng trăm tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN-PTNT Dâu tằm tơ và các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn huyện cũng đã cho các hộ dân tại các xã nghèo, thôn nghèo vay để đầu tư phát triển SX, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, công tác tạo nghề cũng đã được huyện quan tâm chỉ đạo ngành Lao động- Thương binh & Xã hội, ngành nông nghiệp tổ chức, mang lại hiệu quả khá tốt.

CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG, LAO ĐỘNG

Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm, đến nay đã chuyển đổi được 13.750/27.300ha giống cà phê năng suất cao; chuyển đổi, trồng mới 5.400/13.200ha chè chất lượng cao. Thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác của huyện nâng từ 70 lên 90 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu lao động cũng được chính quyền quan tâm, khuyến khích người dân tham gia thực hiện. Vì thế, tại một số xã đã hình thành các làng nghề dệt thổ cẩm, tổ hợp tác may công nghiệp, thêu, ren, đan lát và nghề  rừng…

Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm đã tổ chức được một số lớp dạy nghề trồng, chăm sóc cà phê cho người dân và 100 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho hàng ngàn lượt hộ dân tham gia, trong đó phần lớn là các hộ nghèo, cận nghèo.

Sau 4 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, đến nay huyện Bảo Lâm có 4 xã đạt tiêu chí thu nhập, 6 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 4 xã đạt tiêu chí tổ chức SX và 13/13 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Toàn huyện đã đạt 116 tiêu chí, bình quân 8,92 tiêu chí/xã.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,1 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,23% năm 2011 còn 6,28% năm 2013, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 14,26%.

HỒNG THỦY

Nguồn: http://nongnghiep.vn

Báo Nông Nghiệp Việt Nam; Thứ hai 27-10-2014; Số 214(4626); Tr.14



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5816648 - Online: 34