›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 19/06/2017 09:04:12 GMT+7 | lượt xem: 2505

Ba anh chàng đình đám ở Tây Nguyên

Chả hiểu căn cứ vào đâu mà tôi cứ có ý nghĩ rằng, càng xuôi về phía Nam thì chất Tây Nguyên của người Tây Nguyên ở 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng càng nhạt đi...

Chả hiểu căn cứ vào đâu mà tôi cứ có ý nghĩ rằng, càng xuôi về phía Nam thì chất Tây Nguyên của người Tây Nguyên ở 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng càng nhạt đi, hay chính xác là có một sự mở ra, hướng tới sự hiện đại hơn...

Thì tôi cứ thấy những là nhà rông càng về phía Nam càng vắng bóng, trong khi, đồ rằng, ngày xưa tất cả các dân tộc sống ở Trường Sơn Tây Nguyên đều có. Rồi thì ngay cách phối màu vải, váy khố áo, rồi cả nước da và nhất là âm nhạc. Loại trừ những bài hát của các nhạc sĩ người Kinh khai thác từng khía cạnh của dân ca Tây Nguyên, còn lại các bài hát của các nhạc sĩ người Tây Nguyên mà tôi biết, chất Tây Nguyên có vẻ “mỏng” hơn khi xuôi về Lâm Đồng...

Nhạc sĩ Krajan Plin đa tài.

Tôi có mang ý nghĩ (rất thiếu căn cứ, tôi tự nhận thế) ấy của tôi trao đổi với nhạc sĩ Krajan Đick khi cùng anh được VTV8 mời làm nhân vật trong một bộ phim ca nhạc tại Pleiku, thì Krajan Đick tỏ ra tán đồng, anh bảo anh cũng cảm thấy thế!

Quen Krajan Đick cũng lâu lâu rồi, là ở vài cuộc tôi sang Đà Lạt, gặp gỡ bạn bè, anh đang là Phó đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, rồi ở vài cuộc họp chung đâu đó khi anh và tôi cùng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thì cũng là gặp lớt phớt thế, chứ ngồi sâu với nhau thì chưa. Nhưng những gì anh làm cho âm nhạc, cho Tây Nguyên, thì tôi biết. Và vì thế tôi không ngạc nhiên lắm khi gặp nhau lần này anh cho biết mình đã xin nghỉ hưu non, về nhà làm du lịch, du lịch văn hóa âm nhạc.

Đà Lạt có núi Lang Biang, ai cũng biết. Nhưng cái cách mà những nghệ sĩ người Đà Lạt gốc sống và kinh doanh từ vốn văn hóa bản địa của mình không phải ai cũng biết. Krajan Plin chẳng hạn, một người rất tài hoa. Biết chơi các loại nhạc cụ, sáng tác nhạc, rất nhiều bài hát được yêu thích như K’bing ơi, Giữ ấm bếp hồng, Gọi em... qua giọng hát Siu Black, Quang Dũng, Phương Thanh... từng làm mưa làm gió trong lòng những người yêu nhạc. Làm thơ, có thơ in đến mấy tập, lái xe rất cừ. Bây giờ ai cũng lái xe được, nhưng mươi năm trước, một ông nhạc sĩ người K’ho dám mua một con xe 15 chỗ, tự lái đi chơi và kinh doanh thì cũng thuộc loại... khiếp rồi. Giờ Krajan Plin mở Trung tâm Văn hóa Lễ hội Dân gian Lang - Biang - Dalat - Vietnam, làm du lịch ngay chân núi Lang Bian ngùn ngụt khách. Và anh là già làng ở cái làng du lịch ấy, một già làng còn... rất trẻ và hiện đại.

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor điềm đạm, ít nói.

Ngồi với Y Phôn Ksor là cả một sự thú vị. Anh điềm đạm, ít nói, nhưng đã nói là đầy ấn tượng. Trong anh luôn cháy bỏng một tình yêu Tây Nguyên, thứ tình yêu thứ thiệt chứ không phải thời thượng, làm dáng. Anh xòe cho tôi xem hai bàn tay đầy chai, sản phẩm của lao động nương rẫy. Nhà thơ Phạm Doanh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Ðăk Lăk nói rằng hiện nay anh vẫn tiếp tục làm rẫy để nuôi mình và gia đình. Ngoài thời gian làm rẫy, anh lăn lộn ở buôn làng với tư cách là thành viên cộng đồng để sưu tầm và nuôi cảm xúc sáng tác. Không như một vài ca sĩ Tây Nguyên khác, khi thành danh rồi không còn nhận ra dấu ấn Tây Nguyên trong họ nữa, anh luôn được buôn làng chấp nhận, cả ở các sáng tác của anh, cách sống của anh lẫn khả năng thanh nhạc của anh. Tôi từng dự một cuộc anh giao lưu ở Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai và mới biết anh được giới sinh viên yêu thích như thế nào, dù anh ít xuất hiện trước công chúng hơn so với Y Moan, Siu Blach, Y Zăc... Có em sinh viên khẳng định quả quyết, nếu đi thi tiếng hát truyền hình, hát bài của mình, anh dứt khoát đoạt giải và là giải cao, và em chất vấn Y Phôn là tại sao lại không đi thi? Anh điềm đạm: Tại Y Zăc hát hay hơn và trẻ hơn! Khi anh cất tiếng hát Ði tìm lời ru mặt trời và Chim phí bay về cội nguồn thì hầu như cả hội trường nửa nghìn người đồng loạt hát theo, chứng tỏ họ yêu thích bài hát của anh như thế nào. Nhìn Y Phôn hát tôi chợt nhớ đến Y Zơn, nghệ sĩ lão thành, một con chim Chơ Rao khác của nền âm nhạc Tây Nguyên. Ông chưa bao giờ hú hét, chưa bao giờ làm dáng, chưa bao giờ bôi mày vẽ mặt..., vậy mà về làng, ông đi đến đâu dân làng kéo theo đến đó, từ trẻ nít đến già làng. Ông hát như người kể chuyện, như kể khan, những ca từ và nốt nhạc vụt hiện về những vấn đề rất thời sự và ngẫu nhiên: Dân làng có khỏe không? Có đủ lúa ăn không? Muốn no ấm phải trồng lúa nước, phải nghe lời Ðảng, không theo Fulro, phải đặt vòng sinh đẻ có kế hoạch, phải cho con em đi học, v.v và v.v...Nhiều người thắc mắc tại sao ông không được phong Nghệ sĩ Nhân dân. Ði với ông xuống làng tôi mới hiểu, chả cần phong, ông đã thực sự là nghệ sĩ của nhân dân rồi. Con chim phí Y Phôn cũng thế, nó đang chọn cội nguồn là nhân dân của nó, một nhân dân Tây Nguyên cụ thể mà lại rất chung và hòa nhập. Tây Nguyên của Y Phôn cụ thể mà lại rất trừu tượng, mang đậm chất triết học. Tư duy âm nhạc của anh đầy chất lãng mạn bay bổng, đến hoành tráng mà lại dân dã mộc mạc như chính tâm hồn người Tây Nguyên. Sinh năm 1961 tại buôn Sik, xã Dlie Yang, huyện Ea H'leo, Ðăk Lăk,  Y Phôn Ksor sáng tác rất ít, cho đến nay mới chỉ khoảng 10 ca khúc, thế mà nhiều lần được giải thưởng quốc gia cho các ca khúc của mình. Nhưng Y Phôn thì vẫn thế. Lặng lẽ làm việc, lặng lẽ sáng tác và lặng lẽ giữa buôn làng, vẫn là một chàng trai Êđê rụt rè và khiêm nhường, ít nói trong tất cả các cuộc mà người trong giới luôn luôn “ai nói nấy nghe”...

Lâu nay, trên bầu trời các sao ca nhạc của Việt Nam, đang hiện diện một số sao Tây Nguyên. Tên tuổi của họ trở thành điều kiện tiên quyết cho các đêm diễn, họ là thần tượng của giới trẻ. Họ đã thổi vào đời sống âm nhạc Việt Nam một luồng gió lạ với hơi hướng mà người ta thường gọi là rốc Tây Nguyên, để đến nỗi bây giờ có một số người cứ nghe ở đâu hú hét bèn bảo đấy là... Tây Nguyên.

Nhạc sĩ Krajan Đick hiền lành và khiêm tốn.

Y Phôn đang chứng minh rằng âm nhạc Tây Nguyên không phải thế. Lần đầu tiên tôi được nghe chính Y Phôn hát bài Chim phí bay về cội nguồn là khi sang Ðăk Lăk dự lễ đua voi. Một Tây Nguyên trầm hùng bí ẩn và trữ tình, một Tây Nguyên với tất cả chiều sâu văn hóa của nó, một Tây Nguyên hoang sơ nhưng vô cùng gần gũi, bao la và giàu có. Ðến Ði tìm lời ru mặt trời thì chất trí tuệ Tây Nguyên đã hiển hiện rất rõ nét. Ta gặp ở đấy một bản chất nhân văn sâu sắc, nó trữ tình và bí ẩn như mái nhà rông cao vút mà mềm mại kia, mà lại mang tầm vũ trụ. Chỉ với 2 bài hát do chính mình sáng tác và biểu diễn ấy, Y Phôn xứng đáng ngồi vào chiếu cao của các nhạc sĩ và cả ca sĩ hiện nay. Không thời thượng, không ru ngủ, không rẻ tiền, kích động... như một số ca khúc thời thượng, các bài hát của Y Phôn chứng tỏ một tài năng thật sự. Anh bắt trúng mạch nguồn Tây Nguyên trong những hình ảnh cực kỳ hoành tráng, lãng mạn và huyền ảo: Lời ru mặt trời, chim phí bay về cội nguồn. Trong khi đó, thú thật, khi nghe ai đó cứ gào lên Em muốn sống bên anh trọn đời thì tôi lại không tin lắm khả năng gắn kết tình yêu một cách phô phang như vậy?...

Nhạc sĩ Krajan Đick là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Ủy viên BCH Hội VHNT Lâm Đồng, nguyên là Phó đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, anh từng đoạt nhiều giải thưởng cao của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội VHNT các DTTS Việt Nam với các tác phẩm: Men tình xuân, Nồng nàn cao nguyên, Cánh sóng và chuyện tình, Lời suối gọi, Sim Kring, Chào Mimosa, Chư Yang Sing...

Hiền lành, khiêm tốn và hiểu rất sâu sắc về Tây Nguyên (nói điều này vì không phải ai là người Tây Nguyên cũng hiểu Tây Nguyên một cách thấu đáo), Krajan Dick là một trong những nhạc sĩ Tây Nguyên được mến mộ. Nhưng trên nữa, anh là một nhà văn hóa với nhiều hoài bão ấp ủ, nhiều dự định làm cho quê hương, mà việc nghỉ việc ở đoàn ca múa để về làm du lịch văn hóa cũng là một cách. Có thể lại có thêm một già làng nữa, già làng thế hệ mới, như Krajan Blin cũng đã là già làng, những già làng của một Tây Nguyên mới, vẫn rất Tây Nguyên nhưng biết mở lòng ra tiếp thu văn minh, ứng dụng tiện nghi hiện đại vào công việc và đời sống, thân thiện và thích nghi...

Bài và ảnh: VĂN CÔNG HÙNG

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5817170 - Online: 30