›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ ba, ngày 28/08/2018 10:21:12 GMT+7 | lượt xem: 3531

Ai lên xứ hoa đào...

Nói đến Đà Lạt, nhiều người nghĩ ngay tới bài hát 'Ai lên xứ hoa đào' của Hoàng Nguyên. Như người ta thường nói, chính Hoàng Nguyên là người đã 'đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt' qua bài hát này.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên.

Khi tôi ngồi viết những dòng này cũng là ngày cách đây 45 năm Hoàng Nguyên vĩnh biệt thế gian (ông mất ngày 21/8/1973 vì tai nạn giao thông tại Vũng Tàu).

Nhiều người cho rằng, cuộc đời ông là một chuỗi những uẩn khúc không dễ lý giải. Quê ông ở xóm Chợ Mới, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu (Nghệ An), nhưng từ trước đến gần đây người ta cứ ghi là Quảng Trị. Ông tên thật là Cao Cự Phúc sinh năm 1930, nhưng nhiều người lại cho là năm 1932, mà không biết rằng khi xin vào học Trường Quốc học Huế, vì lớn tuổi ông đã phải khai rút đi 2 tuổi. Hoàng Nguyên mất mẹ từ năm 2 tuổi, ông vào Quảng Trị sống cùng bố và mẹ kế và không một lần được trở về quê hương.

Là người của cách mạng hoạt động bí mật (năm 19 tuổi, ông được phái vào Nam với danh nghĩa đi tìm bố), bị chính quyền Sài Gòn bắt 2 lần, một lần ở Quảng Trị, một lần ở Đà Lạt rồi đày đi Côn Đảo), năm 1965 bị động viên vào Trường Bộ binh Thủ Đức, rồi chuyển về Cục Quân cụ, phụ trách ban nhạc “Hương thời gian” cho đến khi mất. Một lần được con gái chúa đảo Côn Đảo yêu (cô này có con với ông); một lần làm con rể thị trưởng Phan Thiết (cuộc hôn nhân này cũng đổ vỡ và để lại nhiều đau đớn).

Với những uẩn khúc như vậy, sự đánh giá về ông một thời gặp nhiều trắc trở. Nhưng sự nghiệp sáng tác của ông (đến nay chỉ tìm lại được hơn 40 tác phẩm) tuy có lúc đau đớn, xót xa, nhưng đều thấm đẫm tình yêu quê hương, mong muốn đất nước được hòa bình. Những tác phẩm của ông như Ai lên xứ hoa đào, Bài thơ hoa đào, Anh đi mai về, Anh đi về đâu, Đường nào lên thiên thai, Tà áo tím, Duyên nước tình trăng, Bài tango cho riêng em, Lời người ở lại, Gió trăng ngàn, Lá rụng ven sông… đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ yêu mến và biểu diễn thành công, được đông đảo công chúng yêu mến.

Thời ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên dạy học (dạy văn, dạy Anh văn) và cả dạy nhạc (nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là một trong những học trò yêu của ông. Ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên bị địch bắt vì chúng nghi ông đấu tranh cho hòa bình. Khi khám nhà Hoàng Nguyên, chúng tìm thấy bản “Tiến quân ca”, “Thiên thai” của Văn Cao, nên đã đày ông ra Côn Đảo. Trước sau Hoàng Nguyên chỉ ở Đà Lạt chưa đầy 3 năm nhưng đã để lại 2 bài hát nổi tiếng “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào”. Cả hai bài đều không có một chữ nào nhắc đến Đà Lạt nhưng đã đóng đinh tên tuổi ông với thành phố ngàn hoa này. Xét tổng thể sự nghiệp sáng tác của Hoàng Nguyên thì “Ai lên xứ hoa đào” và “Cho người tình lỡ” là hai ca khúc đỉnh cao đầu đời và cuối đời của Hoàng Nguyên. “Cho người tình lỡ” được cho là sáng tác khi cuộc hôn nhân của ông tan vỡ:

“Khóc mà chi, yêu thương qua rồi

Than mà chi, có ngăn được xót xa

Tiếc mà chi, những phút bên người

Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua”.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Nguyên (Cao Cự Phúc) còn cần phải được tìm hiểu kỹ càng hơn nữa để có được những kết luận thuyết phục. Nhưng giá trị các tác phẩm của ông và sự yêu mến, trân trọng của công chúng đối với ông là điều đã được khẳng định.

Đà Lạt hoàng hôn.

Do vậy giới văn nghệ sĩ và những người yêu mến ông ở Đà Lạt (nơi ông thành danh và có công rất lớn với mảnh đất này) và quê hương Diễn Châu (Nghệ An) rất muốn có đường phố mang tên ông. Hơn 60 năm đã qua mà tấm lòng ông vẫn như còn vấn vương qua bài hát “Ai lên xứ hoa đào”: Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương/ Người về từ hôm nao, mà lòng còn thương vẫn thương...

Trần Bảo Hưng

Nguồn: Đại đoàn kết; số 235; ngày 23.8.2018; tr 8

 

 



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5817888 - Online: 21