›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 14/08/2017 10:43:33 GMT+7 | lượt xem: 711

"Cầu nối" giữa ý Đảng và lòng dân buôn làng nam Tây Nguyên

Tỉnh Lâm Đồng hiện có gần một nghìn già làng, người có uy tín, trong đó, số đảng viên chiếm khoảng 10%. Già làng nói buôn làng nghe, già làng làm buôn làng làm theo, họ là “cầu nối” giữa luật tục với luật pháp, giữa truyền thống với hiện tại và giữa cấp ủy, chính quyền với bà con buôn làng, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở nam Tây Nguyên.

Hội xuân giữa đại ngàn nam Tây Nguyên.

Những nếp nhà ở thôn Ta Ly 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bập bùng bếp lửa gọi chiều. Đón chúng tôi trong lần gặp không hẹn trước, Bí thư Chi bộ thôn, già làng Klong Ba thổ lộ: Mình đang định đi gặp các trưởng tộc trong buôn để chuẩn bị công tác phổ biến các nghị quyết, chỉ thị mới của trung ương, địa phương. Ở buôn làng mình có 11 họ tộc. Bà con ai chưa hiểu, chưa biết về chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật đều hỏi tộc trưởng, già làng.

Tuổi đời 63 mùa rẫy, già làng Klong Ba đã có 14 năm trên cương vị Bí thư Chi bộ thôn, đảng ủy viên xã Ka Đô. Thôn Ta Ly 2 có 113 hộ, 514 nhân khẩu, hơn 95% là đồng bào dân tộc Cơ Ho Cil quần tụ, sinh sống. Cách đây chừng 25 năm, ký ức của những người già trong thôn vẫn luôn ám ảnh cảnh du canh, du cư; cuộc sống của những người con bản xứ cứ phiêu bạt qua những sườn đồi nam Tây Nguyên. Năm 1992, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, họ dừng chân lập thôn Ta Ly 2, bên dòng Đạ Nhim hiền hòa, để làm cho “hạt lúa trổ bông” và những vườn rau xanh tốt. Bí thư, già làng Klong Ba cho rằng: Để triển khai tốt công việc, để dân hiểu, dân tin... trước hết, già làng, tộc trưởng, đảng viên phải biết làm gương. Nhưng muốn làm gương thì phải có kiến thức, phải hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quan trọng là chọn “kênh” tuyên truyền, phổ biến phù hợp.

Trên cung đường trải bê-tông chạy dọc giữa buôn làng, già Klong Ba bảo, đây là khu nhà lưới trồng rau công nghệ cao của gia đình bà Lyđia, kia là của già Ya Bai, Trưởng ban Mặt trận thôn... Dừng lại trong khu nhà lưới bốn sào rộng 4.000 m2 vừa mới làm thêm của gia đình, già Klong Ba cho biết: Nhà mình có 2 ha trồng luân phiên các loại rau. Nhờ tự học hỏi kinh nghiệm, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, mình mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập hằng năm khoảng 500 triệu đồng. Từ mô hình mẫu của gia đình Klong Ba, giờ đây, bà con thôn Ta Ly 2 đã bắt đầu nghĩ đến chuyện làm giàu trên chính đồng ruộng của mình.

Nhờ hiểu rõ phong tục, tập quán của đồng bào mình, già Klong Ba chọn cách quản lý theo họ tộc, vận dụng vai trò, uy tín của tộc trưởng nhằm mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, ông chọn ba “kênh” để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con buôn làng, như họp dân, dòng họ và nhất là trong những buổi thánh lễ, có một chương trình riêng cho hoạt động này. “Mình làm đúng và làm gương thì bà con ủng hộ mà”, già Klong Ba nói. Nhờ thường xuyên tuyên truyền, vận động cho nên bà con buôn làng đã thay đổi tư duy, nếp sống. Giờ cả thôn chỉ còn hai hộ nghèo, cái đói đã lùi xa...

Chia tay buôn làng Ta Ly 2 trong những cái nắm tay thật chặt của già làng Klong Ba, tôi tìm gặp Bí thư Chi bộ thôn Ka Đô cũ, xã Ka Đô, già làng Tou Prong Dzung. “Phải thấu hiểu cuộc sống của bà con buôn làng mới giúp họ tìm cách thoát nghèo được. Và quan trọng, là cán bộ, đảng viên thì phải gần dân, giúp dân và làm gương trước” - già Dzung mở lời.

Thôn Ka Đô cũ có 186 hộ dân. Người Chu Ru vẫn nói về buôn làng mình như thôn “mẹ” của xã. Xuôi dòng ký ức, già Tou Prong Dzung kể: “Xưa, thôn có tên Ka Du. Sau này để thành lập xã, người ta dồn các thôn lân cận như Ta Ly, Tan Niêng về thôn Ka Du để thành lập xã Ka Đô từ đó”. Trong trí nhớ nhạt nhòa của nhiều người già trong thôn, những năm tháng ấy, bà con chỉ biết trồng bắp, trồng lúa một vụ sống qua ngày, cái đói mùa giáp hạt đeo bám triền miên. Già Dzung là người hiếm hoi ở thời kỳ đó được đi học, bởi thế, bà con thường tìm đến nhờ đọc, nhờ viết. Nhiều người ví già như “đôi mắt” của buôn làng là vậy. Sau này, già Dzung trở thành giáo viên. Năm 1993, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở xã. “Hồi đảm nhiệm cương vị chủ tịch xã. Mình là một trong những người đầu tiên tiến hành trồng xen canh bí đỏ, dâu tằm. Mình nói được phải làm được, nói đi đôi với làm thì bà con mới tin” - Bí thư, già làng Tou Prong Dzung chia sẻ.

Về hưu, ông đảm nhiệm chức Bí thư Chi bộ thôn Ka Đô cũ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Tiếp nối những thành quả, niềm tin của bà con đối với mình, với sự kiên trì vận động của già Dzung, cán bộ thôn, đến nay trong 154 ha đất sản xuất của bà con thôn Ka Đô cũ đã có hơn một phần hai diện tích sản xuất rau thương phẩm, thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Đó là con số trong mơ của bà con buôn làng Chu Ru nhiều năm về trước.

Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô Nguyễn Khánh Chỉnh cho biết: “Xã Ka Đô có chín thôn, hơn 2.900 hộ, trong đó, năm thôn đồng bào dân tộc đều có chi bộ. Thời gian qua, các bí thư, già làng đã phát huy vai trò, uy tín, là nhân tố hỗ trợ quan trọng cho hệ thống chính trị ở cơ sở. Có thể nói, sự đổi thay của xã nông thôn mới Ka Đô hôm nay, có sự đóng góp rất lớn của họ”.

Chia tay những buôn làng đồng bào dân tộc Chu Ru, Cơ Ho ở Đơn Dương, khi đã hoàng hôn. Trên hành trình trở về, chúng tôi vẫn nuối tiếc khi chưa gặp được những tấm gương mẫu mực mà theo lời gợi mở của Phó Bí thư Huyện ủy Đơn Dương Trương Văn Bình, “họ là những người góp phần làm nên diện mạo huyện nông thôn mới đầu tiên ở Tây Nguyên”, như đảng viên, già làng Ya Ga, người có 22 năm được bà con xã Tu Tra tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng bào tự quản; nữ Bí thư chi bộ đa năng của thôn M’Răng, xã Lạc Lâm, cử nhân Bonyê Hơm…

Trong căn nhà khang trang nép phía chân núi LangBiang, bà con người Cơ Ho đã tụ về nghe già làng Krajan Tên kể chuyện Trường Sa. Đã hơn ba mùa rẫy, kể từ khi đi thăm quần đảo Trường Sa, nhưng khi nhắc đến vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, già làng Krajan Tên, Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi Bon Đơng 1, thị trấn Lạc Dương, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Dương vẫn rất xúc động. Ông bảo: “Đó là chuyến đi ý nghĩa nhất của đời mình. Những hình ảnh về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc rồi sẽ được kể mãi cho đồng bào mình nghe”.

Có kiến thức tích lũy trong quá trình công tác, nay được nghỉ ngơi tuổi già, Krajan Tên vẫn luôn đau đáu, làm sao để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào mình; đồng thời, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con được chính quyền thấu hiểu. Già nói: “Được bà con buôn làng suy tôn là người uy tín, mình tự hào lắm. Vì sự tín nhiệm đó, mình phải cố gắng nhiều hơn. Bởi già làng, người có uy tín là cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân mà”. Từ suy nghĩ đó, già luôn hỗ trợ chi bộ thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, nỗ lực làm kinh tế, bảo vệ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Già làng Păng Ting Sin được người dân huyện Lạc Dương nhắc đến như một “thương hiệu”. Ngoài việc cùng chi bộ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ông là điển hình nông dân dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với thương hiệu “hoa hồng Păng Ting Sin” đã được khẳng định. Từ hai sào hoa trồng thử nghiệm, giờ vườn hoa hồng của gia đình ông đã lên đến 1 ha, được trồng trong nhà kính hiện đại, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ vườn mẫu của Păng Ting Sin, giờ đây, dưới chân núi LangBiang đã có hàng chục hộ đồng bào dân tộc học tập làm theo. “Cán bộ, đảng viên phải làm gương thì dân mới tin. Cùng với đó, ông Păng Ting Sin còn ra tận vườn để giúp bà con về kỹ thuật canh tác, chăm sóc vườn. Hơn 260 hộ dân buôn làng luôn đặt niềm tin ở ông, nhiều nhà nay đã có của ăn, của để” - già làng Krajan Tên thổ lộ.

Phía xa chân núi Mẹ LangBiang, buôn làng Kim Panhon, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, ví già làng Krajan Ha Đời như cánh chim ch’rao giữa đại ngàn. Ông Ha Đời làm công việc của già làng lâu rồi, từ sau năm 1975 đến giờ. Nguyên là Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar về hưu năm 2001, nhưng già luôn “gắn” với việc của xã. Già kể: “Mình đã vận động được bà con canh tác cây cà-phê, trồng rau, hoa công nghệ cao thay cho cây bắp nương, lúa rẫy”. Việc bà con dân tộc thiểu số xã Đạ Sar làm kinh tế giỏi bằng cây công nghiệp, rau, hoa công nghệ cao, lên in-tơ-nét tìm thông tin... không còn là chuyện lạ. Thấy tôi ngắm nhìn tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng ông cách đây chưa lâu, già bảo: “Niềm tin của buôn làng mới là điều quan trọng với già làng, đảng viên”.

Trên những cung đường buôn làng xã Đạ Sar, tôi còn được nghe bà con nhắc nhớ về những vị bí thư mẫn cán, như Ha Xép (Bí thư Chi bộ thôn 5), K’Ten (Bí thư Chi bộ thôn 2)... với tư duy mộc mạc “phục vụ cho đồng bào cũng là phục vụ cho chính mình”.

Huyện Lạc Dương có hơn 73% số dân là người dân tộc thiểu số. Đến nay, Đảng bộ có hơn 1.200 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 27%. Đáng chú ý, trong số năm xã và một thị trấn trực thuộc, bốn xã có số đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Ya Tiông cho biết: “Hiện tất cả năm xã của huyện đều có chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND là người dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, khi già làng, người có uy tín và cán bộ người dân tộc thiểu số là đảng viên, thì việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân càng hiệu quả. Họ không những là “hạt nhân”, “đầu tàu” ở thôn, buôn mà là người con gương mẫu của buôn làng”.

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có gần một nghìn già làng, người có uy tín, trong đó, khoảng 10% là đảng viên. Họ chính là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng dân cư với hệ thống chính trị ở cơ sở. “Khi già làng, người có uy tín là đảng viên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, trước hết, họ là người được buôn làng suy tôn, được trang bị về lý luận, cùng với việc hiểu phong tục, nếp sống của bà con, qua đó, sẽ có nhiều cách tuyên truyền phù hợp. Họ nói, họ kể chuyện... buôn làng dễ nghe hơn”, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng Bon Yô Soan phân tích.

Thực tế, trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc hay trong thời kỳ xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò già làng, người có uy tín luôn được phát huy mạnh mẽ. Họ là những người “truyền lửa”, tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh chính trị và cuộc sống bình yên cho buôn làng.

“Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 24% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2010 đến tháng 3-2017, toàn Đảng bộ kết nạp gần 1.500 đảng viên người dân tộc thiểu số, nâng số đảng viên người dân tộc thiểu số lên 4.285, chiếm 10,3% đảng viên toàn Đảng bộ”.

(Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng)

 

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5817271 - Online: 24