›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 16/10/2014 01:44:17 GMT+7 | lượt xem: 405

Thăng hoa Hà Nội trên vùng đất mới

Năm 1996, kỷ niệm 20 năm xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Ðồng, tôi may mắn được đi cùng đoàn đại biểu Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội vào Lâm Hà chúc Tết bà con. Trưởng đoàn là nhạc sĩ Trần Hoàn, thời đó đang là Phó Bí thư Thành ủy. Ngoài đại diện của các cơ quan, đoàn thể, cũng mời thêm một nhóm các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của Ðoàn Ca múa Hà Nội, cùng về thị trấn Nam Ban và xuống tận các xã lân cận tổ chức biểu diễn đón chào Xuân mới.

Ấn tượng về một vùng đất tươi tắn, trẻ trung, tuy còn nghèo và còn nhiều vất vả vì mới được khai vỡ nhưng đầy tiềm năng cho tương lai đã in đậm trong tâm trí chúng tôi từ ngày ấy. Và đặc biệt đáng nhớ là "chất Hà Nội", "phong thái Thủ đô" trong mỗi con người ở đây, hình như càng đi xa càng có dịp được thể hiện mình rõ nét hơn, càng tạo cho từng người thêm nhiều tự hào và ý chí vươn dậy mạnh mẽ, giàu sáng tạo hơn. Nếp ăn, nếp ở của con người từ vùng đất ngàn năm văn hiến đang bắt rễ vững chắc vào từng triền đồi, từng thung lũng hoang sơ, xa lạ..., tạo cho nơi đây một sinh khí đầy chất huyền thoại, sử thi như từ những thời hồng hoang vừa "đẻ đất, đẻ nước" xa xưa, nhưng lại cập nhật với những kỳ tích và dấu ấn của con người và lối sống hiện đại đang kịp bắt nhập cùng thời đổi mới và hội nhập của toàn dân tộc. Sống khẩn trương, gấp gáp nhưng lại vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, điềm đạm, chu đáo. Sống ào ạt, khai mở, đồng thời lại vẫn giữ được nét tinh tế, thanh lịch vốn là truyền thống cha ông. Biết giữ gìn nền nếp cổ xưa nhưng lại học được cách hòa nhập và thích nghi nhanh chóng với cộng đồng các dân tộc bản địa anh em cùng bà con nhiều vùng miền về tụ hội trên quê hương mới. Ðấy là những khía cạnh dễ nhận ra từ một thế hệ người Hà Nội mới, người Hà Nội "ở ngoài Hà Nội", người Hà Nội biết nối dài những phẩm chất vốn có, biết mở rộng hơn nữa với những gì mình tiếp thu được từ mọi hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của vùng đất hoang sơ mà kỳ vĩ này. Chúng tôi đã say sưa với những thu hoạch ấy từ vùng đất mới mẻ và đầy huyền thoại từ mười tám năm xưa. Và mỗi chúng tôi vẫn còn giữ mãi trong trái tim mình những cảm xúc đẹp đẽ, tươi nguyên đó từ buổi đầu tiếp xúc với Lâm Hà cho mãi đến hôm nay.

Bây giờ, trước thềm 60 năm giải phóng Thủ đô (1954 - 2014), tôi lại có dịp vào Lâm Ðồng và gặp lại nhà thơ Phan Hữu Giản, người cùng khóa Thành ủy Hà Nội với tôi từ thời đó, người đã tự nguyện xung phong xin vào hòa nhập với vùng đất này cùng những cư dân đầu tiên đi mở đất của Hà Nội, được cử làm Bí thư Huyện ủy từ khi vùng đất mới được khai sinh, và sau này làm Bí thư Thành ủy Ðà Lạt cho đến khi nghỉ hưu. Anh Phan Hữu Giản, với khuôn mặt sạm nắng gió nhưng nụ cười thật sự trẻ trung, nay lại rất vui khi có dịp được đưa tôi trở lại Lâm Hà, về lại Nam Ban, sang thị trấn mới Ðinh Văn, ngó lại những cái tên thân thương: Lán Tranh, Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Ðan Phượng, Hoài Ðức, Phúc Thọ, Mê Linh... đã vĩnh viễn "đóng đô" lại ở vùng đất cao nguyên nắng gió này. Chuyến đi quả thực đã làm tôi ngập tràn cảm xúc, ngập tràn suy tưởng, những cảm xúc rưng rưng trước vẻ đẹp từ cái Không trở thành cái Có, và những suy tưởng ào ạt trước sức đi và đích đến cao cả, mãnh liệt, giàu sáng tạo của một đời người dám vươn tới nhiều đời! Và Thác Voi, tuy vẫn cuồn cuộn sôi réo như xưa, nhưng hình như con người đã thổi hồn vào cho nó, không còn vẻ dữ dội hoang sơ như thuở trước. Rồi mầu xanh mát mắt của dâu tằm, nương chè, pha với mầu đỏ thẫm của cà-phê chín, mầu hoa rực rỡ từ hồng, từ tím sang vàng ươm và trắng dịu của cơ man những loài hoa không thể nào kể xiết trên suốt cao nguyên màu mỡ, tất cả tạo thành một bản hòa tấu đầy sắc màu, tràn trề sức sống và lòng yêu đời, lòng yêu người... ngỡ như vô tận trên cả địa bàn rộng lớn "đất lành chim đậu" này.

Nhiều hộ dân ở Lâm Hà (Lâm Đồng) chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng hoa,

thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: NGUYỄN DUY

Quả thực, lần thứ hai được trở lại Lâm Hà sau 38 năm khai phá, xây dựng và phát triển, ấn tượng cứ theo đuổi tôi mãi chính là sức sống và màu sắc hài hòa, phong phú của một vùng đất đặc thù mang đậm chất Hà Nội, gồm những lớp người đi tiên phong ở đây, là vốn quý trong chất người được chiết xuất ra từ trong lòng Thủ đô Thăng Long - Hà Nội nghìn năm, cùng với mọi biểu hiện sinh động của đời sống tinh thần và vật chất, vật thể và phi vật thể... Ðây là những gì rất thiêng liêng được mang theo từ Thủ đô Hà Nội và sẽ vĩnh viễn gắn bó hữu cơ với Thủ đô như máu thịt của mình. Bên cạnh đó, những đặc điểm văn hóa truyền thống mang bản sắc Tây Nguyên như: Kiên cường, bất khuất, sống gần gũi, yêu thiên nhiên, nhân hậu, hiền hòa, nhã nhặn, mến khách của vùng đất Ðà Lạt, Lâm Ðồng và nhiều vùng miền khác của Tổ quốc, đã được hòa nhập vào đây khi con người đến lập nghiệp, là một sự cộng hưởng với dòng hợp lưu từ tinh hoa nhiều vùng đất, in đậm dấu ấn lên đời sống tâm linh, phong tục tập quán, cách sống và cách ứng xử cùng lề thói sinh hoạt, ăn ở... của mọi người dân, để tạo nên một nếp sống mới của cả cộng đồng dân cư Lâm Hà, vừa vẫn rất Hà Nội vừa bổ sung thêm những ưu thế của lối sống bản địa Tây Nguyên và nhiều vùng "tứ xứ" khác, tinh tế mà cởi mở hơn, hồn hậu mà phóng túng hơn, mà bao trùm lên tất cả là vẻ khỏe khoắn, trẻ trung, năng động của lối sống, không khuôn thước và cũng không hề khô khan đi vì những lệ luật bất thành văn đã gò bó tự nhiều đời, hay những định kiến an phận và cố hữu dễ nảy sinh từ một vùng đất nông nghiệp cổ xưa còn chật chội, luôn luôn phải đối phó với cảnh làm ăn lam lũ "giật gấu vá vai". Vẻ đẹp phức hợp này chỉ có thể có được ở những lớp người mới, dám đi khai phá, đi mở đường, mở ra tương lai từ những vùng đất nguyên sơ với những khát vọng lớn dám quyết tâm đổi đời, quyết tâm tạo nên hạnh phúc từ chính sức lực và trí tuệ của mình, với truyền thống văn hiến tốt đẹp vẫn được tích hợp lại từ tuổi hoa niên, mà mỗi người đều luôn luôn biết coi trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Từ những khó khăn, thách thức ban đầu, từ những thể nghiệm có khi còn nảy sinh nhiều hoài nghi về hiệu quả và ý nghĩa của một vùng kinh tế mới, Lâm Hà hôm nay đã là lời giải đáp lạc quan và đầy tin cậy cho chúng ta. Và thật vui hơn nữa khi chúng tôi vừa được biết tin, rằng quy hoạch mở rộng của thành phố Ðà Lạt đang được xem xét để sẽ có điều kiện trở thành một trung tâm du lịch sinh thái có tầm cỡ của cả khu vực Ðông - Nam Á. Cũng từ dự án này, Lâm Hà có thể cũng đang được xem xét ưu tiên để sáp nhập vào tổng thể vùng quy hoạch mới đó, như một huyện ngoại thành của thành phố Ðà Lạt, một vành đai xanh, một vành đai có tiềm năng du lịch rất nhiều hứa hẹn.

NHÀ THƠ BẰNG VIỆT



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5851033 - Online: 123