›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ tư, ngày 17/09/2014 04:29:02 GMT+7 | lượt xem: 1147

Tây Nguyên: Động vật hoang dã dần biến mất

Từ lâu, với hệ thống rừng núi rộng khắp bao phủ, vùng đất Tây Nguyên ở nước ta được cho là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong sách đỏ của thế giới, cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, cùng với sở thích sử dụng những sản phẩm động vật hoang dã đang khiến cho vùng đất này ngày càng vắng bóng những loài thú quý hiếm. Thế là, những gấu, khỉ, vượn, chim muông… đang ngày bị săn bắn nhiều hơn và chúng cũng ít còn xuất hiện ở rừng nữa mà thường xuyên được tìm thấy ở các nhà hàng, quán nhậu.

Khi môi trường sống bị đe dọa

Có thể nhìn nhận ngay rằng, số lượng cũng như tổng số các loài động vật hoang ở Tây Nguyên đang giảm đi với tốc độ đáng báo động. Nguyên nhân đầu tiên chính là việc những cánh rừng già nguyên sinh, môi trường sống cố hữu của các loài động vật hoang dã đã bị khai thác, không còn nữa. Có thể nói, với điều kiện tự nhiên sẵn có, Tây Nguyên luôn được coi là vùng đất giàu có về số lượng động vật hoang dã bởi hầu hết các loài thú quý hiếm như hổ, báo, gấu, bò tót…đều sinh sống nhiều ở đây.

Voi - động vật quý hiếm ở Tây Nguyên trước nguy cơ tuyệt chủng

Cụ thể, theo thống kê, năm 1980, tổng diện tích rừng của Tây Nguyên có 3.868.400 ha, chiếm 70,66% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Nhưng từ năm 1980 đến 1995, trung bình mỗi năm Tây Nguyên "xóa sổ" 120 nghìn ha rừng. Rừng giàu và trung bình giảm 75%, rừng nghèo tăng 109%. Từ năm 1995 đến nay, mỗi năm không dưới 45 nghìn ha rừng bị phá. Ðiều dễ thấy trong những năm gần đây, khí hậu Tây Nguyên diễn biến bất thường: hạn hán, lũ quét, mùa khô đến sớm và kéo dài, nhiệt độ trung bình hằng năm tăng lên… Vì thế, không có gì lạ khi những loài động vật hoang dã bị biến mất khỏi nơi đây bởi môi trường sống của chúng bị biến đổi hoặc phá hủy hoàn toàn. Đấy là chưa kể những biến đổi khí hậu khi rừng bị tàn phá cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh dưỡng của những loài động vật hoang dã kia.

Theo số liệu thống kê của một tổ chức bảo vệ môi trường thì ở Việt Nam, mỗi năm thị trường tiêu dùng cần khoảng 4.000 tấn thịt động vật hoang dã để làm thực phẩm, thuốc, mục đích trang trí… Có thể nói, với nhu cầu khổng lồ này, không có gì lạ khi hầu hết các loài động vật hoang dã ở nước ta đang bị tận diệt và Tây Nguyên chính là điểm nóng của tình trạng này. Theo đó, hàng trăm vụ buôn bán vận chuyển trái phép các cá thể động vật hoang dã được phát hiên và xử lý nhưng trong thực tế, con số vi phạm còn lớn hơn rất nhiều lần. Và cũng từ ghi nhận thực tế, người ta không khó để tìm những món ăn có xuất xứ từ động vật hoang dã ở nơi đây, tại các trung tâm lớn như Buôn Mê Thuột, Bảo Lộc, Đà Lạt, Kon-Tum, Gia Lai… Theo đó, hàng trăm các nhà hàng đặc sản động vật hoang dã chính là nguyên nhân khiến những loài thú quý hiếm ở đây bị săn bắt bất kể ngày đêm.

Tác hại của việc săn bắt động vật hoang dã thì rất nhiều nhưng có thể nói, tình trạng này đã gián tiếp làm mất cân bằng hệ sinh thái môi trường sống của chính con người chúng ta. Theo đó, mỗi cá thể sống đều là một phần của mạng lưới phức tạp, cân bằng một cách tinh vi gọi là sinh quyển. Ngược lại, sinh quyển của trái đất  tạo nên bởi vô số các hệ sinh thái – bao gồm các loài động thực vật và môi trường sống tự nhiên của chúng. Nghĩa là, tất cả các loài đều nằm trong một chuỗi các hoạt động sống của nhau. Đặc biệt đối với các loài có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thì sự tuyệt chủng của chúng có thể dẫn đến những hậu họa khó lường.

Theo các báo cáo của một tổ chức về bảo vệ động vật hoang dã thì Tây Nguyên được cho là vùng đất giàu có động vật hoang dã nhất ở Việt Nam. Cụ thể, đây  là nơi cư trú của hơn 150 loài thú có vú, 400 loài chim, 100 loài bò sát, cũng như côn trùng các loại. Tuy nhiên, ngày nay, nhu cầu về động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ động vật hoang dã tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng đã làm suy giảm nghiêm trọng sự đa dạng sinh học này. Thực tế, những thống kê về động vật hoang dã đang ngày càng bị giảm sút và người ta nhiều khi không biết chính xác những loài thú quý hiếm còn tồn tại hay đã bị tuyệt chủng vì môi trường sống của chúng quá kín đáo với những nhà nghiên cứu, thống kê.

Báo động những loài sắp tuyệt chủng

Như đã nói, do nhu cầu sử dụng nên số lượng động vật hoang dã ngày càng giảm. Cụ thể, như loài bò xám là động vật cực kỳ quý với số lượng ít ỏi ở Đông Dương. Trước đây loại động vật này sống phổ biến trong rừng Yok Don (Đắk Lắk) và Chư Mom Ray (Kon Tum) nhưng ngày nay gần như đã không còn nữa. Nhiều người cho rằng, giá trị của bò xám chính là da và sừng của chúng với giá hàng trăm triệu đồng/con nên chúng bị săn bắt rất gắt gao. Hậu quả, từ hơn 5 năm trở lại đây, chưa có bất cứ ghi nhận nào về sự xuất hiện của loài động vật to lớn này ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, loài heo vòi sau ngày giải phóng vẫn thấy xuất hiện tại khu rừng Chư Mom Ray, nhưng đến nay đã bị tuyệt chủng. Nguyên nhân là thịt của chúng cũng được nhiều người ưa chuộng, có giá rất cao nên chúng bị tìm diệt quá mức. Một số trường hợp khác như nai Cà Tong trước đây sống khá phổ biến ở nhiều khu rừng, nay cũng biến mất khỏi Gia Lai và Kon Tum. Ở Đắk Lắk, nai Cà Tong chỉ còn số cá thể rất ít và số phận của loài động vật này đang tiếp tục bị đe dọa và cũng có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, nếu không có biện pháu hữu hiệu kịp thời thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, loài nai quý hiếm này cũng biến mất khỏi địa bản Đắc Lắk như từng biến mất khỏi Gia Lai, Kon Tum vậy.

bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta 

Nhưng số phận bi đát không chỉ dành cho những loài động vật mà ngay cả chim muông ở Tây Nguyên cũng bị chung số phận. Cụ thể, các loại chim quý như công, trĩ sao, gà lôi hồng tía, gà tiền, cao cát đã bị săn bắt nhiều. Một số loài hiện nay không thấy xuất hiện ở các khu rừng nguyên sinh. Do tác động của con người và rừng bị thu hẹp, môi trường sống bị biến đổi, nhiều loài chim và động vật hoang dã đã di cư đến nơi khác. Đây chính là đặc thù của những loài động vật biết bay là có thể chúng biến mất khỏi địa bàn Tây Nguyên nhưng chưa chắc chúng đã tuyệt chủng. Và đó cũng được coi như hồi chuông cảnh báo sự hủy hoại môi trường sống của chúng để chúng ta tìm cách chung tay, đưa chúng trở về.

Nguyên nhân thì ai cũng biết và tác hại của việc cạn kiệt tài nguyên động vật hoang dã ra sao thì nhiều người cũng đã ý thức được nhưng do hám lợi trước mắt, nhiều tay súng vẫn thường xuyên vào rừng săn trộm các loại động vật hoang dã để cung cấp thực phẩm rừng tươi sống cho các nhà hàng, quán ăn, nhưng các cơ quan bảo vệ vẫn không xử lý được.

Trong số rất nhiều những giải pháp bảo tồn động vật hoang dã ở Tây Nguyên mà chính quyền địa phương đang áp dụng như cấm săn bắt, tuyên truyền phổ biến tác hại, lợi ích không đáng có của thịt thú rừng hay thành lập các khu Vườn quốc gia, bảo tồn môi trường sống, thả thú về rừng… thì việc gây nuôi sinh sản thành công một số loài động vật hoang dã không những có ý nghĩa về mặt kinh tế (mang lại thu nhập và việc làm cho người dân địa phương) mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn. Người dân có thêm việc làm và tăng thu nhập, do vậy đã góp phần làm giảm áp lực vào rừng và cơ hội tồn tại của loài được gây nuôi sinh sản trong tự nhiên cũng cao hơn. Mặt khác, việc nghiên cứu tái thả lại tự nhiên một số loài quý hiếm như trăn và cá sấu sẽ có ý nghĩa to lớn đối với bảo tồn. Tại Vường Quốc Gia Cát Tiên (Lâm Đồng) một chương trình tái thả lại tự nhiên một số cá thể cá sấu đang được tiến hành và đó là cách để bảo tồn loài động vật quý hiếm nước ngọt này.

Có thể nói, vì một môi trường sống lành mạnh, hòa đồng và sự đa dạng hệ sinh thái cần thiết, việc bảo tồn, phát huy gìn giữ những loài động vật hoang dã là thực sự cần thiết với môi trường sống của chính con người chúng ta. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng việc hạn chế sử dụng những sản phẩm từ động vật hoang dã để giảm thiểu một cách ít nhất khả năng gây nguy hại những những sinh vật này. 

Đoàn Đại Trí

Nguồn: báo Công lý; Số 64(1182); Thứ sáu ngày 08/8/2014; Tr.15



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5811983 - Online: 49