›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ sáu, ngày 02/03/2018 03:06:02 GMT+7 | lượt xem: 398

Mê đắm tiếng chiêng sơn nữ

Vượt khỏi quan niệm xưa cũ “chiêng cha, ché mẹ”, nhiều sơn nữ Tây Nguyên đang say sưa luyện chiêng để lan truyền sự huyền diệu của thanh âm, truyền đam mê đến cộng đồng nhằm giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể đang dần mai một.

Sơn nữ đánh chiêng

Trước kia khi đến các buôn làng Tây Nguyên, bao giờ cũng thấy nam giới đánh chiêng, còn nữ múa xoang minh họa, thế nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện những đội chiêng nữ. Cách cầm chiêng, gõ nhịp của các cô gái vô cùng duyên dáng, uyển chuyển. Những cánh tay mềm mại đưa lên, nhịp xuống, những động tác lắc hông gợi cảm cuốn hút người xem, truyền lửa đam mê đến cộng đồng.

Nghệ nhân Cil Ha Bông (xã Ðạ Tông, huyện Ðam Rông, Lâm Ðồng), người trực tiếp dạy cho các sơn nữ đánh chiêng nhận xét: Ðường chiêng của các cô gái rõ ràng không mạnh mẽ bằng các chàng trai nhưng thanh âm vẫn ngân rất xa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng bởi đó là tâm huyết, là cái tình của các cô gái với dòng tộc, cái hồn chứa niềm yêu thương và sự sẻ chia. Mặt khác với sự nhạy cảm riêng có, các em đã hòa quyện được tiếng chiêng với tiếng suối, tiếng gió và tiếng lòng của dân làng.

Kra Jăn K’Hoa, đội trưởng đội chiêng nữ thôn Liêng Trang 2 (xã Ðạ Tông) tâm sự: Học đánh chiêng cũng khó lắm, phải có cái tai nhạy, cái tay dẻo và phải thương rừng nhiều. Vì phải dùng nắm tay gõ trực tiếp vào cái chiêng bằng đồng thau cứng ngắc nên tay ai cũng sưng vù. Nhiều người phải buộc giẻ vào tay cho đỡ đau, có người nản chí bỏ học. Thầy Cil Ha Bông và già làng Kơ Sá Ha Tông khuyên tụi em hãy ráng chịu đựng vì mươi ngày sau sẽ khỏi.

Say sưa tập luyện

Cái tay phải đánh cho chuẩn và chỉnh âm thật khéo, cái tai phải phân biệt được nhiều âm khác nhau. Vì mê tiếng chiêng của người già trong làng nên tụi em cố tập, lâu dần cũng quen. Bộ chiêng có tới 6 chiếc, mỗi chiếc phát ra thanh âm khác nhau, khi tấu lên mới hòa điệu thành bản nhạc. Bởi thế, đầu tiên phải tập đánh cho chiêng kêu đúng âm của từng chiếc, sau đó các già sẽ dạy cách bắt nhịp, phối hợp âm của 6 chiếc trong bộ chiêng, cuối cùng mới tập những điệu nhạc.

“Mỗi khi có lễ hội hay sự kiện đặc biệt trong gia đình, dòng họ là được nghe tiếng chiêng. Vì thích quá nên em xin cha mẹ và già làng cho học đánh chiêng. Thường thì tập luyện ở nhà già làng hay nhà của các thành viên trong đội chiêng. Tuy nhiên, vì muốn sớm được đánh chiêng trong các lễ hội lớn như các dì, các chị nên có lúc em ra suối hay vào rừng tập thêm”, Liêng Hót K’Dung tiết lộ.

Ða số các sơn nữ trong đội chiêng đều phải ngày ngày lên rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn sắp xếp thời gian gặp nhau để luyện tập, cùng hòa âm. Lúc tập ở nhà người này, khi luyện ở nhà người khác. Một tháng rồi hai tháng. Một năm rồi hai năm. Tập dần thì quen cái âm, mê cái nhịp, không thể thiếu tiếng chiêng ngân lên từ đôi bàn tay và tâm hồn mình. Sau hai mùa rẫy đội của K’Hoa “gọi được tiếng chiêng”: tiếng chiêng riêng nhuần nhuyễn, điệu chiêng chung hài hòa và rồi dàn chiêng của họ cùng hòa nhịp với suối âm thanh của các dàn chiêng khác trong những dịp buôn làng mở hội.

Phiêu cùng tiếng chiêng

Giữ nhịp hồn chiêng

"Tùng, tùng, tùng...", bà Tou Neh Ma Bio (bản Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Ðơn Dương, Lâm Ðồng) gióng trống để dẫn dắt nhịp chiêng. “Bìng boong, bình boong…” tiếng chiêng của các sơn nữ vang lên hòa theo nhịp trống. Sau khi chỉnh cho em gái này cách cầm chiêng, chỉ cho sơn nữ kia bí quyết chỉnh âm, nữ nghệ nhân bảo học trò tự tập luyện và quay sang trò chuyện với chúng tôi quanh bếp lửa hồng ấm áp. Bên ngoài cánh cửa nhà sàn Chu Ru, gió rít từng cơn.

“Dần dà lớp trẻ ở Diom A cũng cảm nhận được sự huyền diệu của cồng chiêng, rủ nhau đi học ngày càng đông. Thanh niên ở bản lân cận là K’Băm cũng tìm đến xin học. Hiện đã có gần 100 em biết đánh chiêng. Bọn trẻ đã được địa phương cử đi tham dự liên hoan cồng chiêng ở Hà Nội, TPHCM, các tỉnh Tây Nguyên và mang về nhiều giải lắm!”.

 

 Nghệ nhân Mabio chia sẻ

Già kể ngày trước, bếp lửa, rượu cần và những điệu chiêng là linh hồn của buôn làng Tây Nguyên. Âm thanh cồng chiêng là sợi dây kết nối mỗi người với cộng đồng, cộng đồng với cộng đồng một cách linh thiêng và thế tục. Cồng chiêng còn được trao sứ mạng tạo nên mối giao cảm giữa con người với thần linh. Tiếng nói của dân làng nhiều khi không vọng tới tai yàng nhưng qua tiếng chiêng thì yàng nghe thấy hết. “Không phải đợi đến lễ hội đâu nhé! Tiếng cồng chiêng ngân vang quanh năm, theo suốt cuộc đời con người, theo suốt vòng đời cây trồng…”, nghệ nhân Mabio hào hứng thốt lên.

Tiếng chiêng thẳm sâu, huyền bí khi mời các đấng quyền năng vô hình về dự hội; phấn khởi, reo vui trong ngày “cõng” lúa mới về kho. Tiếng chiêng trong trẻo trong lễ thổi tai cho một sinh linh mới cất tiếng chào đời; đắm say, vấn vít khi trai gái tìm bạn tình; tưng bừng, phấn khích trong lễ trao vòng cầu hôn; trầm hùng quyện với tiếng reo hò của dân làng khi những chàng trai đâm trâu để hiến tế trong dịp bỏ mả.

“Những thập niên 1980 - 1990, tiếng chiêng thưa vắng hẳn?”, tôi ướm hỏi. Sau một lúc trầm ngâm, già đáp: Ðúng đấy, do đời sống quá khó khăn, thiếu thốn nên nhiều gia đình đã bán cồng chiêng để có tiền mua cây giống hoặc đổi lấy những vật dụng sinh hoạt. Ðã thế, các trai làng ngày càng hứng thú với nhạc hiện đại, không muốn học nhạc cụ truyền thống vì cho rằng quá lạc hậu, đơn điệu, khó hiểu. Biết rõ điều này, những người săn lùng đồ cổ càng đeo bám, xúi giục trai làng bán cồng chiêng quý để mua loa thùng, đàn điện... Mỗi bản chỉ còn vài ba người biết choi chiêng mà đa số đã lớn tuổi.

 “Thế nhưng thật bất ngờ các cô gái rất hứng thú với cồng chiêng, luyện tập chăm chỉ, do đó chỉ khoảng hai năm là đánh thuần thục các điêu cơ bản. Bây giờ thì tiếng chiêng của nữ tinh tế lắm rồi! Qua điệu chiêng có thể mường tượng cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội… Có lẽ người Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ nên ý thức gìn giữ hồn chiêng đã có trong tâm thức nữ giới. Khi tiếng chiêng vang lên, cũng là tiếng lòng của chúng tôi với đất trời, tổ tiên và gia đình”, bà Mabio nói, đôi mắt như linh lợi hẳn lên.

KIM ANH

Nguồn: https://www.tienphong.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5686249 - Online: 98