›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ năm, ngày 02/10/2014 10:25:16 GMT+7 | lượt xem: 603

Khám phá Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà- Kỳ cuối: Cây Thông hai lá dẹt 1.000 tuổi

“Thông hai lá dẹt - tên khoa học Pinus krempfii, trên thế giới chỉ có duy nhất ở VGQ Bidoup-Núi Bà của Việt Nam. Có nhà thực vật học thế giới ao ước rằng, trước khi chết được thấy cây Thông hai lá dẹt 1.000 tuổi ở Bidoup-Núi Bà là mãn nguyện nhất đời!”.

Say nhịp Cồng chiêng Bidoup-Núi Bà

Vừa chập tối, chúng tôi bị “hút hồn” bởi tiếng cồng chiêng thúc giục, mùi thịt nướng than béo ngậy thơm lừng, hương rượu cần nồng cay say men tình. Và các chàng trai, cô gái K’ho hừng hực quyến rũ trong váy áo thổ cẩm rực rỡ. Già làng thổi ba hồi tù và, rồi đọc thần chú… Tiếng cồng chiêng tấu lên âm vang cả núi rừng, các cô gái sơn cước múa xoang mềm mại, xoay tròn trong vòng lửa đầy ma lực. Rượu cần uống mềm môi chưa say, chỉ say ánh mắt rực lửa của cô gái vít cần. Suốt đêm khuya trong rừng vắng, hòa cùng tiếng chiêng, say múa hát, say rượu cần, say men tình. Nhóm cồng chiêng VQG Bidoup-Núi Bà làm chúng tôi “đắm đuối” quên đường về… khách sạn.Thế mới biết, sức hút ma mị của “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” mãnh liệt thật, thế giới tôn vinh là phải.

 Thăm cây Thông hai lá dẹt 1.000 tuổi

Đêm ở VQG, trong biệt thự giữa rừng thông, nghe “bản hòa tấu” côn trùng rên rỉ êm tai, ngủ ngon không mộng mị. Tôi để báo thức, dậy sớm chụp bình minh, nhưng chỉ chụp được sương mù, vì mặt trời bị mây che phủ. Sau khi ăn sáng và cà phê, đích thân Giám đốc Hương đưa chúng tôi thăm đỉnh Hòn Giao (nơi tiếp giáp giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa). Anh nói sâu về rừng, động vật, thực vật đặc hữu và kể chuyện “tiếu lâm” rất hấp dẫn.Chúng tôi vỡ ra nhiều điều.Anh còn chỉ cho thấy núi Bidoup và cánh rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam.

Cây Thông 1.000 tuổi

Chúng tôi thi nhau chụp ảnh, cả du khách nước ngoài đi ngang qua cũng dừng lại chụp, vui như hội.Tôi nghiệm ra, phải có chuyên môn mới hiểu và thấy hết giá trị của rừng.Chúng tôi còn được nghe “Truyền thuyết núi Bidoup”.Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, LangBiang và Bidoup là hai anh em ruột.LangBiang yêu Hòn Giao - sơn nữ xinh đẹp nhất vùng.Nhưng Hòn Giao lại yêu Bidoup vì cao lớn khác thường.Thấy vậy, LangBiang cốc nhẹ vào đầu Bidoup và nói “đừng cao nữa, đừng yêu Hòn Giao”.Thương người anh, Bidoup suốt đời “gục mặt xuống” cho bớt cao, sau hóa thành ngọn núi và có dáng như bây giờ.LangBiang lấy được Hòn Giao làm vợ, cả hai khi chết biến thành hai ngọn núi nằm cạnh Bidoup.Chuyện thú vị và nhân văn quá.

Nhánh lan rừng

Đến trạm Kiểm lâm Hòn Giao (sát chân núi Hòn Giao) lúc nào không hay. Xe dừng lại, tôi chụp được bảng tin cạnh đường đèo (viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh) như lời khuyến cáo: “Đến với Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà: Không để lại gì ngoài những dấu chân/ Không lấy gì ngoài những tấm ảnh/ Không giết gì ngoài thời gian”. Rồi, chúng tôi thăm “rừng lùn” với nhiều loài cây, hoa phong lan rêu, nấm… ngợp đất, mát rượi. Kiểu rừng nơi đây thật khác lạ.Bên Lâm Đồng thì có thông, còn bên Khánh Hòa chỉ có những cây nhiệt đới ngoằn ngoèo, như bị bão “uốn cong” quằn quại.Tôi chụp khá nhiều ảnh đặc tả về rừng. Trên đường về Trạm Kiểm lâm Giang Ly dùng cơm trưa, Giám đốc Hương mời cả đoàn thăm cây Thông hai lá dẹt gần 1.000 tuổi. Chúng tôi rất háo hức và vô cùng kinh ngạc, bởi 4 người ôm mới kín gốc. Xung quanh “cụ” có hàng trăm cây khác, nhỏ hơn và mọc xa hơn. Tôi chụp nhiều góc độ, rồi ôm hôn “cụ” với lòng ngưỡng mộ, thành kính. Lên xe sau cùng (vì ham chụp ảnh) nhưng tôi vẫn nghe trọn vẹn câu chuyện Giám đốc Hương, kể: “Thông hai lá dẹt - tên khoa học Pinus krempfii, trên thế giới chỉ có duy nhất ở VGQ Bidoup-Núi Bà của Việt Nam. Có nhà thực vật học thế giới ao ước rằng, trước khi chết được thấy cây Thông hai lá dẹt 1.000 tuổi ở Bidoup-Núi Bà là mãn nguyện nhất đời!”. Riêng tôi, chuyến đi này chỉ một tiếc nuối, là không thăm được cây Pơ mu 1.300 tuổi (cao 40m, chu vi 13,5m) trong VQG Bidoup-Núi Bà. Lần sau, tôi quyết tâm leo núi để thấy và chụp ảnh “cụ Pơ mu” dù phải ngủ lều, “ăn cơm vắt” trong rừng sâu, núi thẳm.

Cuộc khám phá Vườn quốc gia hai ngày thật bổ ích, để lại trong tôi nhiều cảm xúc, ấn tượng khó quên. Tôi rất vui, vì đã làm đúng thông điệp: “Không để lại gì ngoài những dấu chân. Không lấy gì ngoài những tấm ảnh đẹp.Không giết gì ngoài thời gian”. Hãy đến với VQG Bidoup-Núi Bà để tận hưởng những điều kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng. Để khám phá trải nghiệm và yêu quý “Rừng vàng” Việt Nam hơn.

Hà Hữu Nết

Nguồn: Báo Du Lịch; Số 38 (945); Thứ năm 25-9-2014; Tr.13



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5859468 - Online: 156