›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ hai, ngày 12/11/2018 10:32:46 GMT+7 | lượt xem: 2786

Cô gái yêu hồng gió Đà Lạt

Sau ba năm làm việc cho một ngân hàng lớn, Phương xin nghỉ. Cô thú thật dù rất thích công việc tại ngân hàng nhưng trong tim, một góc nhỏ vẫn dành tình yêu và ấp ủ riêng cho nghề làm hồng dẻo của gia đình.

Trong căn nhà ở vườn hồng khu vực thung lũng Khe Sanh (P.10, TP Đà Lạt), nơi Nguyễn Thị Lan Phương (25 tuổi) sinh ra và lớn lên có một nhà xưởng chế biến đặc sản của gia đình. Phương hiểu về cây hồng và nghề làm hồng sấy dẻo như hiểu mẹ mình, người mà cô thủ thỉ mọi việc từ khi còn bé.

Vực dậy nghề truyền thống

Khác với hầu hết những cuộc rời công sở của phần lớn bạn trẻ, gần như là "chạy trốn" khỏi những áp lực, Phương bước đi trong tâm trạng thoải mái hơn, quay về với giá trị của nghề truyền thống giữa cuộc sống đậm màu sắc công nghiệp.

Phương bảo mình về làm nông với gia đình. Cùng với mẹ, một nghệ nhân làm hồng dẻo có tiếng ở Đà Lạt, cô tìm cách định danh cho loại đặc sản này, sau đó đưa hồng dẻo Đà Lạt chế biến sạch đến với người tiêu dùng thông qua những kênh uy tín, phổ biến.

Nguyễn Thị lan Phương làm việc tại xưởng hồng gió     Ảnh: MAI VINH

Việc đầu tiên cô gái xin mẹ được tiếp nhận món quà quý mà người Nhật đã mang tặng người dân Đà Lạt vào năm 2012. Ấy là công nghệ làm hồng treo gió Hoshigaki, hay còn gọi là "hồng gió".

Thời điểm đó, giá quả hồng tươi xuống thấp, người dân vùng ngoại ô Đà Lạt và các huyện lân cận đốn bỏ cây hồng ồ ạt. Nhóm kỹ sư nông nghiệp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và những nông dân làm hồng sấy Hoshigaki từ Nhật Bản đã đến tận Đà Lạt tìm kiếm nông dân và truyền nghề.

"Hôm các chuyên gia Nhật hướng dẫn cho bà con, nhiều người đến rồi về ngay sau đó. Họ không tin cây hồng và nghề làm đặc sản sẽ giúp cuộc sống ổn định. Nhưng mẹ tin, vì tính từ thời ông ngoại tôi, cuộc sống của cả nhà đều đong đếm bằng những quả hồng và cây cà phê trồng dưới tán hồng. Mẹ nán lại khá lâu để nghe, và sau đó thành một trong những người đầu tiên chế biến hồng gió kiểu Nhật Bản ở Đà Lạt" - Phương kể.

Sự đẹp mắt trong cách sản xuất hồng gió khiến du khách quan tâm và tìm mua nhiều hơn cả sự mong chờ của người sản xuất. Giá hồng trái và hồng dẻo tăng gấp nhiều lần đã "cứu" nghề chế biến hồng dẻo Đà Lạt đang bị mai một.

Nói như nghệ nhân Đặng Thị Thu Vân (mẹ Phương), có ai bưng chén cơm nghe mùi hồng dẻo thoang thoảng khắp nhà thì mới hiểu cảm giác vui mừng khi nghề truyền thống của xứ mình được sống lại. Hiểu tâm tư của mẹ, Phương xin được truyền lại nghề.

Sau một mùa hồng được mẹ chỉ bảo tận tình, Phương thành thạo làm hồng dẻo sấy nhiệt theo cách phổ biến ở Đà Lạt và nghề làm hồng gió phương pháp của Nhật Bản.

Xây dựng thương hiệu cho đặc sản

Hồng gió của người Nhật đã thành tài sản chung của người Đà Lạt. Nhiều khách tìm đến xưởng chế biến để tận mắt nhìn những dây hồng treo đong đưa trong gió. Song, như những nghề làm đặc sản khác của Đà Lạt, nghề hồng gió sẽ suy yếu nếu không xây dựng thương hiệu và liên tục giới thiệu điều đặc biệt của sản phẩm đến người tiêu dùng.

"Bước ra chợ hay đi dọc các quầy hàng lưu niệm, tôi thấy hồng dẻo Đà Lạt bị trà trộn với những loại hồng có xuất xứ không rõ ràng và bán với mức giá ngang bằng. Môi trường buôn bán thiếu chuẩn mực đã ảnh hưởng lớn và làm cho nghề chế biến hồng sấy dẻo, đặc sản Đà Lạt gặp khó khăn.

Lẽ ra người trồng, người sản xuất sẽ được nhiều hơn mức họ nhận hiện nay nếu đặc sản có thương hiệu" - Phương say mê nói về điểm cốt tử của ngành đặc sản tại Đà Lạt.

 Với xưởng mứt của mình, cô tìm hiểu và thiết lập lại gần như toàn bộ quy trình đảm bảo vệ sinh cho sản phẩm. Dựa trên đặc tính của từng loại mứt, cô gái trẻ thiết kế mẫu bao bì phù hợp, tạo khác biệt so với những loại bao bì tạm bợ mà nông dân đang dùng cho những loại mứt đặc sản Đà Lạt.

Sau những thay đổi cơ bản, thương hiệu "Ngon lạ Đà Lạt" ra đời. Đây là thương hiệu được Phương dùng chung cho những loại nông sản đặc sản của Đà Lạt, sản xuất theo đúng các quy định về thực phẩm sạch.

Phương bảo: "Tôi được học về quản trị kinh doanh, làm việc thời gian khá dài ở một ngân hàng lớn và sinh trưởng trong một gia đình làm nghề hồng dẻo. Nếu không dùng sự hiểu biết để cải tiến những điểm yếu nhất của nghề đang theo đuổi, có lẽ tôi có lỗi với người nông dân rất nhiều bởi xuất phát điểm của mình tốt hơn cả".

Đừng khởi nghiệp khi chưa có tính kỷ luật

Phương quan niệm những ngày làm ở công sở có giá trị lớn đối với người khởi nghiệp. Cô tâm sự: "Công sở dạy cho mình tính kỷ luật, chặt chẽ. Khi khởi nghiệp, mình dùng những đức tính này để quản lý và thúc đẩy công việc đúng tiến độ.

Mình biết nhiều bạn vừa rời giảng đường đã khởi nghiệp, thiếu kinh nghiệm và kỷ luật nên thất bại sau đó. Khi qua những bước đầu của hành trình khởi nghiệp, mình mới thấm thía lời khuyên đừng khởi nghiệp khi chưa có tính kỷ luật".

MAI VINH

Nguồn báo: Tuổi trẻ; Số 301 (9197); ngày 5-11-2018; tr.10



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5686522 - Online: 77